Giáo sư Nguyễn Tài Thu – một đời thầy thuốc thương người

21/11/2022

Giáo sư Nguyễn Tài Thu, bậc thầy châm cứu của Việt Nam, sinh thời tự nhận mình chỉ là một thầy thuốc thương người.

Giáo sư Thu được người đời quý mến, nể trọng gọi bằng cái tên “Thần kim” hay “Vua châm cứu”. Tên tuổi của ông không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, mà trên khắp thế giới trong lĩnh vực Đông y, đặc biệt là châm cứu chữa bệnh.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 6/4/1931 trong gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ tiếp xúc nhiều với bộ môn châm cứu. Gia đình ông chia sẻ, những năm 1945-1946, khi cả Hà Nội hứng chịu bom đạn, giáo sư chứng kiến nhiều người bị thương và chết do chiến tranh, trong lòng cháy bỏng ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người.

Năm 1953, sau khi học năm thứ nhất trường Đại học Y Khoa, nay là trường Đại học Y Hà Nội, ông được cử đi học tại Trung Quốc trong 6 năm chuyên về Đông y. Năm 1958, tốt nghiệp bác sĩ Đông y ở Trung Quốc, bác sĩ Tài Thu về nước công tác tại nhiều bệnh viện quân đội và địa phương. Năm 1967, ông đi sâu nghiên cứu ngành châm cứu tại phòng mạch của Hội Đông y, phố Tông Đản, Hà Nội. Ông bắt đầu nghiên cứu dùng các cây kim có độ dài khác nhau để chữa bệnh. Giáo sư từng lấy cơ thể mình thực nghiệm rồi mới ứng dụng kim châm vào người khác.

Năm 1968, Hội Châm cứu đầu tiên của Việt Nam hình thành từ đề xuất của ông. Giáo sư Nguyễn Tài Thu cùng cộng sự đã phát triển Hội Châm cứu Việt Nam. Đến nay, Hội có đến 27.300 hội viên.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu. Ảnh: Gia đình cung cấp

Giáo sư Thu là người khởi xướng trường phái tân châm – dùng kim châm trên bệnh nhân và bậc thầy số một về “mãng châm”. Đây là kỹ thuật dùng kim to, kim dài châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau, tác dụng chữa chứng đau, chứng liệt… Ông từng sử dụng những cây kim châm có độ dài tới 80 cm, đóng góp cho nền y học hai phương pháp châm tê và châm cứu cai nghiện ma túy.

Phương pháp châm cứu cai nghiện đã được Bộ Y tế cho phép triển khai với tỷ lệ cắt cơn nghiện gần như tuyệt đối, chỉ có 5% đến 10% tái nghiện. Phương pháp được giới thiệu tới gần 50 quốc gia.

Sinh thời, giáo sư Nguyễn Tài Thu tự nhận vốn tài sản lớn nhất đời mình là hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, thủy châm, nhĩ châm, mai hoa châm, điện châm… truyền lại cho hàng nghìn y, bác sĩ sau này. Ông mở ít nhất 500 lớp, cả quân y cả dân y, không chỉ Hà Nội còn ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Giang, Kiên Giang…

Đối với các thế hệ học trò, giáo sư luôn răn dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Ông từng chia sẻ: “Tôi còn trăn trở nhất một điều, có rất nhiều bệnh nhân không chữa được không phải là vì kỹ thuật không chữa được, mà do người thầy thuốc không hết lòng với người bệnh. Nghề thầy thuốc mình phải đi đến cùng khi hai tay họ buông xuôi, mình chảy nước mắt thì mới thôi được. Riêng ngành y, người thầy thuốc phải thương bệnh nhân, giúp đỡ bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo”.

Tất cả bệnh nhân nghèo đến với ông đều được ông chữa bệnh miễn phí. Đến nay, trong nhiều tài liệu có ghi lại về hình ảnh người thầy thuốc lúc 86 tuổi vẫn hàng ngày chữa bệnh miễn phí cho 70 bệnh nhân liên tục từ 8h sáng đến 1h chiều, ăn trưa bằng một cốc nước chè, tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Chiều xuống, sau khi tan làm, giáo sư dành thời gian hỏi thăm động viên những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Ông khiêm nhường nhận mình chỉ chữa bệnh vì tình yêu với bệnh nhân. “Chả lẽ người ta nhờ cậy mình lại bảo không chữa được. Người thầy thuốc không chối ngay được đâu. Bao giờ cũng phải nghĩ, có thể được không, nếu được thì ngày đêm phải như thế nào”, ông nói.

Giáo sự Nguyễn Tài Thu châm cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Ảnh tư liệu

Gia đình kể lại, giáo sư tự nhận mình là người hay khóc, dễ xúc động. Ông từng kể thầy thuốc ai cũng thương bệnh nhân nhưng trong ông có một tình cảm đặc biệt nào đó khó diễn tả. Ông coi bệnh nhân như người thân của mình.

Trong một lần chia sẻ với báo chí, giáo sư kể về một trường hợp bị liệt 2 chi dưới, đau khổ đến muốn chết. Ai ngờ bệnh nhân đặc biệt đó là con của Tổng thống một nước Trung Đông. Khi đó ông cảm nhận được nhân sinh thế thái của cuộc đời, rằng người giàu hay người nghèo, quyền quý hay bần hàn khi bị bệnh tật giày vò đều đau khổ, đều yếu đuối.

Giáo sư Thu khẳng định mình là người rất nghèo về vật chất. Lời nói này ông thường đem ra để răn học trò của mình: “Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ’.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu qua đời ngày 14/2/2021, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người. Ảnh: VOV

Đến nay, hầu hết bệnh viện trong cả nước đều có bộ môn châm cứu. Viện Châm cứu Việt Nam do ông sáng lập từ năm 1982 trở thành địa chỉ quen thuộc của giới khoa học châm cứu trong và ngoài nước.

Những năm cuối đời, giáo sư tiếp tục cống hiến thông qua hoạt động tại Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.

Ngày 14/2, Giáo sư Nguyễn Tài Thu qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 90 tuổi.

Thúy Quỳnh

Nguồn: vnexpress.net