5 tác hại của việc bỏ bữa sáng khiến bạn phải suy ngẫm
Theo nhiều tài liệu dinh dưỡng, bữa sáng là bữa ăn quan trọng và tác hại của việc bỏ bữa sáng có thể rất lớn. Thế nhưng, một số khác lại cho rằng thói quen ăn sáng có thể không phù hợp với tất cả mọi người và có nhiều tác hại của việc ăn sáng vẫn chưa có đủ nghiên cứu chứng minh.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất nhưng cũng là bữa ăn dễ bị bỏ qua nhất. Có rất nhiều lý do khiến nhiều người bỏ bữa sáng, chẳng hạn như không muốn ăn, lười ăn để dành cho việc ngủ hoặc gộp cả bữa sáng và bữa trưa thành một cho tiết kiệm. Thế nhưng, liệu không ăn sáng thì có sao không?
Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về những tác hại của việc bỏ bữa sáng cũng như những ý kiến trái chiều xung quanh để phần nào có câu trả lời cho riêng mình!
5 tác hại của việc bỏ bữa sáng khiến bạn phải suy ngẫm
Theo nhiều tài liệu dinh dưỡng và nhiều nghiên cứu y khoa, bỏ bữa sáng có thể là làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe:
1. Bỏ bữa sáng không tốt cho sức khỏe tim mạch
Theo một nghiên cứu của tạp chí Jama – tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ đau tim cao gấp 27% và có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 87% so với những người ăn sáng đầy đủ.
Không những vậy, một nghiên cứu khác trên tạp chí American College of Cardiology cũng chứng minh những người có ăn sáng dù ít hay nhiều thì nguy cơ bị xơ vữa động mạch chỉ khoảng 21%, còn những người không ăn sáng là 67%.
Nguyên nhân được lý giải là do bỏ bữa sáng có thể gây hạ đường huyết, dễ bị tăng huyết áp, dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mãn tính, đặc biệt là đột quỵ.
2. Tác hại của việc bỏ bữa sáng: Tăng nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2
Bỏ bữa sáng có thể làm giảm sự lưu thông máu của cơ thể, khiến cơ thể không sản xuất đủ hormone điều tiết quá trình chuyển hóa, gây rối loạn đường huyết dẫn đến việc mệt mỏi, chóng mặt và làm tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2.
Kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Harvard với sự tham gia của 46.289 phụ nữ cho thấy những phụ nữ có thói quen bỏ bữa sáng có nguy cơ bị tiểu đường típ 2 cao hơn 54% so với những người ăn sáng đầy đủ.
Một nghiên cứu khác thực hiện với 4000 học sinh ở độ tuổi từ 9 – 10 của các nhà khoa học thuộc các trường đại học Cambridge, St George’s London, Oxford và Glasgow cũng khẳng định điều này.
3. Ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tinh thần và khả năng tập trung
Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện với trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn cho thấy ăn sáng đầy đủ có thể giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn và nâng cao khả năng nhận thức. Nguyên nhân là do bỏ bữa sáng có thể gây hạ đường huyết, giảm năng lượng cung cấp cho não bộ và cơ thể từ đó dẫn đến cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, giảm sự tập trung.
Không những vậy, tác hại của việc bỏ bữa sáng còn ảnh hưởng đến tinh thần, khiến tâm trạng bạn trở nên tồi tệ, bạn có thể cực kỳ căng thẳng, cáu kỉnh và khó chịu. Lúc này, bạn sẽ có xu hướng thèm các món ăn nhiều đường để lấy lại năng lượng và từ đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
4. Tác hại của việc bỏ bữa sáng: Thiếu hụt dưỡng chất
Ăn sáng là cách để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể sau khoảng thời gian dài. Giả sử, nếu bạn ăn tối tầm khoảng 6 – 8 giờ chiều, sau đó ngủ khoảng 7 – 8 tiếng thì có nghĩa là bạn đã không ăn gì trong khoảng nửa ngày. Nếu bỏ bữa sáng, cơ thể có thể bị thiếu hụt dưỡng chất, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, việc ăn sáng đầy đủ để bổ sung dưỡng chất cũng rất có lợi cho hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch được xem là “lá chắn” bảo vệ cơ thể, khi hệ miễn dịch vững vàng, bạn sẽ khỏe mạnh hơn, hạn chế nhiễm trùng và ít khi bị bệnh.
5. Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa
Bệnh dạ dày là một trong những tác hại của việc không ăn sáng. Bởi nếu để bụng đói trong thời gian dài, dịch vị dạ dày sẽ tiết ra nhiều mà không có gì để tiêu hóa. Điều này khiến axit dạ dày có thể “tấn công” ngược lại niêm mạc dạ dày, gây ợ chua, viêm, loét dạ dày.
Ngoài ra, bỏ bữa sáng cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn hay bị buồn nôn, tiêu chảy và thậm chí là táo bón. Bởi việc cảm thấy căng thẳng do quá đói có thể kích thích hệ tiêu hóa và làm thay đổi thói quen đi ngoài.
Ngoài ra, quá đói do bỏ bữa sáng còn có thể dẫn đến thói quen ăn uống không điều độ (ăn quá nhiều hoặc ăn những món không tốt cho sức khỏe) và từ đó, khiến quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng.
