Phòng chống và xử lý các sự cố cháy nổ và đuối nước

16/11/2022

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, tai nạn cháy nổ và đuối nước chiếm tỷ lệ lớn trong 8 loại hình sự cố. Thực tế, trong năm 2020-2021, hơn 60% các tai nạn được cứu hộ có liên quan đến cháy nổ (33,7%) và đuối nước (29%). Ở một mức độ nào đó, hai loại sự cố, tai nạn này có thể phòng tránh được và giảm thiểu mức độ thương vong nếu các nạn nhân được trang bị kỹ năng xử lý và cứu nạn cần thiết.

1. Tai nạn cháy nổ

Cháy nổ, đặc biệt trong khu vực thành thị, là một trong những tai nạn xảy ra thường xuyên và phức tạp nhất với những hậu quả về tính mạng và tài sản rất đáng lường. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 1,100 vụ cháy với số nạn nhân lên hơn 100 người. Ngoài ra, đã có hơn 2,300 sự cố nhỏ có liên quan đến cháy và 10 vụ nổ làm 7 người chết và 11 bị thương.

Nguyên nhân gây cháy nổ ở các khu dân cư có thể kể đến như: chập điện, liên quan đến nấu nướng, hút thuốc, sử dụng nến hoặc diêm, lưu trữ các hoá chất hoặc vật dụng dễ cháy gần với nguồn cháy hoặc ở nơi có nhiệt độ cao, v.v.

Để ngăn ngừa các tai nạn cháy nổ, mỗi người phải tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy. Mỗi nhà ở, toà nhà và cơ quan phải có các phương án thoát nạn cụ thể. Đặc biệt, đối với nhà ở, để phòng ngừa hoả hoạn, chủ nhà nên:

Lắp hệ thống báo cháy tự động ở tất cả các khu vực trong nhà

Đặt bình cứu hoả ở những nơi dễ tiếp cận

Khi nấu nướng, không bỏ đi chỗ khác, luôn phải chú ý trông chừng và tắt bếp khi không còn sử dụng

Không cắm quá nhiều thiết bị điện vào chung một ổ điện để tránh gây quá tải và chập điện

Không hút thuốc lá trong nhà. Phải biết dụi tàn thuốc đúng cách và vứt cẩn thận

Khi dùng nến, tránh để gần những vật dễ bắt lửa như rèm cửa. Luôn tắt nến khi đi ngủ hoặc khi không cần sử dụng nữa

Không để đồ vật lung tung ở các lối ra vào nhà để dễ dàng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp

Những điều nên và không nên làm khi cố gắng thoát khỏi đám cháy:

NÊN

KHÔNG NÊN

Giữ bình tĩnh và báo động cho những người xung quanh

Lấy khăn ướt che các cơ quan hô hấp, di chuyển theo tư thế khom người hoặc bò sát sàn nhà để    tránh khói độc

Tìm nguồn điện và ngắt cầu dao để ngăn trường hợp chập mạch và cháy lớn hơn

Sử dụng các vật dụng dập lửa như bình chữa cháy khí CO2, cát, nước,… để dập lửa

Xác định lối thoát hiểm gần nhất và di chuyển ra ngoài

Nếu cháy ở tầng thấp hơn, không thể ra ngoài thì nên di chuyển lên tầng trên hoặc sân thượng

Gọi 114 để nhận sự hỗ trợ từ các cán bộ PCCC (Phòng cháy chữa cháy)

Đóng kín cửa phòng hoặc di chuyển vào khu vực nhà tắm vì sẽ bị ngạt khói

Sử dụng thang máy thay vì thang bộ thoát hiểm

Đứng thẳng người khi bị khói vây quanh vì như vậy sẽ hít phải rất nhiều khói độc

Không nhảy vào các bể nước vì có khả năng bị bỏng do nhiệt độ xung quanh đun sôi nước

Không nhảy xuống khi độ cao trên 5m, nên tạm lánh nạn trên tầng thượng chờ lực lượng PCCC

2. Tai nạn đuối nước

Đuối nước nằm trong danh sách 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em tuổi từ 5 đến 14. Theo thống kê, trong khoảng 5 tháng đầu tiên của 2022, có 113 trẻ bị đuối nước dẫn đến tử vong. Phần lớn, các tai nạn này xảy ra khi trẻ em chơi ở gần những khu vực ao hồ, sông suối, kênh mương nhưng không có sự giám hộ của người lớn.

Để phòng chống tai nạn đuối nước, ai cũng nên trang bị cho bản thân mình kỹ năng bơi lội để biết tự xử lý trong trường hợp đuối nước cũng như kỹ năng cấp cứu người khác khi họ bị đuối nước. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên cho các em đi học bơi sớm và luôn chú ý quan sát khi các em tắm biển, tắm sông hoặc khi đến gần những khu vực có nước. Đặc biệt, khi tắm biển hoặc tắm sông, trẻ em được khuyến cáo phải mặc áo phao.

Trong trường hợp bản thân bị đuối nước, phải áp dụng kỹ thuật “Bơi tự cứu”. Kỹ thuật này dành cho tất cả mọi người, dù biết bơi hay không. Chi tiết hơn, kỹ thuật này bao gồm 4 bước:

1. Bình tĩnh, ngậm miệng và nín thở để nước không tràn vào phổi.

2. Thả lỏng người để cơ thể được nổi lên ở tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

3. Dùng tay hoặc chân quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước. Hoặc, quạt nước xiên để đẩy người bơi đi

4. Khi chuyển động lên xuống, há miệng to và thở vào nhanh khi đầu trên mặt nước. Và ngược lại, ngậm miệng và thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng khi đầu ở dưới mặt nước.

Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi.

Trong trường hợp người khác bị đuối nước, cấp cứu tại chỗ là rất quan trọng vì nếu nạn nhân bị rơi vào tình trạng thiếu ôxy lên não, sẽ rất khó để cứu sống sau đó kể cả khi được đưa vào bệnh viện. Để thực hiện cấp cứu, cần thực hiện những bước sau:

1. Kéo đầu nạn nhân khỏi mặt nước bằng cách túm gáy hoặc tóc. Tát mạnh và nhiều lần vào mặt để nạn nhân tỉnh lại

2. Quàng tay qua nách, nâng gáy và nhanh chóng đưa nạn nhân vào bờ

3. Sau khi đưa được nạn nhân lên bờ, nếu nạn nhân vẫn còn bất tỉnh, hãy xem nạn nhân có đang thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực:

a. Nếu còn thở: đặt nạn nhân nằm nghiêng để nạn nhân có thể dễ dàng nôn ra các chất nôn

b. Nếu không còn thở: thực hiện thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Nếu chỉ có 1 người cứu nạn, vừa thổi ngạt vừa ép tim theo theo tần suất 2-3 hơi lại ép tim 10-15 nhịp. Nếu có 2 người cứu nạn, mỗi người một việc đến khi tim đập và nạn nhân thở lại.

4. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất mặc dù đã thở lại để tránh nguy cơ khó thở thứ phát.

3. Tổng kết

Tần suất xảy ra sự cố, tai nạn về cháy nổ và đuối nước ngày càng cao. Vì thế, việc mỗi cá nhân tự tìm hiểu về nguyên nhân, cách phòng chống, cách xử lý cũng như cứu nạn luôn được khuyến khích. Tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết không chỉ giúp bản thân bảo toàn tính mạng mà còn giúp những người xung quanh thoát nạn khi gặp những sự cố, tai nạn ngoài ý muốn.

Theo: Prudential.com.vn