9 bài thuốc từ hà thủ ô bổ huyết, dưỡng huyết
SKĐS – Hà thủ ô thuộc nhóm thuốc bổ huyết trong y học cổ truyền thích hợp điều trị cho người khí huyết hư suy với các biểu hiện: Luôn cảm thấy mệt mỏi chóng mặt, nhức đầu, dễ bị táo bón, khô miệng, mất ngủ…
1. Tác dụng của vị thuốc hà thủ ô
Theo Đông y: Hà thủ ô có tính hơi ấm, vị đắng ngọt và chát, lợi về kinh can, tâm và thận; có tác dụng bổ gan, thận, cố tinh, dưỡng huyết, trừ phong; dùng trong các trường hợp sau:
- Suy giảm tình dục, vô sinh, tóc bạc sớm;
- Đau đầu do huyết hư, lưng gối yếu mỏi, gân cốt tê đau;
- Nam giới di tinh, phụ nữ băng huyết, nhiều khí hư;
- Và nhiều chứng bệnh khác: Lòi dom (trĩ), ngược tật (sốt rét), ung thũng loa lịch (mụn nhọt, tràng nhạc) …
Theo các nghiên cứu hiện đại cho thấy hà thủ ô có những tác dụng:
- Hạ cholesterol trong máu, phòng chống và giảm nhẹ xơ vữa động mạch;
- Làm giảm nhịp tim, tăng nhẹ lượng máu lưu thông trong động mạch vành tim và chống thiếu máu cơ tim;
- Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể;
- Chống lão suy, kéo dài tuổi thọ;
- Nhuận tràng, làm tăng nhu động ruột;
- Có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn và virus cúm, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…
Vị thuốc Hà thủ ô
2. Bài thuốc sắc từ hà thủ ô
2.1. Thang hà thủ ô, nữ trinh tử
Thành phần: Hà thủ ô chế 25g, nữ trinh tử 10g, hạn liên thảo 10g.
Cách dùng: Đem sắc lên uống. Ngày 1 thang, chia 2 lần, buổi sớm, buổi tối.
Công dụng: Dùng cho người gan thận âm huyết bất túc sinh ra đầu váng mắt hoa, ù tai mất ngủ, râu tóc sớm bạc.
2.2. Thang hà thủ ô, linh chi
Thành phần: Hà thủ ô chế 20g, linh chi 10g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống 2 lần sớm, tối.
Công dụng: Dùng cho người huyết hư mất ngủ.
2.3. Thang hà thủ ô huyền sâm
Thành phần: Hà thủ ô tươi 20g, huyền sâm 10g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia hai lần sớm, tối.
Công dụng: Dùng cho người đại tiện táo.
2.4 Thang hà thủ ô câu đằng
Thành phần: Hà thủ ô chế 30g, câu đằng 20g.
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang chia 2 lần sớm, tối.
Công dụng: Dùng cho người già váng đầu, cao huyết áp.
Cây và vị thuốc câu đằng
2.5. Thang thục địa hà thủ ô
Thành phần: Hà thủ ô chế 15g, thục địa 15g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Công dụng: Dùng cho người huyết hư, bạc tóc.
2.6. Thang hà thủ ô sinh địa
Thành phần: Hà thủ ô chế 16g, sinh địa 30g (rửa bằng rượu).
Cách dùng: Bỏ vào ấm sứ, rót nước sôi ủ chín. Cứ 3 ngày thay thuốc 1 lần, uống liền trong 3 tháng.
Công dụng: Dùng cho người chưa già đã suy yếu, thân thể hư nhược và râu tóc bạc sớm.
2.7. Thang hà thủ ô thạch xương bồ
Thành phần: Hà thủ ô chế 12g, hoàng tinh 12g, thạch xương bồ 6g, uất kim 6g, bá tử nhân 12g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia ba lần.
Công dụng: Dùng cho người bị hẹp van tim, đau tức ngực do huyết hư sinh ra.
2.8. Thang hà thủ ô, đỗ trọng
Thành phần: Hà thủ ô chế 13g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 13g, thục địa 10g.
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang chia 3 lần.
Công dụng: Dùng cho người đầu váng mắt hoa do can thận tinh huyết bất túc sinh ra.
2.9. Thang hà thủ ô, ô long trà
Thành phần: Hà thủ ô chế 30g, vỏ bí đao 18g, ô long trà 3g, sơn tra 15g, hoè giác 18g.
Cách dùng: Bốn vị hoè giác, hà thủ ô, vỏ bí đao và sơn tra, cho nước vào sắc chung, pha trà ô long vào uống trong ngày.
Công dụng: Dùng phòng trị các bệnh tim mạch, làm chậm quá trình xơ cứng động mạch.
3. Những kiêng kỵ khi dùng thuốc
– Giữa hà thủ ô tươi và hà thủ ô chế có công dụng khác nhau, khi dùng cần lựa chọn.
– Dùng vị thuốc này không được ăn hành, tỏi, củ cải và tiết (máu) các loài động vật.
– Khi bào chế và sắc thuốc phải tuyệt đối kỵ đồ nấu bằng sắt.
– Người tỳ hư, tiêu chảy không nên dùng.
BS Vũ Quốc Trung
Theo: Suckhoedoisong.vn