GS Đặng Văn Chung trong ký ức học trò
NDO – NDĐT – Buổi sáng ở khu nhà A9 – Bệnh viện Bạch Mai, khi đến thăm GS Đặng Văn Chung trên giường bệnh, thầy ra hiệu cho tôi cúi mặt xuống. Thầy thì thào: “Các anh đối với tôi tốt quá, cho tôi cảm ơn tất cả”, nói rồi nước mắt thầy trào ra. Ba giờ sau thầy trút hơi thở cuối cùng…
Những người học trò của GS Đặng Văn Chung.
GS. TS Nguyễn Khánh Trạch – Nguyên Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Nội, trường Đại học Y Hà Nội đã bắt đầu câu chuyện của mình về người thầy quá cố như vậy. Đó cũng là lần cuối cùng ông được gặp thầy Đặng Văn Chung – một trong ba người thầy có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời ông: “Thầy Chung đã đem lại cho tôi một cái nghề và một cái nghiệp cao quý, nhân đạo. Thầy là tấm gương về nhân cách, lòng yêu nghề, về y đức và y đạo, thầy đã dạy tôi về phẩm cách của một người làm khoa học chân chính”.
Không chỉ riêng ông, nhắc tới thầy Đặng Văn Chung, với mỗi học trò là một câu chuyện, một ký ức không thể phai mờ…
Nhà Nội khoa hàng đầu
GS. TS Nguyễn Khánh Trạch luôn đề cao khả năng chẩn đoán bệnh của thầy Đặng Văn Chung. Chính GS Tôn Thất Tùng đã từng nói “Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của GS Đặng Văn Chung”.
Bằng một vài dụng cụ y học thô sơ, một số xét nghiệm thông thường, GS Chung đã chẩn đoán nhiều loại bệnh khó mà ngày nay phải nhờ đến những phương tiện, xét nghiệm hiện đại cao cấp mới chẩn đoán được, trong đó phải kể đến các bệnh như hạ đường huyết do u tụy, cao huyết áp do u tủy tuyến thượng thận, bệnh đa u tủy xương…
“Vào thời của GS Đặng Văn Chung, bệnh nhiễm trùng ở nước ta khá phổ biến, trong đó có những bệnh khó chẩn đoán, nếu không có những phương tiện hiện đại như siêu âm, chụp citi, nuôi cấy vi khuẩn. Sau một thời gian nghiên cứu, GS Đặng Văn Chung đưa ra một khái niệm về nhiễm trùng vùng sâu, nhờ vậy mà việc chẩn đoán trở nên chính xác hơn nhiều và tỷ lệ tử vong giảm xuống” – GS. TS Nguyễn Khánh Trạch cho biết.
GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam đặc biệt ấn tượng với phương pháp khám lâm sàng của thầy Chung. Thầy Chung hỏi và khám bệnh có hệ thống, không bỏ qua mọi chi tiết có liên quan tới người bệnh và tới những triệu chứng lâm sàng phát hiện được.
Ông kể lại: “Năm 1961, tôi được theo dõi một bệnh nhân lên cơn động kinh nhiều lần, cơ thể rất béo, hỏi kỹ được biết người bệnh này hay bị đói và phải ăn nhiều đồ ngọt để tránh lên cơn giật. Thầy Chung đã đích thân đi đến gặp bệnh nhân và hỏi han tình hình bệnh, sau đó thầy cho tôi mượn một quyển sách nói về hiện tượng bệnh này để tham khảo. Sau khi đọc, tôi báo cáo với thầy mình hướng tới chẩn đoán cơn động kinh do hạ đường huyết, vì làm xét nghiệm khi đó thấy đường huyết rất thấp, có nhiều khả năng là do u tụy nội tiết – một căn bệnh mà cho đến lúc bấy giờ rất hiếm bác sĩ phát hiện ra. Khối u chỉ bé bằng hạt ngô, sờ nắn bên ngoài chẳng có cảm giác gì, chụp điện quang cũng chẳng rõ, do vậy dễ bỏ qua.
Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt – Đức, đích thân GS Tôn thất Tùng phẫu thuật, lấy được khối u ở phần đuôi tụy, bệnh nhân khỏi hẳn động kinh, xuống cân, trở lại bình thường. Thành công này đánh dấu cho một bước trưởng thành trong lâm sàng Nội khoa, mà GS Đặng Văn Chung là người đã giúp chúng tôi thực hiện, để thấy sự tài tình của thầy Chung trong khám lâm sàng, chẩn đoán bệnh”.
Một người Thầy lớn, một tấm gương Y đức sáng ngời
Trong lĩnh vực sư phạm Y học, GS Đặng Văn Chung là một người rất nổi bật cùng với những cây đại thụ khác như GS Tôn Thất Tùng, GS Vũ Công Hòe, GS Trịnh Ngọc Phan… Các bài giảng và sách giáo khoa của GS Đặng Văn Chung bao giờ cũng dễ hiểu và nhớ lâu.
