Vị lương y sở hữu bài thuốc độc đáo chuyên trị bệnh tiểu đường bằng trái cau kiểng
Trải qua hơn nửa cuộc đời, chứng kiến biết bao đổi thay của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay nhưng người đàn ông này vẫn miệt mài cống hiến cho đời bằng những bài thuốc đặc biệt.
Hằng ngay, ông vẫn cặm cụi đi tìm những bài thuốc từ trong những cuốn sách y học cổ truyền, hay những bài thuốc dân gian đặc trị của chính người Việt. Không những vậy, vị lương y này còn kết hợp giữa sách và kinh nghiệm bốc thuốc của mình để tìm ra những bài thuốc chữa bệnh đạt kết quả tốt nhất. Người chúng tôi muốn nhắc tới là lương y Hứa Hiền Quang.
Lương y Hứa Hiền Quang với cuốn sách y học cổ. Ảnh nhỏ: Những tấm bằng khen mà lương y Quang được tặng
Chữa dứt căn bệnh tiểu đường
Chúng tôi gặp lương y Hứa Hiền Quang tại phòng khám Đông y của ông ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM). Phải đợi rất lâu sau khi vãng bệnh nhân, chúng tôi mới có ít phút hiếm hoi trò chuyện với vị lương y bận rộn này. Được biết, lương y Quang được sinh ra tại TP.HCM, trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh bằng Đông y. Cha ông là một thầy thuốc nổi tiếng thời bấy giờ. Hằng ngày, chứng kiến cảnh cha bốc thuốc khám chữa bệnh nên trong ông ngấm dần niềm khao khát trở thành một lương y tận tình với bệnh nhân. Con đường đến với nghề thầy thuốc, thích khám phá tác dụng chữa bệnh của những cây thuốc Nam lớn lên theo năm tháng. Đa số những phương thuốc, cách chữa bệnh của ông đều bị ảnh hưởng và sự truyền dạy từ người cha hết lòng với người bệnh, lấy nghiệp chữa bệnh làm niềm vui sống.
Chia sẻ về nghiệp chữa bệnh cứu người, lương y Quang cho biết: “Cha tôi là người có ảnh hưởng rất lớn với tôi. Ông chính là tấm gương, là kim chỉ nam trong mọi hành động tìm ra phương thuốc chữa bệnh của tôi sau này. Từ nhỏ, tôi đã theo cha đi chữa bệnh cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, giàu nghèo đều có. Cha truyền dạy cho tôi những gì mà ông ấy biết, từ những phương thuốc chữa bệnh đến các phương pháp chữa bệnh, phong thái của một vị lương y. Đặc biệt, tôi học được từ cha mình tính tự học, độc lập trong công việc. Khi học hết nghề của cha, tôi bắt đầu đi tìm tòi học tập và nghiên cứu thêm về những bài thuốc Nam từ người dân, bạn bè hay từ những cuốn sách y cổ”.
Trao đổi với chúng tôi về bài thuốc trị căn bệnh “thời đại” tiểu đường bằng trái cau kiểng, vị lương y giãi bày: “Cũng là cái duyên thôi chú à! Cách đây hơn ba năm, trong một lần đi chợ gần nhà, tôi gặp lại một người phụ nữ mà tôi đã từng được gặp và nói chuyện trong một lần đi chùa, tôi được bà ấy “chỉ điểm” và truyền dạy cho phương thuốc chữa bệnh đái tháo đường bằng trái cau kiểng”. Theo lời truyền dạy của người phụ nữ đó thì trái cau kiểng và trái cóc, lấy mỗi thứ bảy trái cho nam và chín trái cho nữ đem nấu nước cho người bệnh uống. Uống ngày ba lần hoặc uống thay thế nước sạch hằng ngày sẽ thấy bớt bệnh.
Ban đầu, mới nghe qua phương thuốc, lương y Quang chưa hẳn tin. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp điều trị cho một bệnh nhân bằng bài thuốc trái cau kiểng và trái cóc, lương y Quang mới dám tin. Vị lương y nhớ lại: “Theo như lời của người bệnh ấy thì bệnh nhân đã đi điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không khả quan. Tôi hướng dẫn người bệnh tránh những món ăn có nhiều chất đạm, đường, thường xuyên tập thể dục để tiết mồ hôi điều hòa cơ thể song song với việc cho dùng nước sắc trái cau kiểng và trái cóc. Sau gần một tháng, tình trạng bệnh đã khả quan hơn và tiếp tục dùng thêm được vài tuần nữa thì căn bệnh tiểu đường khỏi hẳn”.
