Bác sĩ Trần Duy Hưng – Vị Chủ tịch giản dị, gần gũi với dân
Người dân thành phố Hà Nội cho đến ngày hôm nay vẫn nhắc đến bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch đầu tiên của thành phố với sự kính trọng bởi tài năng và nhân cách cao đẹp.
Chữa bệnh, đi theo cách mạng là vì dân
Những ngày Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, chúng tôi có dịp gặp hai người con trai của cố Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng là ông Trần Quốc Ân (SN 1939) – con trai cả và ông Trần Chiến Thắng (SN 1954) – con trai út. Một sự tình cờ nữa là chúng tôi được gặp ông Nguyễn Duy Lễ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi và ông Hà Bôn, những người từng có thời gian được tiếp xúc, làm việc cùng với Chủ tịch Trần Duy Hưng. Ông Nguyễn Duy Lễ (SN1941) từng là thủ môn của đội Công an Hà Nội – đội bóng được Chủ tịch Trần Duy Hưng đỡ đầu – và sau đó là công an của thành phố Hà Nội. Ông Hà Bôn có nhiều năm làm việc ở Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao), thời Chủ tịch Trần Duy Hưng ông là người đưa Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Bungary và đại sứ Tây Đức đến tiếp kiến.
Bức ảnh do chủ hiệu ảnh ở Chợ Lớn từng được bác sĩ Trần Duy Hưng chữa bệnh chụp vợ chồng bác sĩ Trần Duy Hưng và cháu nội Trần Liên Hương (con gái ông Trần Quốc Ân) năm 1975 khi vào Sài Gòn (ảnh do gia đình cung cấp).
Theo lời kể của ông Trần Quốc Ân, sau khi tốt nghiệp đại học y với thành tích xuất sắc cùng với các bạn đồng khóa như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch…; cha ông cùng với em gái cũng là một y tá thuê nhà tại số 6 Bông Nhuộm để ở và làm bệnh viện. Tận tâm, nhiệt tình với người bệnh, bác sĩ Trần Duy Hưng đã chữa bệnh miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo. Bệnh viện của ông cũng là địa chỉ bí mật ngay giữa lòng thành phố để che giấu cán bộ trước Cách mạng tháng 8. “Ông Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… cũng từng đến bệnh viện để trốn mỗi khi bị địch truy lùng. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói cha tôi ra làm Thị trưởng thành phố sau khi Cách mạng tháng 8 thành công”, ông Ân kể.
– Điều gì khiến bác sĩ Trần Duy Hưng dành toàn tâm toàn ý cho cách mạng như vậy?, tôi hỏi. – Tôi là con út nên không biết về cha mình những năm Cách mạng tháng 8 thế nào, những câu chuyện cha che giấu cán bộ trước Cách mạng tháng 8 cũng là được nghe kể lại. Nhưng có lẽ, thời cha tôi, cũng như nhiều trí thức khác, khi đã được học hành, hay đi du học, có trí thức thì đều muốn đóng góp công sức cho đất nước. Thế hệ của cha tôi là thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, tập hợp được lực lượng trí thức ấy. Cha tôi theo cụ Hồ cũng bởi có cùng quan điểm với cụ Hồ là: vì dân. Khi cha tôi chữa bệnh cũng là để cứu người, là vì dân. Ông Trần Chiến Thắng nói.
Hết lòng vì công việc
Cũng như các em mình, điều ông Trần Quốc Ân ấn tượng mạnh về cha là lối sống giản dị, đức khiêm nhường và tấm lòng yêu nước, tin dân, hết lòng vì công việc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Là chủ tịch thành phố nhưng bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn thường xuyên tự lái xe ô tô đi làm, có khi đạp xe đạp. Ông trực tiếp viết các bài diễn văn, dự thảo các báo cáo quan trọng mà không yêu cầu thư ký. Ngoài việc chủ trì, tham dự các cuộc họp, Chủ tịch Trần Duy Hưng tận dụng thời gian để tiếp dân bất cứ lúc nào.
“Những việc cần thiết, người dân có thể gặp cha tôi để phản ánh tại trụ sở ủy ban hoặc đến nhà. Mỗi khi đi thực tế phát động phong trào ở đâu, cha tôi sẵn sàng lội ruộng, cầm cuốc cuốc đất cùng người dân”, ông Ân trầm ngâm nói.
