Lương y của những người nghèo

03/12/2022

(LĐTĐ) Tình cờ tôi gặp lương y Phạm Thọ Tầng, trú tại phường Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trong dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Dạo ấy, Lao động Thủ đô đang thực hiện số báo gộp và yêu cầu phải tìm ra những cá nhân tiêu biểu, giàu tâm huyết, sáng tạo, đã có nhiều cống hiến đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước. Lương y Phạm Thọ Tầng đáp ứng những yêu cầu này của tòa soạn. Bởi, không những là thầy thuốc giỏi nghề, lương y Phạm Thọ Tầng còn khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có công, gia đình chính sách…

Từ yêu thương bệnh nhân…

Với dòng chữ lạ lẫm in trên biển hiệu “Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”, điều này khiến không ít người lướt ngang cảm thấy tò mò. Có người còn cho đó là điều viển vông giữa thời đề cao giá trị vật chất, tôn sùng lối sống kim tiền. Nhưng ít ai biết rằng, phòng khám này lại được duy trì đều đặn suốt hàng chục năm qua. Lương y Phạm Thọ Tầng năm nay đã gần 100 tuổi.

Lương y Phạm Thọ Tầng thăm hỏi, bốc thuốc cho người bệnh. (Ảnh: P.T)

Trong phòng khám nhỏ ở tổ dân phố số 2, người thầy thuốc nhẹ nhàng bắt mạch, từ tốn kê đơn với những loại thuốc đựng trong chiếc tủ gỗ được bố trí từng ô ngăn nắp. Lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của vị lương y liên tục đổ chuông. Ngày nào cũng vậy, những cuộc gọi nhờ tư vấn chữa bệnh, đặt thuốc, gửi thuốc… đến từ khắp nơi.

Nghe kể, lương y Phạm Thọ Tầng quê gốc mãi tận huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình). Sinh ra trong một gia đình bần nông nhưng hiếu học, từ nhỏ, ông đã được các bậc sinh thời gửi gắm theo các thầy học chữ. Cái duyên đến với ngành y khi ông vừa tròn 14 tuổi. Khi đó, Pháp mở một trường chuyên đào tạo về ngành y, quen gọi là Trường y Đông Dương, đào tạo cho cả nước bạn Lào, Campuchia. Ông đã học được những kiến thức cứu trị người bệnh căn bản ở đó.

Cách quãng ít năm, ông tham gia công tác quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội, vừa cầm súng chiến đấu. Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông công tác tại Viện điều dưỡng Nông nghiệp, trực thuộc Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Năm 1979, lương y Phạm Thọ Tầng chính thức được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện này. Tại đây, ông dốc lòng tập trung cho nghiên cứu và đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày.

Đó là với con đường cứu trị người bệnh, ít ai biết rằng lương y Phạm Thọ Tầng còn là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Hội Khuyến học của địa phương. Thời điểm lập hội, quỹ khuyến học hằng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu do lương y Phạm Thọ Tầng gây dựng. Cho tới tận bây giờ, đại gia đình ông vẫn đi đầu trong việc đóng góp. Mỗi khi phường tổ chức trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, ông lại tặng quà riêng cho các cháu. Hằng năm, đến dịp 27/7 và tết Nguyên đán người lương y già đều hỗ trợ và có các phần quà đến các gia đình chính sách.

Nhắc chuyện này lương y Phạm Thọ Tầng bảo, đây là “bí quyết” giúp ông duy trì được sức khỏe dẻo dai và sự minh mẫn như hiện tại. Lương y Phạm Thọ Tầng cho biết, chính nhờ việc mở phòng khám bệnh tại nhà riêng với tâm niệm sẽ giúp đỡ cho những người nghèo được chữa bệnh miễn phí, thiện nguyện để giúp được nhiều người, chữa được bệnh cho nhiều người… là đã giúp mình tăng tuổi thọ.

… Đến tấm lòng thiện nguyện

Ở tuổi “bách niên giai lão”, lẽ ra phải nghỉ ngơi, được cả gia đình và xã hội chăm lo, phụng dưỡng, song lương y Phạm Thọ Tầng lại luôn hết lòng vì chữ “duyên” với ngành y, vì đạo đức trong sáng và cao cả để ngày đêm đau đáu sự nghiệp cứu chữa bệnh tật cho nhân dân.

