Lương y của người nghèo
Hơn 10 năm nay, lương y Phạm Đình Vinh, Phó chủ tịch Hội Đông Y Nam Từ Liêm (Hà Nội) với bàn tay tài hoa đã chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo. Nhiều trường hợp khó khăn được anh cưu mang, giúp đỡ. Đặc biệt, anh còn là người say mê nghiên cứu những bài thuốc nam của dân tộc, vừa giúp tiết kiệm tối đa chi phí chữa bệnh, vừa bảo tồn các bài thuốc dân gian khai thác từ những loại thảo dược trong nước.
Đón bệnh nhân nghèo như khách hàng sang trọng
Giọng nói nhỏ nhẹ, thái độ ân cần, khuôn mặt hồng hào là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp lương y Phạm Đình Vinh tại số 15 đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về đông y, cả ông nội và cha đẻ của anh đều theo nghề chữa bệnh, bốc thuốc nổi tiếng vùng Khương Sơn (nay là khu vực Ngã Tư Sở). Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Vinh đã tiếp xúc với bệnh nhân, thuốc thang và phần nào hiểu được nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh.
Lớn lên, Phạm Đình Vinh thi đỗ vào hệ dân sự, Học viện Quân y. Suốt thời gian học viên, Phạm Đình Vinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều thầy thuốc tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm… Các thầy thuốc đi trước đã truyền dạy cho anh kỹ thuật về tác động cột sống, các bài thuốc nam của dân tộc và một số bài thuốc gia truyền. Đặc biệt, anh được những người thầy đáng kính ở Học viện Quân y trao truyền cho tấm lòng yêu thương con người, sự sẻ chia, đồng cảm với bệnh nhân của người thầy thuốc.
Vợ chồng lương y Phạm Đình Vinh trao thuốc tặng bệnh nhân nghèo.
Là học viên ngành y, anh Vinh và các bạn đồng môn thường xuyên có dịp hành quân về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Đến đâu, màu áo trắng tinh khôi cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào, đồng thời nuôi lớn dần tinh thần “lương y phải là như từ mẫu” của những học viên y khoa dưới mái trường quân đội. Những tình cảm mà bệnh nhân gửi lại cho lương y Phạm Đình Vinh càng làm anh thêm yêu nghề, miệt mài nghiên cứu y dược.
Sau khi tốt nghiệp, bạn bè Phạm Đình Vinh chủ yếu làm việc tại các bệnh viện của tỉnh hoặc Trung ương, riêng anh mở một phòng khám đông y nhỏ với mục đích dùng kiến thức, chuyên môn của mình chữa bệnh cho người nghèo. Việc mở phòng khám cũng là cách để anh duy trì nghề của cha ông để lại, tự mình phát triển, trau dồi kinh nghiệm thực tế và có thêm thời gian để nghiên cứu các bài thuốc nam còn dở dang; đồng thời có thời gian theo học sau đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Và cứ thế, phòng khám nhỏ của lương y Phạm Đình Vinh ngày nào vẫn còn đó. Theo thời gian, tấm biển ghi tên phòng khám đã mờ dần, anh bảo “bệnh nhân đến đây chủ yếu là người quen, hoặc người lao động đi ngang qua rẽ vào chứ mình không quảng cáo, phô trương, càng nhiều bệnh nhân đến mình càng vui.
Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, lương y Phạm Đình Vinh thường đi sâu nghiên cứu bài thuốc cơ xương khớp bằng thuốc nam không phản ứng phụ và bài thuốc giải độc gan ngứa. Đây đều là hai bài thuốc có nguyên liệu từ cây thuốc nam, giá thành rẻ và nếu như nghiên cứu thành công sẽ là cứu cánh cho nhiều bệnh nhân nghèo không may mắc bệnh. Ngoài ra, lương y Phạm Đình Vinh còn thường xuyên sử dụng phương pháp tác động cột sống để chữa trị. Đây là phương pháp không dùng thuốc, tác động lên các điểm mất cân bằng trên cột sống của người bệnh, lập lại sự cân bằng cho cơ thể. Phương pháp này được anh sử dụng khá thường xuyên và nhận được sự hài lòng của bệnh nhân, đặc biệt là các vận động viên thể thao chữa trị tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, nơi mà Phạm Đình Vinh mới chuyển về đây công tác.