Trong thời gian Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá, nhiều lần khi khói bom còn chưa tan hết, người ta đã thấy bác sĩ Trần Duy Hưng có mặt, cùng các bác sĩ, y tá băng bó cho những người bị thương. Khi bom Mỹ ném bom trúng Lãnh sự quán Pháp, nhận được điện, Chủ tịch Trần Duy Hưng gọi lái xe đi ngay, ông đã kịp thời có mặt khi các nhân viên sứ quán còn chưa lên khỏi hầm trú ẩn.
“Tôi rất ngạc nhiên khi tới nơi đã thấy Chủ tịch Trần Duy Hưng đang ở trên tầng hai, cùng với Phó Giám đốc Công an Hà Nội là Cáp Xuân Diệm. Một góc Lãnh sự quán đổ sập, một cô gái là người yêu của con trai của Lãnh sự đã bị chết. Chủ tịch Trần Duy Hưng vẫy tôi vào vì tôi mặc sắc phục nên vào được. Chủ tịch Trần Duy Hưng đã cùng chúng tôi đưa cô ấy xuống xe để đến nhà xác ở Bệnh viện Xanh Pôn. Khi tôi trở về từ bệnh viện, Chủ tịch nói xác cô gái ấy thiếu mất một bên chân, hãy tìm lại kẻo tội cô ấy”, ông Lễ kể.
Tài năng, đức độ
Chủ tịch Trần Duy Hưng thạo nhiều thứ tiếng nên khi tiếp các đại sứ thường không cần phiên dịch. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Bungary là Philips Markov rất thạo tiếng Việt, nhưng khi Chủ tịch tiếp vẫn nói tiếng Pháp, vì vậy không khí rất ấm cúng, tạo được nhiều thiện cảm. “Đại sứ nào sau khi làm việc với Chủ tịch Trần Duy Hưng cũng nói lại với tôi ấn tượng mạnh mẽ về phong thái, tài năng, cách nói chuyện lôi cuốn, lịch sự của “doctor Hưng”. Chủ tịch luôn ân cần với những người làm việc cấp dưới. Lái xe của đại sứ cũng được chủ tịch nói lễ tân mời vào uống nước trong khi chờ đại sứ làm việc, đây là điều hiếm thấy”, ông Hà Bôn kể.
Nhân cách, lối sống mực thước, gần gũi của Chủ tịch Trần Duy Hưng đã để lại trong lòng người dân thành phố những tình cảm sâu đậm. Những người từng làm việc hoặc được tiếp xúc với Chủ tịch Trần Duy Hưng cho đến hôm nay đều nhớ đến người lãnh đạo thành phố bởi tấm lòng vị tha, nhân ái, yêu mến nhân dân.
“Khi tôi còn ở đội bóng, trước trận đấu, cụ Trần Duy Hưng thường căn dặn các tuyển thủ là thắng thua chưa nói đến, nhưng đá bóng phải có đạo đức tốt, phải đoàn kết”, ông Nguyễn Duy Lễ hồi tưởng. Khi Chủ tịch Trần Duy Hưng nằm viện Việt Xô, ông Lễ đến thăm. Biết ông Lễ mới mua xe máy nên ông cụ muốn đi thử một vòng. Ông cụ xin phép bệnh viện, rồi tự lái xe chở ông Lễ. Khi đi qua Hồ Gươm, ông cụ nhìn thấy một cảnh tượng đang diễn ra: Một bà cụ bán thuốc lá rong bị anh công an trẻ tuổi yêu cầu đi bán hàng nơi khác. Việc sẽ không có gì phải nói nếu dừng lại ở đây, nhưng anh công an lại hất mẹt thuốc lá của bà cụ xuống đường. Cụ Trần Duy Hưng đã dừng xe lại, nói với anh công an: “Nếu bà cụ là mẹ của anh thì sao?”. “Chỉ một câu nói mà chứa bao điều. Anh công an đó đã phải nhặt lại mẹt hàng cho bà cụ và xin lỗi”, ông Nguyễn Duy Lễ hồi tưởng.
Nhiều bệnh nhân nghèo, những người dân từng được ông giúp đỡ luôn nhớ đến người bác sĩ – Chủ tịch thành phố với tình cảm trân trọng. Năm 1975, khi miền Nam giải phóng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đi công tác tại Sài Gòn. Một hôm, khi đi ngang qua một hiệu ảnh ở khu vực Chợ Lớn, bất ngờ có một người chạy ra nhận người bác sĩ đã từng chữa bệnh cho mình hồi còn ở Hà Nội từ trước Cách mạng tháng 8. Người này đã mời bằng được vợ chồng bác sĩ Trần Duy Hưng vào chụp ảnh. Bức ảnh ấy đến bây giờ ông Trần Quốc Ân vẫn giữ.
Xuân Phong
Theo: Baotintuc.vn