Lương y Phạm Văn Tấn và phương pháp chữa bệnh độc đáo
Mỗi khi có bệnh, mọi người thường tìm đến thuốc để điều trị, tuy nhiên, có một lương y lại sử dụng phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc và không cần tới y cụ, đó là phương pháp tác động cột sống (TĐCS) Việt Nam. Gần 10 năm qua, Lương y Phạm Văn Tấn, Phó chủ tịch Hội TĐCS (thuộc Hội Đông y TP Hà Nội) với đôi tay tài hoa của mình đã mang điều kỳ diệu đến với hàng trăm bệnh nhân. Và, tất cả những ai tìm tới nhà anh đều được anh điều trị miễn phí.
Lương y Phạm Văn Tấn (ngồi ngoài cùng, bên trái) điều trị miễn phí giúp người bệnh bằng phương pháp tác động cột sống.
Qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi tìm đến Lương y Phạm Văn Tấn với hy vọng anh có thể điều trị giúp đứa cháu tôi thoát khỏi căn bệnh bao năm qua gia đình đã vất vả đưa cháu tới hầu hết các bệnh viện, áp dụng nhiều phương pháp chữa trị mà bệnh tình không thuyên giảm. Anh đồng ý nhận lời. Những ngày đầu, tôi đưa cháu tới nhà anh với tâm trạng hoài nghi, nhưng rồi 3 tháng sau, tôi đã đi từ sự ngạc nhiên, vui mừng tới khâm phục, bởi nhờ Lương y Tấn, cháu tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Hỏi anh về chi phí chữa bệnh, tôi nhận được câu trả lời: “Tôi biết nghề và giúp bà con thôi, không lấy kinh phí đâu, cháu khỏi bệnh là tôi thấy vui rồi!”.
VÀO NGHỀ TỪ ƯỚC MUỐN GIẢN DỊ
Phong thái đĩnh đạc, giọng nói ấm áp, Lương y Phạm Văn Tấn bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về con đường dẫn anh đến với nghề y và phương pháp TĐCS.
Là người sinh ra, lớn lên ở vùng đồng quê chiêm trũng, quanh năm ngập lụt mất mùa của tỉnh Thanh Hóa, hằng ngày chứng kiến những người dân nghèo làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn, bệnh tật không có thuốc chữa, Phạm Văn Tấn ao ước sau này được học nghề y để giúp đỡ mọi người. Song, ước muốn giản dị đó của anh không dễ thực hiện, bởi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đã phải tự lập, lên Hà Nội làm thuê, rồi vừa làm, vừa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, anh tiếp tục theo học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2003, sau khi tích lũy được kinh nghiệm và một ít vốn liếng, anh thành lập công ty riêng chuyên về lĩnh vực in ấn. Khi công việc dần mang lại thu nhập ổn định, anh bắt đầu thực hiện ước mơ đến với nghề y.
Anh tâm sự: “Cơ duyên” để tôi đến với phương pháp TĐCS là do quá trình học nhiều phương pháp chữa bệnh khác, cứ nghe ở đâu có thầy giỏi là tìm đến, sau đó tôi được một người bạn có cùng đam mê giới thiệu về phương pháp TĐCS. Quá trình học tập, tôi được các thầy quý mến nên dạy bảo rất nhiệt tình. Khi có được kiến thức cơ bản rồi nâng cao, dần dần mình ứng dụng chữa trị cho người thân, bạn bè và từng bước mang lại hiệu quả”.
TĐCS là phương pháp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc, chỉ dùng các thủ thuật bằng phần mềm ở đầu ngón tay của thầy thuốc tác động lên các trọng điểm (điểm mất cân bằng) trên hệ cột sống của người bệnh, giải tỏa ổ kích thích, lập lại sự cân bằng cho cơ thể dẫn đến khỏi bệnh. Phương pháp này được Lương y Nguyễn Tham Tán nghiên cứu và ứng dụng vào điều trị từ những năm 50 của thế kỷ trước. Từ năm 1972, Lương y Nguyễn Tham Tán đã áp dụng phương pháp TĐCS để chữa trị cho hàng nghìn người đạt hiệu quả cao, trong đó có cả các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp. Quá trình công tác tại Khoa Y học cổ truyền-Bệnh viện Bạch Mai và giảng dạy tại Trường Y Dược Tuệ Tĩnh (nay là Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh), Lương y Nguyễn Tham Tán đã chứng minh thành công nhiều đề tài khoa học chữa bệnh bằng TĐCS do các giáo sư đầu ngành của Bộ Y tế chủ trì.