3 tác hại của việc bỏ bữa sáng vẫn còn gây tranh cãi….
Bỏ ăn sáng có tác hại gì không vẫn là vấn đề hiện gây tranh cãi. Ngoài những ý kiến đồng tình với việc không ăn sáng sẽ gây nhiều tác hại thì một số khác lại cho rằng bữa ăn sáng có thể không phải là điều phù hợp với tất cả mỗi người.
Quan điểm này cho rằng mỗi người cần lắng nghe cơ thể để biết khi nào có dấu hiệu đói thay vì ép cơ thể ăn khi không muốn. Ngoài ra, còn có một số tác hại của việc bỏ bữa sáng hiện vẫn đang gây tranh cãi như:
1. Không ăn sáng sẽ không khỏe mạnh
Rất nhiều nghiên cứu cho rằng những người có thói quen ăn sáng đầy đủ sẽ ít có nguy cơ bị thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, kết luận này chỉ được đưa ra bởi những nghiên cứu dựa trên quan sát, không thể chứng minh chính xác được lợi ích của việc ăn sáng.
Điều đó có nghĩa là những nghiên cứu này không thể chứng minh rằng bữa sáng là lý do khiến cơ thể khỏe mạnh hơn. Rất có thể chính những thói quen lành mạnh của những người ăn sáng mới là lý do chính khiến họ khỏe mạnh chứ không phải bữa sáng.
2. Tác hại của việc bỏ bữa sáng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất
Một số người cho rằng ăn sáng sẽ “khởi động” quá trình trao đổi chất, nên tác hại của việc bỏ bữa sáng trong thời gian dài là sẽ gây rối loạn chuyển hóa của các chất trong cơ thể.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn sáng kích hoạt sự trao đổi chất. Ngoài ra, điều quan trọng đối với việc trao đổi chất là tổng lượng thức ăn được tiêu thụ trong suốt cả ngày và không bị ảnh hưởng bởi thời điểm hoặc tần suất bạn ăn.
Không những vậy, các nghiên cứu cũng cho thấy không có sự khác biệt về lượng calo được đốt cháy trong 24 giờ giữa những người ăn hoặc bỏ bữa sáng. Do đó, dù bạn có bỏ bữa sáng hay không thì cũng sẽ không ảnh hưởng lượng calo bạn đốt cháy cả ngày.
3. Tác hại của bỏ bữa sáng: Gây tăng cân
Rất nhiều quan điểm cho rằng người không ăn sáng dễ bị tăng cân hơn vì bỏ bữa sáng sẽ khiến bạn đói dữ dội và ăn nhiều hơn vào những bữa khác. Chính vì thế, tăng cân mất kiểm soát thay vì giảm cân theo kế hoạch cũng chính là một tác hại của việc bỏ bữa sáng.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh điều này bởi dù có ăn nhiều hơn vào những bữa khác thì cũng không thể bù lại cho bữa sáng. Thực tế, một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể làm giảm đến 4000 calo mỗi ngày.
Cần làm gì để hạn chế tác hại của việc bỏ bữa sáng?
Việc đảm bảo có một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng và mang tính gọn nhẹ cho nhiều người bận rộn được xem là một trong các lời khuyến sức khỏe hữu ích nhất. Tác hại của việc không ăn sáng chắc chắn sẽ nhiều hơn là việc bạn ăn sáng nhẹ và đủ chất. Vậy bữa ăn sáng thế nào là được? Dưới đây là 5 mẹo có thể hữu ích cho bạn:
- Đảm bảo bữa sáng cân bằng 3 nhóm dinh dưỡng. Ví dụ: 1 lát bánh mì nguyên cám phết bơ đậu phộng và 1 ly sữa tươi là khẩu phần lý tưởng cho mỗi bữa ăn sáng.
- Đơn giản vẫn hơn là cầu kỳ. Tác hại của việc bỏ bữa sáng thường xuất phát từ nguyên do bạn quá bận rộn để nấu ăn mỗi sáng. Vì thế, hãy đơn giản hóa chúng với các món ăn nhanh gọn nhưng đủ đầy dưỡng chất.
- Chuẩn bị trước cho mỗi buổi sáng. Đây cũng là mẹo để bạn tiết kiệm thời gian hơn mỗi ngày, giúp việc ăn sáng trở nên đơn giản hơn.
- Đa dạng và thử nhiều món mới. Điều này giúp bạn cảm thấy thú vị hơn trước việc ăn sáng mỗi ngày, thêm vào khẩu phần ăn những món ăn mình yêu thích để bữa ăn mỗi ngày trở nên ngon miệng hơnnhé!
Nhìn chung, tác hại của việc bỏ bữa sáng vẫn còn nhiều tranh cãi. Dù vậy, phần đông mọi người vẫn tin rằng bữa ăn sáng vẫn là bữa ăn quan trọng và là 1 trong 3 bữa chính mỗi ngày và nên ăn bữa sáng giàu dinh dưỡng để khởi đầu ngày mới. Tuy nhiên, ăn sáng vẫn là một lựa chọn của riêng bạn, nếu bạn cảm thấy không thực sự muốn ăn thì không cần ăn. Chỉ cần bạn có chế độ ăn lành mạnh suốt cả ngày và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh khác.
Theo: Hellobacsi.com