Nữ bác sỹ tạo dấu ấn Việt Nam trên diễn đàn khoa học quốc tế

02/11/2022

Vừa là một bác sỹ trực tiếp khám chữa bệnh, vừa kiêm nhiệm làm giảng viên, lại đam mê nghiên cứu khoa học và với vai trò nào chị cũng luôn cháy hết mình.

Đó là nhận xét của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh về Thầy thuốc ưu tú, Thạc sỹ, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng đơn vị chuyển hóa cơ xương, Trung tâm Nghiên cứu y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – một trong 10 gương mặt vừa được vinh danh tại giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.

Thạc sỹ, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan đang giảng bài cho sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Trở thành bác sỹ để “gieo hy vọng”

“Khi đang học cấp 2, em gái tôi bị bệnh hiểm nghèo phải nằm viện. Trong cơn tuyệt vọng đó, bác sỹ điều trị nói với chúng tôi rằng, nếu không có tiền thì nên đưa về nhà và chờ đợi cái chết. Tôi tự hỏi, tại sao bác sỹ có thể nhấn chìm niềm hi vọng của người bệnh như vậy? Tôi phải trở thành bác sỹ và không bao giờ để bệnh nhân của mình phải nghe những lời nói vô tâm như thế”, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan chia sẻ về lý do quyết tâm trở thành bác sỹ của mình. Sau nhiều năm miệt mài học tập, năm 1987, chị chính thức trở thành bác sỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhớ lại ký ức tuổi thơ, hành trang mà bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan luôn mang theo bên mình trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân là tâm niệm, nếu không chữa hết bệnh cho bệnh nhân thì mình cũng có thể giúp giảm nỗi đau cho họ. “Tôi xem vai trò của người bác sỹ như là người “diệt khổ”. Diệt khổ không chỉ qua điều trị, mà còn qua cách mình nghe câu chuyện của bệnh nhân, nói chuyện với họ, đôi khi chỉ là ánh mắt, nụ cười của mình thôi nhưng cũng có thể gieo nên niềm hi vọng sống cho người bệnh”, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan chia sẻ.

Vì lẽ đó, trong suốt quá trình khám chữa bệnh, chị luôn nhẹ nhàng và thường trực nụ cười trên môi. Nhẹ nhàng, dịu dàng và thấu cảm – là chia sẻ của các đồng nghiệp, bệnh nhân, sinh viên khi nói về người phụ nữ này.

Trăn trở với tình trạng người dân vẫn chưa quá chú trọng vào sức khỏe cơ xương khớp, trong 30 năm qua, song song với công tác khám chữa bệnh ở bệnh viện, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan còn cung cấp cho người dân các kiến thức cơ bản về sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật qua hoạt động Câu lạc bộ bệnh nhân bệnh cơ xương khớp tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Không nề hà khó khăn dù vẫn phải đảm đương vai trò người vợ, người mẹ ở nhà, chị còn sẵn sàng đến với các địa phương vùng sâu vùng xa như huyện đảo Cần Giờ khám chữa bệnh theo Đề án 1816 của Bộ Y tế “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Đặc biệt, chị cũng là một trong những người khởi xướng chương trình “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng” từ 4 năm nay. Chương trình đã huy động được hơn 50 bác sỹ, giảng viên đang công tác tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia khám và tư vấn miễn phí đều đặn vào 2 ngày cuối tuần tại Quận 7.

Nhờ chương trình này, đã có gần 5.000 người dân được tầm soát và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp như loãng xương, thoái hóa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, yếu cơ…, đây là những bệnh lý ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Chị cũng thành lập trang web www.suckhoexuong.vn cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho cộng đồng về bệnh loãng xương.

Đi tìm câu trả lời cho những điều trăn trở

Thạc sỹ, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát

“Tôi vừa là giảng viên vừa là bác sỹ lâm sàng trực tiếp khám bệnh nhân. Ở cương vị này tôi thường xuyên tiếp xúc với không ít trường hợp bệnh nhân phải chịu đựng những hệ quả nghiêm trọng của các bệnh mãn tính thường gặp trong cộng đồng như loãng xương, thoái hóa khớp. Thế là tôi tập trung vào thực hiện các công trình nghiên cứu về hai bệnh này”, bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan trải lòng về lý do mình tham gia nghiên cứu khoa học.