Phương pháp TĐCS có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh (đặc biệt là các bệnh mãn tính), thuộc nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, như: Hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, cơ-xương-khớp… So với các phương pháp trị liệu khác thì phương pháp TĐCS có độ an toàn cao, không có tác dụng phụ, không gây đau đớn cho người bệnh, chi phí chữa trị lại thấp hơn nhiều lần. Phương pháp TĐCS còn có nhiều ưu việt trong đào tạo, như: Chi phí thấp, dễ tiếp thu, kể cả những người chưa từng học nghề y. Đặc biệt, chỉ bằng đôi bàn tay là có thể giúp được nhiều người bệnh ở mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào bất cứ thiết bị hỗ trợ nào khác.
Anh Tấn chia sẻ: “Tôi may mắn được tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm quý giá từ những người thầy (thế hệ đầu tiên được cụ Nguyễn Tham Tán đào tạo) như: Lương y Nguyễn Văn Lợi (nguyên Chủ tịch Hội TĐCS Hà Nội)-“Bàn tay vàng” của phương pháp TĐCS Việt Nam; thầy Nguyễn Trung Chính (nguyên là bác sĩ, Đại tá Công an nhân dân)… Các thầy là những tấm gương nhiệt huyết, tận tụy với nghề và rất mong muốn phát triển phương pháp ra cộng đồng”. Điều may mắn ấy đã giúp anh trở thành học trò xuất sắc và ngày càng say mê với phương pháp chữa trị độc đáo này.
ĐÔI TAY TÀI HOA VÀ TRÁI TIM NHÂN ÁI
Với mục tiêu thừa kế và phát triển tinh hoa y học dân tộc, tháng 5-2014, Hội TĐCS thuộc Hội Đông y TP Hà Nội được thành lập do Lương y Nguyễn Văn Lợi là Chủ tịch và Lương y Phạm Văn Tấn là Phó chủ tịch. Ngoài công việc của hội và tham gia công tác giảng dạy, hằng ngày, từ 17 giờ đến 19 giờ, Lương y Phạm Văn Tấn còn dành thời gian chữa bệnh miễn phí giúp bà con gần xa tại nhà riêng (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Trong những lần đưa bệnh nhân tới điều trị tại nhà Lương y Phạm Văn Tấn, tôi đã được nghe nhiều người kể về phương pháp chữa bệnh độc đáo của anh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 83 tuổi (ở Đầm Trấu, TP Hà Nội) kể: “Bác bị ngã cầu thang, nằm liệt giường. Khi các con đưa đi viện, họ kết luận bác bị thoát vị đĩa đệm và phải mổ. Thật may là bác được một người bạn giới thiệu đến Lương y Tấn. Sau khi điều trị trong vòng 3 ngày, bác thấy có chuyển biến rõ rệt, sau 1 tháng đã tự bám vào xe để tập và đi lại được, sau 3 tháng thì đi lại bình thường. Mừng lắm cháu ạ! Bác cũng không ngờ là có thể đi lại được như xưa! Anh Tấn đúng là người có đôi “bàn tay vàng””. Bà Mai còn kể về lần bà đã từng cho tiền vào phong bì, rồi “cài” trong hộp quà để trả ơn Lương y Tấn. “Hôm sau, anh ấy đưa phong bì lại cho bác và bảo: Cháu gửi lại bác cái “thư”. Bác xúc động quá. Đã không nhận một đồng thù lao nào, anh ấy lại còn luôn tận tụy, nhiệt tình và vừa chữa bệnh, vừa trò chuyện rất tâm lý với bệnh nhân”.
Có một trường hợp khá đặc biệt. Đó là cô gái đã 25 năm mắc chứng tiểu đêm không kiểm soát. Một hôm, mới 5 giờ sáng, cô gọi điện cho Lương y Phạm Văn Tấn. Thấy cô khóc nấc trong điện thoại, anh Tấn không hiểu có chuyện gì. Một lúc sau anh mới vỡ lẽ. Thì ra, sau mấy ngày điều trị tại nhà anh bằng phương pháp TĐCS, cô đã có một đêm đầu tiên thoát khỏi căn bệnh khó nói và gây nhiều phiền muộn ấy. Cô tâm sự: “Em mừng quá, chỉ mong trời mau sáng để gọi điện báo tin vui này tới anh Tấn. Em điều trị gần hai tháng thì khỏi bệnh, em biết ơn anh Tấn nhiều lắm. Anh ấy không chỉ nhiệt tình chữa bệnh miễn phí mà khi bệnh nhân khỏe mạnh, anh ấy vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên…”.
