5 cách sử dụng đông trùng hạ thảo tươi và khô hiệu quả

14/11/2022

Ngay từ tên gọi, loài đông trùng hạ thảo đã tạo nên nhiều sự tò mò cho người nghe. Không chỉ thế, với thành phần hóa thực vật và những tác dụng có lợi cho sức khỏe mà chúng ngày càng được nhiều người tìm mua để sử dụng dù rất đắt tiền. Để không phí tiền vô ích, hãy tham khảo 5 cách sử dụng đông trùng hạ thảo cả dạng tươi và khô ngay trong bài viết dưới đây trước khi bạn chọn mua và sử dụng loại nấm này nhé!

Đông trùng hạ thảo là gì?

Đông trùng hạ thảo thuộc chi Cordyceps. Đây là một chi nấm túi (ascomycete) bao gồm khoảng 600 loài, thường sống ký sinh chủ yếu trên côn trùng, các động vật chân đốt hoặc đôi khi là trên các loài nấm khác.

Các loài khác nhau của chi Cordyceps sẽ biểu hiện những đặc tính có lợi cho sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm, chống oxy hóa, chống huyết khối , chống sốt rét, chống nấm, hạ sốt, trị đái tháo đường, hạ đường huyết, chống hen suyễn, tạo steroid, sinh tinh, chống lão hóa và điều hòa miễn dịch,… Chính vì thế mà từ khi được phát hiện trong thế kỷ XV ở Tây Tạng và dần phổ biến ở Trung Quốc, loại nấm này luôn được xem là dược liệu quý.

Trong đó, đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps sinensis, họ Ophiocordycipitaceae, là loài nấm túi thuộc chi Cordyceps sống ký sinh trên sâu non. Sở dĩ có tên đông trùng hạ thảo vì vào mùa đông sâu non sống sâu dưới lòng đất, nấm túi sẽ ký sinh trên chúng và hút chất dinh dưỡng cho đến khi sâu non chết. Vào hạ, toàn bộ phần thân cây nấm sẽ phát triển trồi lên trên mặt đất và phần rễ vẫn bám vào sâu non. Khi thu hoạch, người ta thường lấy toàn bộ cả phần trên mặt đất và phần còn dính với sâu non để sử dụng.

Bạn có thể xem thêm: 8 tác dụng của đông trùng hạ thảo: Không khác gì “tiên dược”

Cách phân biệt các loại đông trùng hạ thảo hiện nay trên thị trường

Hiện nay, có nhiều loại đông trùng hạ thảo, nếu bạn vẫn đang bối rối với nhiều loại tên gọi khác nhau của loài nấm này, hãy cùng điểm qua một số cách phân loại đông trùng hạ thảo phổ biến sau đây:

Phân loại dựa trên nguồn gốc dược liệu

  • Trùng thảo tự nhiên. Đông trùng hạ thảo tự nhiên chỉ sinh trưởng tốt ở các vùng có độ cao trên 4000m so với mực nước biển tại Tây Tạng, Trung Quốc. Nhờ vào thổ nhưỡng thích hợp ở vùng này mà đây là loại trùng thảo được đánh giá là có thành phần hóa thực vật dồi dào. Vì thế,chúng cũng thường quý hiếm và đắt tiền hơn.
  • Trùng thảo nhân tạo. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, hiện nay có nhiều nghiên cứu và ứng dụng nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo trong vỏ trứng, vỏ đậu xanh hoặc trên cơ thể ấu trùng. Trong đó, trùng thảo nhân tạo được phát triển nhiều tại Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam (Đà Lạt).

Phân loại dựa theo dạng bào chế/sử dụng

Tùy vào mục đích và cách sử dụng đông trùng hạ thảo mà bạn có thể chọn dạng nước, dạng viên nang hoặc dạng bột.

Phân loại dựa theo trạng thái

  • Đông trùng hạ thảo tươi. Đây là loại đông trùng hạ thảo còn giữ nguyên con, chưa qua chế biến, còn tuổi nên có hạn sử dụng ngắn (dưới 1 tháng) và cần bảo quản trong nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, dạng này mới là dạng còn giữ được nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng của đông trùng hạ thảo.
  • Đông trùng hạ thảo khô. Dạng này vẫn được giữ nguyên con nhưng sẽ được chế biến sơ. Nhờ đó, chúng dễ bảo quản hơn và có thể dùng được trong thời gian dài hơn với lượng dinh dưỡng sẽ đạt được tối đa khoảng 95%.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo

Có rất nhiều cách sử dụng đông trùng hạ thảo khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng, nhu cầu, đối tượng và thể trạng của từng người.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo tươi