Chữa được nhiều căn bệnh “khó nói” của phụ nữ
Sau đó, bài thuốc chữa bệnh tiểu đường được lương y Quang đưa vào sử dụng nhiều hơn. Vị lương y đem bài thuốc này đi “giao lưu” với bạn bè để cùng nghiên cứu tìm hiểu thêm về tác dụng chữa bệnh. Từ đó, bài thuốc được nhiều người biết đến, hễ ai tới tìm, ông đều chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình. Lương y Quang tâm sự: “Bài thuốc ấy là bài thuốc dân gian, tôi được người lạ chỉ dạy thì bây giờ bài thuốc ấy cũng sẽ được tôi truyền đi nhiều nơi khác giống như cái duyên. Phần vì các dược liệu thành phần dễ tìm thấy, dễ sơ chế chứ không cần phải đi đâu xa, không phải quá tốn kém…”.
Sinh ra và lớn lên trong cái đói cái khổ nên lương y Quang hiểu rõ được điều khổ tâm của những người nghèo khó, không có tiền chữa bệnh. Bằng niềm đam mê cây thuốc, niềm đam mê được chữa bệnh cho mọi người, đã hơn 40 năm, lương y Quang đã sử dụng vốn kinh nghiệm quý của cha mình, rồi tự tìm tòi học hỏi, nghiên cứu thêm những bài thuốc giá rẻ chữa bệnh cho nhiều người. Đến nay, gia tài của vị lương y già ngoài những bài thuốc gia truyền còn có nhiều phương thuốc mới chữa được nhiều căn bệnh “khó nói” cho chị em phụ nữ. Với lợi thế là người gốc Hoa, ông cũng biết khá rành rọt về chữ Hán nên có nhiều thuận lợi trong việc đi tìm những phương thuốc trong những thư tịch cổ. Rồi từ đó, ông tiếp thu tinh hoa của hai nền y học từ những phương thuốc, cây thuốc Trung Hoa đến những cách chữa trị của người Việt Nam.
Thương thân phụ nữ, suốt ngày loay hoay trong nhà lo tề gia nội trợ, ít đi ra ngoài giao thiệp như đàn ông, công việc bếp núc rồi lo toan cho chồng con khiến họ không còn thời gian chú ý đến sức khỏe của bản thân mình, vị lương y này đã nghiên cứu tìm tòi học hỏi nhiều bài thuốc liên quan tới các bệnh thường gặp của người phụ nữ. Lương y Quang chậm rãi giảng giải: “Điều đặc biệt ở người phụ nữ vì tâm sinh lý của họ khá yếu nên giới nữ hay mang trong mình những căn bệnh khó nói thường gặp, nhưng cũng không kém nguy hiểm tới sức khỏe. Và một trong số đó là căn bệnh huyết trắng”.
Trên tay cầm cuốn sách y học cổ, lương y Quang cho biết: “Bệnh huyết trắng (hay còn gọi theo y học cổ là bệnh bách đái) là chứng bệnh khá phổ biến, hay gặp ở phụ nữ. Bệnh dễ gây biến chứng, gây nên nhiều căn bệnh phụ khoa khác, thậm chí gây ra ung thư tử cung. Căn nguyên của bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chị em phụ nữ ăn nhiều thức ăn cay, nóng… Bệnh có triệu chứng như cơ thể nóng bức, nhiệt tích tụ trong âm đạo gây nên viêm nhiễm, từ đó dẫn tới hiện tượng tiểu tiện ra nhiều chất dịch màu trắng, chất màu trắng ấy chính là phần khí hư tổn được đào thải ra phía ngoài…”.
Với chứng bệnh trên, lương y Quang cho hay “tứ quân” bao gồm: Đẳng sâm, phục linh, bạch truật và cam thảo kết hợp với vỏ quýt. Phương thức sử dụng thuốc khá đơn giản, chỉ cần đem sắc lấy nước uống theo công thức sắc ba chén nước còn lại một chén, lần sắc tiếp theo chỉ đổ vào hai chén cạn còn 8 phân. Tác dụng sẽ giúp bổ khí kiện tỳ, tức phục hồi khí từ bên trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Người bệnh kiên trì uống thuốc bệnh sẽ thuyên giảm và dứt hẳn tùy vào tình trạng của bệnh.
Qua những tháng năm lao động miệt mài, không ngừng trau dồi về kỹ năng nghề nghiệp và y đức. Lương y Quang đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân. Đặc biệt, với bài thuốc dùng quả cau kiểng chữa bệnh tiểu đường, ông đã chữa miễn phí cho rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn.
Nhiều thảo dược trong dân gian chữa bệnh cực kỳ hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, lương y Quang chia sẻ thêm: “Trong dân gian có vô số thảo dược chứa công dụng trị bệnh cực kỳ hiệu quả. Ví dụ cách dùng lá cây bìm bìm để thông mũi. Theo đó, hái lá cây tươi đem giã nhuyễn, trộn thêm ít muối sống rồi vắt lấy nước nhỏ vào mũi, mỗi lần nhỏ chừng vài giọt”. Ngoài ra, với những thành tích hơn 40 năm trong nghề bốc thuốc, khám chữa bệnh, mới đây lương y Hứa Hiền Quang nhận được tấm bằng khen kỷ niệm chương vì sự nghiệp đông y của hội Đông y Việt Nam.
Theo: Congly.vn