GS. TS Nguyễn Khánh Trạch kể lại rằng, GS Đặng Văn Chung luôn tâm niệm, đào tạo ra một bác sĩ kém là không tốt, là cấp bằng cho họ được hại người nhưng cũng chỉ hại được ít người thôi. Đào tạo ra một bác sĩ kiêm thầy giáo kém thì sự hại đó tăng lên gấp nhiều lần vì người thầy đó sẽ đào tạo ra những người thầy thuốc khác cũng kém cỏi và cứ như thế sự thiệt hại không thể biết trước được. Vì lẽ đó, đối với thầy, việc đào tạo là một công việc đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn trọng.
Thầy Chung luôn nhấn mạnh trong lời nói và hành động mà có hại cho người bệnh thì bác sĩ phải tránh. Thầy yêu cầu học trò phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, phải giảng thử trước cho ông và đồng nghiệp, nếu đạt mới được phép giảng thật ở trên bục giảng.
“Thầy đã dạy cho chúng tôi phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như đạo đức người làm khoa học, nghiên cứu khoa học phải trung thực khách quan, không vì thành tích mà bóp méo sự thật, vô cùng nguy hiểm. Thầy là người không bao giờ chấp nhận bệnh thành tích” – GS. TS Nguyễn Khánh Trạch nói.
Giáo sư Đỗ Doãn Đại – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là thế hệ sinh viên được GS Đặng Văn Chung đào tạo từ thời chống Pháp, những người mà còn sống đến nay có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhớ về những ngày đầu tiên được theo học thầy, GS Đại bồi hồi: “Là những sinh viên nội trú, chập chững bước vào nghề, chúng tôi được GS Đặng Văn Chung dạy những động tác rất cơ bản, khám tim, phổi như thế nào, nắn bụng ra sao, nắn thế nào để bàn tay vẫn mềm mại. Thầy còn dạy chúng tôi biết cách phân biệt các mức độ hôn mê qua phản ứng của bệnh nhân. Những cái đó gây ấn tượng rất sâu đậm với chúng tôi trong những ngày đầu bước vào nghề”.
Còn GS Phạm Gia Khải luôn nhớ về bài học không bao giờ được tách bệnh nhân khỏi môi trường của họ, phải quan tâm tới tất cả những gì có liên quan, từ nguồn gốc, lý lịch của bệnh nhân chứ không chỉ khám lâm sàng.
Ông nhớ lại: “Hàng tuần, chúng tôi có một buổi trình bày và thảo luận lâm sàng, trong đó thầy uốn nắn chúng tôi từ cách làm bệnh án, đến lập luận trong các bước tiến hành chẩn đoán, lý do chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết, và các xét nghiệm bắt buộc, gọi là xét nghiệm cơ bản. Với phương pháp đó, dần dần chúng tôi không bị lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết, và thấy chính người bệnh mới là nguồn cung cấp các dữ kiện, từ đó lý thuyết bệnh học càng phong phú thêm mãi, đúng như câu các thày đã nói: “Không có bệnh mà chỉ có người bệnh”.
Giáo sư Đặng Văn Chung là người đầu tiên xây dựng ngành Tim mạch học Việt Nam và ngày nay đã trở thành Viện Tim mạch Quốc gia. Giáo sư đã từng là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hà Nội nhưng chỉ mấy năm sau ông tự nguyện xin thôi quản lý để làm chuyên môn với chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, ông chuyên tâm vào việc khám, chữa bệnh và giảng dạy. GS Nguyễn Khánh Trạch khẳng định: “Nhiều người cho rằng thầy không thức thời nhưng thầy lại không nghĩ như vậy, thầy luôn nghĩ rằng hạnh phúc là do người bệnh và các thế hệ học trò của mình mang lại chứ không phải chức tước địa vị hay quyền lực”.
Trong những cuốn hồi ký của GS Đặng Văn Chung còn ghi lại hình ảnh của những bệnh nhân gầy còm, tóc râu xồm xoàm, quần áo rách nát, thường là bao bố, rận lúc nhúc vì không đủ vải và cũng không tắm rửa sạch sẽ vì thiếu xà phòng, lại mùa lạnh không dám tắm. Việc một người lao công khi đưa cơm từ nhà bếp lên thì có người chạy xô đến bốc vài nắm cơm, miếng thịt cá vì họ không thể cưỡng lại được cái đói cồn cào cũng khiến ông trăn trở không yên.
GS Đỗ Doãn Đại cũng kể lại, hồi thầy Chung làm bác sĩ cho một phòng khám, có những người bệnh nghèo đến khám xong, thầy quyết liệt xua họ ra thật nhanh để họ không phải trả tiền cho thầy. Cuộc đời GS Đặng Văn Chung luôn đề cao đạo đức của một người thầy thuốc…
Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi GS Đặng Văn Chung từ giã cõi trần nhưng ký ức về thầy không bao giờ phai mờ trong trái tim mỗi học trò. Để rồi, có dịp hàn huyên kể lể trong một ngày đầu tháng ba, đúng 100 năm ngày sinh của giáo sư, khi được gặp lại những kỷ vật thân thương từng gắn bó với thầy, ai cũng xúc động nghẹn ngào. Với họ GS Đặng Văn Chung là người thầy vĩ đại, gương mẫu, giản dị, gần gũi và là tấm gương Y đức sáng ngời.
LÊ HẠNH NGUYÊN
Theo: Nhandan.vn