Bài thuốc nam chữa đau lưng mạn tính

14/11/2022

SKĐS – Đau lưng là bệnh rất hay gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên – khi cột sống thắt lưng đã và đang trên con đường của quá trình thoái hóa.

1. Nguyên nhân gây đau lưng
Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây đau lưng có thể là do tư thế sinh hoạt lao động không hợp lý, thời gian và cường độ hoạt động quá mức khiến cho các gân cơ vùng thắt lưng bị co cứng bất thường, thậm chí các dây chằng cột sống có thể bị căng giãn đột ngột, từ đó phát sinh chứng đau lưng.

Theo y học cổ truyền, đau lưng gọi là yêu thống, lưng là phủ của thận, tất cả các bệnh của thận đều được phản ánh bởi các triệu chứng ở vùng lưng. Nếu thận khí hư suy, hàn tà ( yếu tố gây bệnh từ bên ngoài) thừa cơ xâm nhập; nếu chính khí (sức đề kháng) suy yếu và vì nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ khiến cho thận tinh hao tán, tinh khí bất túc từ đó mà dẫn đến chứng đau lưng.

Cây và vị thuốc cốt toái bổ trị đau lưng mạn tính

2. Bài thuốc nam chữa đau lưng mạn tính

2.1 Bài thuốc sắc:

Bài 1: Dây mướp tươi 2m, thái lát mỏng. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.

Bài 2: Rễ cây mướp và dây mướp già ở gần gốc đem đốt thành tro hoặc sao cho đến khi có màu vàng già thì xay nhỏ thành bột. Ngâm uống 2 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu.

Bài 3: Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30g, sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do hàn thấp.

Bài 4: Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn. Ngày uống 10g, chia 2 lần, chiêu thuốc bằng rượu nhẹ. Chủ trị đau lưng do chấn thương gây ứ huyết bên trong.

Bài 5: Hạt hẹ 12g, vừng 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 6: Rễ cà 20g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 7: Vỏ quả bí ngô già 60g, rễ cây bông 60g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 8: Vỏ quả bí ngô già 60g, hương nhu 15g, đường đỏ 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 9: Đậu đỏ nhỏ 30g, xơ mướp 12g, củ hành ta 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Lá ớt cay rang nóng chườm, đắp chữa đau lưng

Bài 10: Hạt bí ngô 40g, đậu đỏ nhỏ 30g, lá cây lạc 20g, gừng khô 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia ngày 3 lần uống trong ngày.

Bài 11: Hạt bông 40g, hành củ 20g, tía tô 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 12: Trà xanh 3g, bột vừng chín 5g, đổ vào nửa lít nước sôi, khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.

Bài 13: Rễ cây lau 30g, vỏ quả bí ngô già 30g, nhân trần 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 14: Cốt toái bổ 30g, đem sấy khô rồi xay thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g. Chiêu thuốc bằng rượu hoặc sắc nước uống.

2.2 Thuốc dùng ngoài:

Bài 1: Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.

Bài 2: Hạt mướp tươi 60g, giã nát, đắp vào huyệt mệnh môn (nằm ở giữa 2 gai đốt sống thắt lưng 3 và 4). Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 3: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 4: Gừng sống 20g, hành củ 15g, bột mì 30g. Đem gừng và hành giã nát rồi cho bột mì vào. Xào nóng, sau đó đắp vào chỗ đau, dùng băng vải cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 5: Lá ớt cay 50g, rượu vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, rang nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Khi thuốc nguội có thể xào lại vài lần.

BS Vũ Quốc Trung

Theo: Suckhoedoisong.vn