Ăn trực tiếp nguyên con là cách sử dụng đông trùng hạ thảo tươi được nhiều người lựa chọn khi muốn tận dụng triệt để thành phần dinh dưỡng của loại dược liệu này. Để đảm bảo an toàn vệ sinh mà vẫn hiệu quả thì trước khi ăn trực tiếp đông trùng hạ thảo tươi bạn nên rửa sạch chúng bằng nước ấm sau đó ngâm thêm 10 phút với một lần nước ấm mới. Khi ăn, nên nhai từ từ để dưỡng chất tiết ra và ngấm vào dịch vị.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo khô

Bạn có thể sử dụng đông trùng hạ thảo khô để ăn trực tiếp nhưng khác với dạng tươi, bạn cần ngâm chúng trong nước ấm để trùng thảo nở ra, sau đó sử dụng ngay mà không cần rửa lại với nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng đông trùng hạ thảo khô theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cách sử dụng đông trùng hạ thảo khô để hầm canh, ủ rượu, ngâm mật ong, nấu cháo,…

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo ngâm mật ong

Đông trùng hạ thảo khô ngâm với mật ong là cách sử dụng đông trùng hạ thảo được nhiều người áp dụng. Đông trùng hạ thảo ngâm với mật ong sẽ có vị ngọt và hương thơm tự nhiên, dùng được cho nhiều đối tượng hơn, trong đó có cả trẻ nhỏ. Không những thế, đây còn là sự kết hợp mang đến nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe như: giảm ho, bổ phế, tiêu đờm và tăng cường sức khỏe,…

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 15g đông trùng hạ thảo khô nguyên con và 0,5L mật ong nguyên chất.
  • Cho trùng thảo khô và mật ong đã chuẩn bị vào lọ thủy tinh sao cho mật ong vừa đủ ngập mặt trùng thảo.
  • Đậy kín nắp trong vòng 15 – 20 ngày. Sau đó, có thể sử dụng bằng cách mỗi ngày lấy một muỗng mật ong và một ít trùng thảo hòa với nước nóng để uống. Tốt nhất là uống vào buổi sáng.

Đông trùng hạ thảo ngâm rượu

Đông trùng hạ thảo ngâm rượu dùng để uống mỗi tối trước khi ngủ sẽ giúp tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật, cải thiện sinh lý, mạnh gân cốt. Vì thế, đây là bài thuốc rất “được lòng” các đấng mày râu.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo ngâm rượu:

  • Chuẩn bị theo tỷ lệ cứ 3-5g trùng thảo khô thì 1 lít rượu 35-45 độ. Bạn có thể tùy chỉnh liều lượng sao cho phù hợp với nhu cầu và sở thích.
  • Xếp trùng thảo khô vào bình thủy tinh và rót rượu vào sao cho ngập bề mặt dược liệu.
  • Đậy kín nắp và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời sau khoảng 1 tháng là có thể lấy ra sử dụng.
  • Mỗi ngày nên uống khoảng một chén nhỏ vào buổi tối trước khi đi ngủ. Lưu ý: không nên dùng quá nhiều.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo để hãm trà

Một trong những cách sử dụng đông trùng hạ thảo khô phổ biến nhất là hãm trà uống mỗi ngày. Cách thực hiện đơn giản như sau: Cho khoảng 3-7g đông trùng hạ thảo khô vào bình trà, nấu với 200ml nước để uống. Lưu ý cần nấu sôi 10 phút để nguội và uống trong ngày, khi uống nên nhai cả xác để tăng tính năng điều trị bệnh và điều dưỡng cơ thể.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng đông trùng hạ thảo kết hợp với các loại thảo dược khác như nhân sâm, kỷ tử để pha thành trà. Tương tự như trên bạn cũng cần chuẩn bị trùng thảo khô và nhân sâm mỗi loại từ 2-3g cho vào bình trà. Sau đó, tráng qua nước sôi 1 lần và rót thêm nước rồi mới để hãm trà trong 10 phút rồi uống.

Đông trùng hạ thảo nấu cháo

Đông trùng hạ thảo cũng thường được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hầm gà, hầm ba ba hay nấu cháo. Dưới đây là cách làm món cháo gà nấu với đông trùng hạ thảo đơn giản ngon miệng, bổ dưỡng mà bạn có thể tham khảo:

Trước hết, bạn chỉ cần nấu hầm gà với gạo nếp thành cháo như bình thường. Sau khi gạo nhừ, rắc lên mặt một vài sợi đông trùng hạ thảo hoặc để đông trùng hạ thảo nguyên con lên mặt cháo, tiếp tục nấu thêm vài phút nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn. Món cháo này có thể ăn vào bữa sáng và bữa trưa, nên dùng khi còn nóng.

Trên đây là những cách sử dụng đông trùng hạ thảo hiệu quả được nhiều người áp dụng, bạn có thể tham khảo để sử dụng loại dược liệu này một cách tối ưu nhất có thể nhé!

Theo: Hellobacsi.com