Càng dấn thân vào nghiên cứu, ngọn lửa đam mê trong chị càng bùng lên. Từ năm 2008 chị bắt đầu nghiên cứu, viết báo cáo khoa học và trung bình mỗi năm chị triển khai 5 đề tài nghiên cứu – một con số lớn khi chị vừa kiêm nhiệm cả công tác giảng dạy, khám bệnh lẫn nghiên cứu.

Bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan cho rằng, nghiên cứu khoa học vừa góp phần tạo ra kiến thức nhưng cũng vừa là một cách học hỏi suốt đời. Những trăn trở trong quá trình khám chữa bệnh chính là chìa khóa để chị dấn thân vào nghiên cứu và chính những kết quả nghiên cứu lại được áp dụng một cách hiệu quả trong việc chữa bệnh và giảng dạy hàng ngày của chị.

Một lý do khác làm bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan luôn thôi thúc công hiến đó là chị muốn thế giới biết đến Việt Nam thông qua các công trình nghiên cứu của mình.

“Thực tế, sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn rất khiêm tốn, còn thua xa các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Singapore, nên tôi quyết tâm phải thực hiện được những nghiên cứu chuyên sâu và có quy mô lớn với mong mỏi có thể góp phần nhỏ vào sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên các diễn đàn khoa học quốc tế”, Thạc sỹ Hồ Phạm Thục Lan cho hay.

Trong số hàng chục công trình nghiên cứu của bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan, công trình nghiên cứu về ăn chay và loãng xương được đánh giá cao hơn cả, vì đã trả lời một câu hỏi mà giới chuyên ngành tranh cãi nhiều năm qua “ăn chay có ảnh hưởng đến mật độ xương?”. Công trình này được công bố trên tạp chí số 1 trong chuyên ngành dinh dưỡng học là American Journal of Clinical Nutrition và đã được trích dẫn trên 160 lần trong các tạp chí, nghiên cứu khác. Cho đến nay, công trình này vẫn được nhiều đồng nghiệp trên thế giới nhắc đến mỗi năm.

Ngoài ra, công trình gây được tiếng vang hơn cả là công trình nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study với trên 4.000 tình nguyện viên tham gia. Công trình này đã xác định các yếu tố có liên quan đến loãng xương và gãy xương của người Việt Nam; mối liên quan giữa loãng xương và các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, tim mạch, thoái hóa khớp, ung thư; tìm gen có liên quan đến loãng xương và xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương trong cộng đồng. Đây là công trình có quy mô lớn nhất nhì châu Á, giúp nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực loãng xương cũng như các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường và ung thư.

Với những nỗ lực của mình trong nghiên cứu, trong thang điểm về chỉ số H Index (thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế và sự ghi nhận của đồng nghiệp trong ngành của một nhà khoa học), Thạc sỹ Hồ Phạm Thục Lan được đánh giá đạt 15 (người có H Index khoảng 18 trở lên có thể xem tương đương với đẳng cấp giáo sư). Chị còn được mời làm biên tập viên cho các tạp chí chuyên ngành danh giá như: BMJ, JBMR, Bone, Osteoporosis, Plos One, BMC Musculoskeletal Disorders, Clinical Endocrinology, Journal Of Women’s Health, Scientific Report…

Hơn 30 năm dấn thân vào ngành Y, chị Hồ Phạm Thục Lan đạt nhiều giải thưởng trong công tác nghiên cứu khoa học, đó là những giải thưởng lớn như: Giải L’Oreal – UNESCO dành cho các nhà khoa học nữ năm 2015, Giải thưởng Vinh danh Cống hiến 2016, Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 cho các công trình nghiên cứu xuất sắc. Mới đây, chị là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh tại giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.

Chị tâm sự, mình tham gia các giải thưởng không phải vì “hư vinh” của bản thân mà hy vọng rằng đây sẽ là nguồn khích lệ lớn lao cho các đồng nghiệp nữ, các học sinh, sinh viên nữ trong việc theo đuổi sự nghiệp khoa học.

Với bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, nghiên cứu khoa học không phải để được vinh danh mà là đi tìm câu trả lời cho những điều mà chị còn trăn trở. Người phụ nữ nhỏ bé này luôn tâm niệm, chỉ có nghiên cứu khoa học, tìm ra những điều mới để áp dụng trên lâm sàng mới thúc đẩy được ngành Y tế phát triển và điều này chỉ thật sự có ý nghĩa khi mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước.

Đinh Hằng (TTXVN)

Theo: Baotintuc.vn