Lương y Phạm Thọ Tầng

Hàng chục năm qua, phòng khám bệnh của lương y đã quá quen thuộc với hàng nghìn bệnh nhân nghèo từ khắp nơi đến để được chữa bệnh miễn phí. “Mát tay” trong cứu trị, tiếng lành đồn xa, từ một xóm nhỏ, nay nhiều người ngay cả miền Trung, miền Nam cũng tìm đến phòng khám của ông để chữa bệnh. Chia sẻ những kỷ niệm về hành trình hàng chục năm cứu người, lương y Phạm Thọ Tầng bảo, tên bệnh nhân thì đến nay ông không nhớ nổi. Có những khi ngồi lâu, ông chỉ nhớ thoáng qua năm rồi, có một vài bệnh nhân tìm đến ông từ tận Vũng Tàu, An Giang, Khánh Hòa… Để tránh quên, và cũng là để tri ân, ghi lời cảm tạ với ông, những bệnh nhân nghèo đã xin được lưu lại những lời cảm ơn gan ruột lại trong các cuốn sổ nhỏ.

Đến nay, những lời cảm ơn đó đã đầy đặn không dưới 3 quyển sổ dầy và đều được ông trân quý cất giữ kỹ càng. Được biết, lương y Phạm Thọ Tầng có phương châm hành thiện là, tất cả những bệnh nhân là trẻ nhỏ dưới 8 tuổi, người nghèo, tàn tật, Mẹ Việt Nam anh hùng… khi đến đây đều được ông khám, chữa bệnh và cắt thuốc hoàn toàn miễn phí. Một năm, số bệnh nhân được ông khám chữa nhiều vô kể.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây thuốc Nam vài chục năm tuổi lương y Phạm Thọ Tầng kể về tác dụng của từng loại cây thuốc quý như cây lá khôi, cây kim giao, cây bó xương, cây bách xanh… Từ những loại cây ấy, cùng những bài thuốc đặc trị cụ tự nghiên cứu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước mà nhiều người đã được chữa khỏi bệnh. Lương y Phạm Thọ Tầng bảo, Đông y hay Tây y đều phải nghiên cứu. Theo ông, chữa bệnh không khó, phải tìm ra căn nguyên của bệnh, phải dùng đúng cây thuốc, chế biến đúng liều lượng thì sẽ khỏi. Song để đưa ra một bài thuốc như trị dạ dày, đại tràng thì cần sự cẩn trọng. Bởi thế mà, phải mất gần 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm mới dám tự tin chữa cho mọi người.

Được biết, cho đến nay, mảnh vườn sau nhà gần 2.000m2 được lương y Phạm Thọ Tầng tận dụng để trồng các loại cây thuốc tốt nhất. Từ những loại cây ấy, vị lương y già đã tự nghiên cứu các loại thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. “Hằng ngày tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, thấy rõ mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung một nỗi đau và gửi gắm niềm hy vọng lớn vào thầy thuốc.

Tôi không những phải có trách nhiệm, mà cần hơn là sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân, sẵn sàng làm việc hết sức mình để giành lại sự sống cho người bệnh. Nghề y hết sức thiêng liêng, cao quý. Đem lại hạnh phúc cho người bệnh cũng là đem lại hạnh phúc cho chính mình” – lương y Phạm Thọ Tầng bộc bạch.

Theo lời lương y Phạm Thọ Tầng, làm nghề gì cũng phải giữ được đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là nghề y, chữ tài phải luôn đi đôi với chữ đức. Thời còn làm ở cơ quan nhà nước, bản thân lương y Phạm Thọ Tầng cũng luôn nói với đồng nghiệp, học trò, làm sao phải sống cho người ta quý, người ta tôn trọng. Nhắc đến chồng, bà Trương Thị Hát, vợ lương y Phạm Thọ Tầng vừa phụ chồng chăm sóc bệnh nhân vừa bảo: “Của nhận lại của ông nhà tôi là hàng trăm tấm bằng khen, giấy khen của nhà nước, chính phủ, các bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương. Ông ấy treo trang trọng khắp nhà kìa. Nhiều khi ông ấy còn đòi tự tay lau từng chiếc chứ không để vợ con làm”.

Cảm kích trước những giá trị nhân văn cao đẹp mà lương y Phạm Thọ Tầng đã dày công gây dựng, nhiều năm liền Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã vinh danh ông là tấm gương “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”. Tháng 10/2014, tên lương y Phạm Thọ Tầng đã được xướng lên trong chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám..

Phạm Thảo

Nguồn: laodongthudo.vn