Hiện có rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, có nơi cách xa tới hàng trăm ki-lô-mét lặn lội tới gặp Lương y Tấn để được điều trị, thoát khỏi những căn bệnh như: Đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình, huyết áp, hen phế quản, dạ dày, đại tràng, đau xương khớp… Cho dù luôn khiêm tốn tự nhận mình còn ít kinh nghiệm, chưa cống hiến được nhiều cho cộng đồng, nhưng hiệu quả từ phương pháp chữa bệnh của anh và các cộng sự đã mang niềm vui tới mọi người.
Tôi hỏi anh: “Vừa làm chủ doanh nghiệp, vừa giảng dạy, lại chữa bệnh miễn phí tại nhà, như vậy anh có quá vất vả?”. Anh cười và bảo: “Tôi có một “hậu phương” vững chắc, chu toàn việc gia đình nên tuy công việc kinh doanh bận rộn nhưng việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho mọi người luôn là khoảng thời gian cố định, không thể thiếu trong một ngày làm việc. Đó chính là sự đam mê, là ước muốn mà tôi từng ấp ủ từ khi chưa vào nghề”. Anh cũng tâm sự rằng, sau này, nếu có điều kiện, anh sẽ đến vùng sâu, vùng xa để chữa bệnh giúp những người dân có hoàn cảnh khó khăn…
ĐAM MÊ TRUYỀN NGHỀ
Bằng niềm đam mê với TĐCS cùng kiến thức y học được đào tạo chính quy tại Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh, Lương y Phạm Văn Tấn được mời làm trợ giảng rồi trở thành giảng viên môn TĐCS. Anh cùng với người thầy-cố Lương y Nguyễn Văn Lợi đã tham gia đào tạo hàng trăm học viên tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Không chỉ tham gia giảng dạy tại trường, mỗi buổi tối, anh và các cộng sự còn giảng dạy tại các lớp học TĐCS do Hội Đông y TP Hà Nội tổ chức.
Đặc biệt, Lương y Phạm Văn Tấn và các đồng nghiệp ở Hội TĐCS luôn mong muốn mở các lớp đào tạo nghề giúp bộ đội sau khi xuất ngũ hoặc truyền nghề cho các chiến sĩ ở vùng biên giới, hải đảo biết phương pháp TĐCS, để với phương pháp này, họ có thể chữa bệnh giúp người dân ở các vùng sâu, vùng xa, và biết đâu, từ sự “truyền lửa” ấy, nhiều người cũng sẽ nuôi dưỡng ước mơ theo nghề y như năm xưa anh đã từng mong ước…
Tâm sự về người thầy vẫn hằng ngày giảng dạy ở lớp học TĐCS của Hội Đông y TP Hà Nội, chị Lê Thị Loan, học viên khóa 9, cho biết: “Thầy Tấn không chỉ là một lương y giỏi mà còn là một người thầy mẫu mực. Tôi là một người “ngoại đạo”, chưa có kiến thức gì về ngành y nhưng nhờ cách truyền đạt giản dị với kho kiến thức rộng lớn của thầy đã giúp chúng tôi hiểu bài nhanh và thêm đam mê với nghề. Thầy không chỉ chữa bệnh bằng phương pháp độc đáo và miễn phí cho bà con, thầy còn tư vấn giúp người bệnh tháo gỡ những căng thẳng trong cuộc sống. Tôi học thầy cách chữa bệnh, văn hóa giao tiếp với bệnh nhân, sự tận tâm với nghề. Tôi cũng học ở thầy sự “cho đi mà không mưu cầu nhận lại”…
Hà Nội vào đông, cái lạnh đã len lỏi khắp từng ngõ phố. Qua câu chuyện với những bệnh nhân và học trò của Lương y Phạm Văn Tấn, tôi chợt cảm thấy lòng mình thêm ấm áp. Thiết nghĩ, hành trình cứu người là vô tận, trong đó cần lắm những người thầy thuốc với khối óc thông minh, bàn tay tài hoa và trái tim nhân ái như Lương y Phạm Văn Tấn. Họ chính là những người đã tiếp thêm nghị lực để người bệnh vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật và ngày càng thêm tin yêu cuộc sống.
Bài và ảnh: BẠCH DƯƠNG
Theo: Qdnd.vn