Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung cần đi khám ngay
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa trị hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Vậy những dấu hiệu nào có thể cảnh báo ung thư cổ tử cung chị em cần lưu ý?
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh phổ biến gây tử vong cho nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đây là bệnh có thể chữa trị hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Vậy những dấu hiệu nào có thể cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung?
1. Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiền ung thư thường không có triệu chứng. Cho đến khi ung thư trở nên lớn hơn và phát triển vào mô lân cận có thể gây ra các triệu chứng, phổ biến nhất là:
– Ra máu âm đạo bất thường như: Ra máu sau khi quan hệ tình dục qua âm đạo; ra máu sau khi mãn kinh; chảy máu lấm tấm giữa các kỳ kinh hoặc có kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc nặng hơn bình thường; chảy máu sau khi thụt rửa cũng có thể xảy ra.
– Tiết dịch bất thường từ âm đạo: dịch tiết ra có thể chứa một ít máu và có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.
– Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
– Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.
– Đau khi quan hệ tình dục.
– Đau ở vùng xương chậu.
Các dấu hiệu và triệu chứng khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể bao gồm:
– Sưng chân.
– Vấn đề khi đi tiểu hoặc đi tiêu. Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
– Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân
Đau bụng dưới, ra máu âm đạo bất thường… có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung.
Những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể do các bệnh lý khác ngoài ung thư cổ tử cung gây ra. Tuy nhiên, nếu chị em phụ nữ có bất kỳ triệu chứng nào trong số này cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Việc bỏ qua các triệu chứng có thể khiến ung thư phát triển đến giai đoạn nặng hơn và giảm cơ hội điều trị thành công.
2. Chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có hình ảnh đặc biệt, không phát hiện bằng mắt thường. Khi bệnh tiến triển thường có các hình thái, tổn thương khác nhau trên lâm sàng qua khám cổ tử cung.
Dấu hiệu lâm sàng có thể chỉ thấy ra khí hư đơn thuần hoặc lẫn máu ở âm đạo, đặc biệt ra dịch rất hôi ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử nhiều. Đa số các trường hợp xuất hiện ra máu âm đạo tự nhiên ngoài chu kỳ kinh hoặc sau quan hệ tình dục.
Dấu hiệu đau tiểu khung, bất thường của hệ tiết niệu và trực tràng thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn. Trong những trường hợp này khám lâm sàng có thể chẩn đoán xác định.
Khi thăm khám lâm sàng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ cần tiến hành xét nghiệm tế bào và khi kết quả tế bào nghi ngờ cần sinh thiết vùng tổn thương để có chẩn đoán xác định về giải phẫu bệnh.
Xét nghiệm mô bệnh học qua bấm sinh thiết tại cổ tử cung cho phép chẩn đoán xác định phân loại mô học và độ mô học. Cần phải lưu ý rằng có khi hình ảnh cổ tử cung bình thường trên lâm sàng nhưng có thể có tổn thương trên vi thể hay ung thư nội ống cổ tử cung.
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
3. Điều trị sớm, hiệu quả cao
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Hiện nay có nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng để điều trị hiệu quả căn bệnh này như phương pháp: phẫu thuật triệt căn đơn thuần điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, phẫu thuật triệt căn, xạ trị triệt căn, kết hợp xạ trị – phẫu thuật, kết hợp xạ trị – hóa chất.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị căn cứ vào giai đoạn bệnh, thể trạng chung của bệnh nhân, tổn thương tại chỗ… với mục tiêu tăng tỷ lệ sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, làm các các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là làm các xét nghiệm tầm soát thường xuyên tại cơ sở y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung, chị em cần đi khám và điều trị sớm.
Mục tiêu của tầm soát ung thư cổ tử cung là phát hiện sớm tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Các xét nghiệm để tầm soát ung thư cổ tử cung là xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.
Xét nghiệm HPV tìm kiếm sự lây nhiễm của các loại HPV nguy cơ cao có nhiều khả năng gây ra các bệnh tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HPV không có cách điều trị nhưng có vaccine phòng ngừa.
Theo: Suckhoedoisong.vn