GS. Đặng Văn Ngữ – Nhân cách & tài năng lớn

01/11/2022

Giáo sư – bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã dành cả cuộc đời mình đề nghiên cừu khoa học, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đã tròn 50 năm – năm 1967 – ông hy sinh tại chiến trường Trị Thiên khi đang nghiên cứu vaccine miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội. Ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Liệt sĩ. Năm 1996, nhà hước ta truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Miinh. Hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông, các trường đại học , cao đẳng y khoa , các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng đều tổ chức lễ tưởng niệm và hội nghị khoa học chuyên ngành.

(ĐTTCO) – Cha tôi sinh ra tại làng An Cựu, thành phố Huế. Ông bà nội tôi là gia đình nhà Nho, sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Cha tôi học tiểu học ở Vinh, trung học tại Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, và nhận được học bổng tiếp tục theo học tại Trường Y dược thuộc Đại học Đông Dương.

Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho GS. Henry Galliard, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y dược lúc đó. Sự nghiệp của ông được thay đổi từ đây, lĩnh vực ký sinh trùng đã theo ông trọn cả cuộc đời. Thời gian này, ông hợp tác với bạn bè mở một phòng thí nghiệm đa khoa và trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng, giảng viên Sinh học Ban dược.

Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian trong cuộc đời của mình cho nghiên cứu khoa học và đã hoàn thành, công bố 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực. Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy. Phát hiện này đã gây tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới.

Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật Bản. Thời gian này, ngoài nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo, ông tiếp tục tích lũy kiến thức, phương pháp sản xuất penicillin. Dù bận rộn với công việc khoa học, ông luôn nghĩ mình phải làm gì đó cho đất nước.

Cuối năm 1946, tình cờ đọc được Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia sự nghiệp chung của dân tộc. Cha tôi đã từ Nhật Bản đáp tàu thủy về Thái Lan, trực tiếp tìm gặp đại diện của Chính phủ ta ở Bangkok để xin về nước tham gia kháng chiến. Ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên với động cơ duy nhất: Lòng yêu nước.

Sau nhiều khó khăn, vất vả ông đã có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Tất cả tài sản ông đem về nước là 2 bộ quần áo và ống giống nấm penicillin. Trong phòng thí nghiệm đơn sơ bằng tre, nứa, lá giữa núi rừng Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh – nước lọc penicillin – chế từ giống nấm ông đem từ Nhật Bản về, phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh trên các chiến trường, nhất là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

GS. Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh (Ảnh tư liệu).

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên bệnh tật có điều kiện phát sinh. Mặt khác, trong chiến đấu, bộ đội ta thương vong rất nhiều, nhưng thuốc men dành cho điều trị, đặc biệt các loại thuốc kháng sinh hết sức cần thiết, lại rất khan hiếm. Vì thế, việc sản xuất được thuốc penicillin của cha tôi có ý nghĩa đặc biệt lớn lao. Nhờ thuốc kháng sinh này 80% thương binh không bị cưa chân tay, có thể trở về đơn vị chiến đấu. Cũng trong thời gian này, ông cùng các GS. Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc.

Những ngày sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, công việc chính của cha tôi là tiêu diệt bệnh sốt rét. Ông là người xây dựng ngành ký sinh trùng học Việt Nam, từ đào tạo cán bộ đến xây dựng các mạng lưới. Năm 1957, ông sáng lập Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng, là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc. Để thực hiện chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có, cha tôi lại lặn lội trở về với những khu căn cứ địa cũ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai…

Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis là thủ phạm chính gây bệnh sốt rét và triển khai các phương pháp phòng, diệt. Sau 10 năm thực hiện chương trình, bệnh sốt rét căn bản đã bị đẩy lùi trên miền Bắc. Trong những ngày chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, cha tôi tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét.

Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia giới tuyến 17, không thể giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc. Những tin tức về con số thương vong to lớn do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm cha tôi ngày đêm day dứt không yên. Cuối cùng ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ loại vaccine miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội.

Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng của mình, ông đã được toại nguyện. Tôi biết trong quyết định này của cha tôi còn có sự thôi thúc khác nữa. Cha tôi luôn mang trong lòng nỗi nhớ không nguôi về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình: xứ Huế. Ông hy vọng trong chuyến đi này có thể trở về gặp lại bà nội tôi, lúc đó đã cao tuổi, dù chỉ một lần. Nhưng đến ngày đất nước thống nhất có thể về Huế được ông đã không còn.

Ông đã mất trước đó 8 năm trong một trận bom B52 ở phía Tây Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mơ ước của ông là tìm mọi cách giảm tử vong vì sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vaccine miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia sẻ với họ cái chết. Đó là nỗi đau trong đời tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của tôi trong điện ảnh sau này.

Người đầu tiên báo cho tôi và em gái tôi Đặng Nguyệt Ánh tin này là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế hồi đó. Tôi còn nhớ lời ông nói: “Các cháu phải can đảm để đón nhận cái tin đau đớn này: Ba các cháu đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên”.

Cha tôi nằm trong núi rừng Trường Sơn lặng lẽ suốt 20 năm, cho đến khi tình cờ một người dân đi kiếm củi phát hiện được mộ ông với gói vải dù bọc hài cốt, cùng một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 1-4-1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ vô danh nào đó nên đã đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mãi 5 năm sau anh em chúng tôi mới tìm được để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình.

Viết về cha tôi và những đóng góp to lớn của ông cho ngành y học Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Đặng Văn Ngữ và các đồng nghiệp của mình đã hy sinh bởi một cuộc ném bom B52 rải thảm của kẻ thù ngày 1-4-1967.

Bấy giờ, Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, đang tuổi sung sức đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt huyết vì một chí hướng cao đẹp. Chính vì vậy mà niềm đau thương của chúng ta biết bao sâu nặng, không bao giờ nguôi. Tôi viết dòng này lòng nặng trĩu thương nhớ, khâm phục, luyến tiếc và mến yêu.

Các thế hệ học trò kính trọng ông không chỉ bởi tài năng và lòng say mê khoa học, mà còn bởi ông là một con người hết sức thủy chung với gia đình. Thầy Ngữ luôn có cặp lồng cơm đạm bạc tự nấu mang theo khi đi làm. Thầy còn làm nhiệm vụ của một người mẹ trong gia đình bởi vợ thầy đã mất năm 1954 khi thầy mới 44 tuổi”.

NSND ĐẶNG NHẬT MINH

Theo: Sggp.org.vn