Bệnh do Adenovirus – con đường lây nhiễm và cách phòng bệnh

15/11/2022

Hiện nay số ca dương tính với vi rút Adeno tăng đáng kể. Vậy vi rút Adeno, hay Adenovirus, là gì, các con đường lây nhiễm và cách phòng tránh bệnh như thế nào? Hãy cùng đọc bài viết của Prudential để biết thêm thông tin.

Adenovirus là gì?

Adeno là loại vi rút thuộc họ Adenoviridae được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Bệnh do vi rút Adeno gây ra là bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, kết mạc,…

Hiện nay Adenovirus chưa có thuốc đặc trị. Đối với các ca nhiễm bệnh, điều trị chính là điều trị triệu chứng, tăng sức đề kháng, và nếu có bội nhiễm thì dùng kháng sinh.

Adenovirus gây ra những bệnh gì?

Mọi người thường biết đến Adenovirus qua các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, nhưng trên thực tế Adenovirus có khả năng gây bệnh ở nhiều bộ phận khác trong cơ thể con người như mắt, dạ dày ruột,…Trong các nhóm virus gây bệnh thì Adenovirus nhóm B có khả năng gây bệnh nhiều và thường gặp nhất.

Các bệnh lý và triệu chứng thường gặp do Adenovirus gây ra:

Viêm đường hô hấp: Có thể chia ra thành các loại như:

– Viêm họng cấp: trẻ em sơ sinh và trẻ nhỏ đều là những đối tượng dễ bị mắc bệnh. Khoảng thời gian từ 7 -14 ngày trẻ nhỏ có thể bị sốt, đau đầu, ho, sưng họng, chảy nước mũi. Bệnh có thể lây lan nhanh và trở thành dịch, các triệu chứng tương tự nên rất khó phân biệt với các trường hợp nhiễm các loại virus khác.

– Viêm họng kết mạc: các triệu chứng tương tự với viêm họng cấp nhưng kèm theo đó là viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ và trẻ em. Tốc độ lây lan nhanh và có thể biến chuyển thành dịch. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp giữa người với người thông qua giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt đời thường.

– Viêm cấp tính đường hô hấp: Trẻ nhỏ và người lớn đều có nguy cơ mắc bệnh, triệu chứng thường gặp là viêm họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 39°C. Bệnh diễn biến cấp tính, thường khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày

– Viêm phổi: Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột, sốt cao trên 39°C, ho, chảy nước mũi, có những dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có khả năng lan rộng và để lại di chứng, thậm chí nghiêm trọng hơn là gây tử vong.

Viêm kết mạc mắt

Hay cái tên thường gặp là bệnh đau mắt đỏ, thường xuất hiện vào mùa hè – thời điểm lý tưởng để Adenovirus tồn tại và phát triển. Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do nước ở hồ bơi, nước sinh hoạt chưa được xử lý một cách an toàn. Biểu hiện qua một bên hoặc cả hai bên mắt có kết mạc mắt đỏ, có chảy dịch trong, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dễ bị bội nhiễm.

Viêm dạ dày

Người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao, buồn nôn, đi ngoài nhiều dẫn đến tình trạng cơ thể mất nhiều nước, tình trạng này thường kéo dài suốt 7 ngày. Loại virus gây bệnh ở đường tiêu hóa sẽ được đào thải qua phân và là nguyên nhân chủ yếu lây qua cộng đồng.

Viêm bàng quang

Đây là loại bệnh có thể lây qua đường tình dục bởi Adenovirus gây viêm nhiễm bàng quang đặc biệt là ở bé trai và ở niệu đạo, tử cung. Virus cũng có thể tồn tại trong nước tiểu của con người.

Ai có khả năng nhiễm Adenovirus?

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tuy nhiên, nguy cơ này sẽ cao hơn ở những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, hoặc người mắc bệnh mạn tính. Với trẻ em tuổi mắc bệnh thường gặp là từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Cụ thể hơn, những trường hợp tử vong được ghi nhận đều là trẻ có vấn đề về sức khoẻ như suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, còi vương,…

Con đường lây nhiễm

+ Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp (nói chuyện, ho, hắt hơi).

+ Lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt.

+ Tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Virus Adeno.

Cách phòng chống bệnh

+ Tăng sức đề kháng thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp. Phụ huynh nên chú ý đến bữa ăn hàng ngày của trẻ nhỏ, thiết lập chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin và các khoáng chất tốt bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước sạch và thiết kế bữa ăn lành mạnh đầy đủ các chất đạm, protein,… Tránh ăn thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, lặp lại các bữa ăn giống nhau, hay chỉ toàn thịt hoặc cá,…

+ Hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết, nếu bắt buộc đến hãy mang khẩu trang. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời là hành trình không thể thiếu giúp nuôi dưỡng trẻ lớn khôn và hoàn thiện nhân cách. Nhưng các bậc phụ huynh hãy cân nhắc và lựa chọn những hoạt động thiết thực, phù hợp, tránh đến nơi có quá nhiều người, bí bách, ngột ngạt sẽ dễ phát sinh và lan truyền bệnh dịch. Nhưng nếu trong trường hợp vô cùng cần thiết thì hãy tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang, giữ một khoảng cách an toàn với mọi người, nhưng đó là khoảng cách bảo vệ sức khoẻ chứ không phải thu mình lại và không giao tiếp.

+ Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt và không dùng chung đồ dùng cá nhân. Hãy đảm bảo nguồn nước trong nhà hay những nơi bạn đến không bị ô nhiễm, các bể bơi công cộng được tiệt trùng một cách an toàn. Đặc biệt với đồ dùng cá nhân, đã “cá nhân” thì không sử dụng chung với người khác. Để an toàn hơn nữa, trước khi sử dụng bạn hãy xử lý chúng với nước đã đun sôi 100 độ C khoảng 3 cho đến 5 phút, vì Adenovirus sẽ không thể nào tồn tại ở mức nhiệt đấy.

+ Vệ sinh mũi họng, rửa tay thường xuyên sạch sẽ. Adenovirus chủ yếu lây qua đường hô hấp nên đừng quên nhỏ mũi, súc họng đều đặn mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ, hằng ngày chúng vui chơi và cầm nắm rất nhiều thứ bên ngoài, nên hãy luyện tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi về đến nhà, trước mỗi bữa ăn,… tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng vì đó là hành động “tiếp tay” để virus trực tiếp xâm nhập vào cơ thể. Không chỉ có trẻ, người thân cũng nên đảm bảo sức khoẻ của chính mình, tránh tiếp xúc gần với trẻ trong những trường hợp không cần thiết.

Kết luận

Adenovirus đang diễn biến vô cùng phức tạp ở khu vực phía Bắc và hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên những phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý kỹ theo dõi tình hình sức khỏe cho trẻ cũng như chính bản thân mình , không nên chủ quan bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu nghi ngờ trẻ có những biểu hiện của bệnh, nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại bệnh viện gần nhất. Bên cạnh khu vực phía Bắc, ở các khu vực khác, phụ huynh cũng không được lơ là vì khả năng lan rộng của bệnh này sang các khu vực khác là hoàn toàn có thể.

Theo: Prudential.com.vn