Sứ mệnh của thầy thuốc là cứu người
Công việc tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Hội Đông y Nam Từ Liêm khá bận rộn, nhưng hễ về đến nhà là lương y Phạm Đình Vinh bắt tay ngay vào công việc chữa bệnh giúp người nghèo. Bà Nguyễn Thị Chải 73 tuổi, dẫn theo cháu là Nguyễn Tất Chung, 10 tuổi từ thôn Bình Đà, xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) tới phòng khám từ khá sớm. Cháu Chung chơi vui vẻ với con của lương y Phạm Đình Vinh như anh em. Bé Chung có hoàn cảnh khá đặc biệt: Bố mất, mẹ bỏ đi. Bà cháu ở với nhau, cuộc sống trông cả vào mảnh vườn nhỏ sau nhà, rau cháo qua ngày. Khổ nỗi, cả hai bà cháu đều hay ốm đau. Bà thì thấp khớp, huyết áp cao, cháu lại suy dinh dưỡng, hệ xương bả vai phát triển không bình thường… Cảm thông với hoàn cảnh của hai bà cháu, lương y Phạm Đình Vinh đã nhận là bố đỡ đầu của Chung, chữa trị miễn phí, hỗ trợ Chung tiền ăn học đến khi trưởng thành. Hoặc như trường hợp em Sỹ Danh Văn, thôn Việt Yên, xã Đông Yên (Quốc Oai, Hà Nội), bị bệnh tim bẩm sinh, thỉnh thoảng ngất lên ngất xuống. Biết thông tin, anh Vinh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thủy kết nối cho em để được mổ tim miễn phí tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tài trợ gần như toàn bộ chi phí. Đó chỉ là hai trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được anh Vinh cưu mang, giúp đỡ. Trước đó, bằng tấm lòng nhân ái bao dung, có rất nhiều trường hợp tương tự được lương y Phạm Đình Vinh phối hợp với các nhà hảo tâm tặng xe lăn, cây giống, hỗ trợ sản xuất.
Không chỉ khám, chữa miễn phí cho người nghèo tại nhà, lương y Phạm Đình Vinh còn xây dựng cho mình kế hoạch rõ ràng theo từng đợt vừa khám, chữa bệnh, vừa hướng dẫn trồng cây thuốc, rồi bao tiêu sản phẩm tạo việc làm cho người dân. Đợt khám bệnh miễn phí tháng 2 vừa qua là đợt khám đầu tiên của phòng khám trong năm 2019 với 10 người được khám và cắt thuốc miễn phí. Mục tiêu và kế hoạch của lương y Phạm Đình Vinh là khám, cắt thuốc miễn phí cho tổng cộng 50 người, chia làm 5 đợt; trao 40.000 cây giống tặng 40 hộ để phát triển cây thuốc và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Đợt khám lần này có không ít hoàn cảnh khó khăn, như trường hợp của chị Nguyễn Thị Đặng (Chương Mỹ, Hà Nội), con bị khuyết tật bẩm sinh; chị Nguyễn Thị Duyến, quê ở Hưng Yên, con bị bệnh hiếm gặp. Hay như hoàn cảnh của chị Đặng Thị Tươi, chồng không may qua đời khi đang mang thai bé sinh đôi cách đây 4 năm, bản thân chị cũng thường xuyên ốm đau, nhưng phải gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Đứa lớn nhất mới 7 tuổi đã phải làm thêm một số việc đan lát để giúp mẹ, hai đứa nhỏ ăn không đủ no nên thể trạng phát triển không bình thường… Những hoàn cảnh này, tuy lương y Phạm Đình Vinh không giúp được nhiều về kinh tế nhưng luôn có sự đồng cảm, tận tâm và chia sẻ với họ. Lương y Phạm Đình Vinh chia sẻ: “Bác Hồ đã dạy, sứ mệnh của người thầy thuốc là cứu người, coi họ như người thân của mình. Vì vậy, phần thưởng lớn nhất của tôi khi làm thầy thuốc chính là chứng kiến sự bình phục của bệnh nhân. Họ khỏe mình cũng thấy an lòng, của cải, vật chất không phải mục đích chính của mình. Mong rằng, trong tương lai không xa, các bài thuốc nam mình nghiên cứu sẽ được kiểm nghiệm đưa vào chữa trị, điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”.
Cùng với chữa bệnh cứu người, lương y Phạm Đình Vinh còn thường xuyên mở các lớp ngắn hạn miễn phí cho những bạn trẻ có đam mê nghề thuốc nam. Mỗi khóa học tuy ngắn, kiến thức truyền tải, chia sẻ chưa nhiều, nhưng anh đã góp phần thổi vào hồn các bạn trẻ cái tâm của người thầy thuốc. Với đôi tay tài hoa cùng tấm lòng nhân ái, lương y Phạm Đình Vinh không coi đó là công cụ để kiếm tiền mà để trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương, tạo thêm niềm tin yêu vào cuộc sống muôn màu.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG
Nguồn: qdnd.vn