PGS.TS Lê Văn Truyền: Thuốc Việt phù hợp với người Việt

28/10/2022

(GDVN) – Con đường thuốc Việt do Bộ Y tế triển khai được coi là chương trình truyền thông lớn nhất của ngành dược trong hàng chục năm qua.

Điểm nhấn của chương trình là giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt vinh danh các DN, sản phẩm thuốc Việt. Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ y tế, Chủ tịch Hội đồng bình chọn giải thưởng cho rằng: Chương trình sẽ thay đổi cơ bản thói quen của người tiêu dùng…

– Thưa ông, được biết Bộ Y tế vừa hoàn tất quá trình xét duyệt và lựa chọn được 62 sản phẩm thuốc để vinh danh Ngôi sao thuốc Việt. Qua quá trình xét chọn, ông thấy những sản phẩm tham gia chương trình có điểm gì nổi bật?

PGS.TS Lê Văn Truyền.

PGS.TS Lê Văn Truyền: Các sản phẩm thuốc tham gia chương trình đều được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hợp pháp, được sản xuất tại nhà máy sản xuất thuốc tại Việt Nam và đáp ứng một số yêu cầu, như: sản phẩm thuốc có thời gian lưu hành và phát triển lâu dài, có chứng minh tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng.

Xét về mặt tác dụng và hiệu quả điều trị các sản phẩm này hoàn toàn có khả năng thay thế các thuốc nước ngoài cùng loại; Sản phẩm thuốc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, bảo quản, phân phối và kinh doanh dược phẩm theo các tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs); Sản phẩm thuốc đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty sở hữu, đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm của DN.

– Con đường thuốc Việt là chương trình truyền thông lớn của Bộ Y tế, có sự tham gia của nhiều ban, ngành khác nhau. Ngay bản thân những thành viên trong Hội đồng bình chọn giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt cũng đều là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Với vai trò là Chủ tịch hội đồng, ông có chịu áp lực khi phải “điều hành” một đội ngũ những khoa học lớn?

PGS.TS Lê Văn Truyền: Quá trình bình chọn DN hay sản phẩm đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”, Hội đồng bình chọn đã nghiêm túc thực hiện quy chế bình chọn trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá đã được xây dựng một cách khách quan, khoa học và được Bộ Y tế ban hành. Mỗi người đều có những chuyên môn, sở trường khác nhau, bổ trợ cho nhau để có cách nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng.

Quá trình bình chọn đã được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc khách quan, khoa học. Không riêng gì tôi mà các thành viên của Hội đồnng bình chọn đều cảm thấy thoải mái và không chịu bất kỳ sức ép nào mỗi khi đưa ra quyết định của mình.

– Theo nhìn nhận của tôi, một cuộc bình chọn giải thưởng có vẻ cũng giống như những cuộc thi khác, có chăng là cách thức và tỉ lệ “chọi” có sự khác nhau. Ông thấy điều này có đúng không?

PGS.TS Lê Văn Truyền: Hiện nay có quá nhiều “giải thưởng” và quá nhiều cuộc thi làm cho giá trị giá trị của nhiều giải thưởng có phần bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, “Ngôi sao thuốc Việt” là danh hiệu do một cơ quan quản lý nhà nước bình chọn, cụ thể là Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược.

Mặt khác, với đặc thù của dược phẩm là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên quá trình bình chọn một sản phẩm dược hay một DN dược phải dựa trên các tiêu chí có cơ sở khoa học. Ngoài ra, những tiêu chí khác cũng rất đặc thù và quan trọng khi xét giải thưởng nàyt, đó là sản phẩm/DN đó có được người tiêu dùng tin cậy hay không; tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm đó đến đâu…

Chúng ta đang vinh danh một sản phẩm thuốc Việt, vì vậy sản phẩm của anh gửi tới dự thi phải có “hàm lượng” Việt trong đó, bao gồm cả hàm lượng vật chất (nguyên liệu, công nghệ…) và hàm lượng khoa học, hàm lượng tri thức.

– Như ông nói thì quả thực một sản phẩm dược hay một DN dược sẽ rất khó để đạt được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt bởi các tiêu chí đều rất chặt chẽ. Vậy một khi đạt được giải thưởng này, theo ông DN dược sẽ được hưởng lợi những gì?

PGS.TS Lê Văn Truyền: Bộ tiêu chí bình chọn càng chặt chẽ và quá trình bình chọn càng nghiêm túc bao nhiêu thì uy tín của giải thưởng càng lớn bấy nhiêu. Từ đó, DN và sản phẩm được vinh danh càng được tin cậy.

Ngay từ đầu chúng tôi đã thống nhất quan điểm, dược phẩm là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người nên không cho phép bình chọn một cách dễ dãi, bởi như thế là coi thường sức khỏe người dân và lương tâm những người làm ngành y chúng tôi không cho phép. Vì vậy, giải thưởng này càng cần phải uy tín.

DN nào đạt được giải thưởng là một lần khẳng định rằng, họ có sản phẩm tốt, uy tín. Đây chính là “giấy chứng nhận” để thầy thuốc, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Lòng tin của giới y khoa và người tiêu dùng/người bệnh là phần thưởng vô giá cho các nhà sản xuất dược phẩm và sản phẩm của họ.

– Đúng như ông nói, với tư cách người tiêu dùng, nếu tôi thấy sản phẩm thuốc có “giấy chứng nhận” tôi sẽ yên tâm để sử dụng. Vậy còn với ngành dược thì sao, liệu tỉ lệ sử dụng thuốc nội so với thuốc ngoại tại các tại các cơ sở y tế có tăng lên không, thưa ông?

PGS.TS Lê Văn Truyền: Đây đúng là một vấn đề lớn, không thể trả lời ngay được là tăng bao nhiêu phần trăm và khi nào thì tăng. Vấn đề tăng cường sử dụng thuốc nội trong các cơ sở điều trị không chỉ phụ thuộc vào một chương trình vinh danh hoặc truyền thông mà cần phải có một “gói giải pháp tổng hợp”, kể cả về luật pháp, quy chế và tài chính. Nhưng có thể khẳng định rằng, việc triển khai tổng thể một chương trình lớn như

Con đường thuốc Việt chắc chắn sẽ tác động để thay đổi dần nhận thức của thầy thuốc và người dân về vai trò, ưu thế của thuốc Việt. Bản thân những y bác sỹ tại các cơ sở y tế cũng sẽ có cách nhìn nhận khác về thuốc Việt mỗi khi kê đơn cho bệnh nhân của mình.
Rõ ràng, để thay đổi nhận thức rồi thay đổi hành vi cần phải có một quá trình lâu dài. Vì thế, việc triển khai chương trình Con đường thuốc Việt cần duy trì thường xuyên cũng như cần sự vào cuộc của nhiều cấp và ban ngành khác nhau.

Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì khi đó chúng ta mới có được kết quả như mong đợi.

– Xin hỏi ông một câu hỏi cuối. Có nhiều ý kiến cho rằng công nghệ sản xuất dược phẩm hiện nay của chúng ta còn lạc hậu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Lê Văn Truyền: So với các nước có nền dược phẩm phát triển thì đúng là chúng ta còn lạc hậu, đặc biệt là đối với các nước có khả năng phát minh, sáng chế và sản xuất nguyên liệu dược. Tuy nhiên, nếu xem xét về công nghiệp bào chế dược phẩm thì trong hai thập kỷ qua kể từ khi “mở cửa và hội nhập”, công nghiệp dược VN đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất lượng.

Ví dụ như công nghiệp bào chế trong nước đã sản xuất được tất cả các dạng “bào chế quy ước”. Ngoài ra, chúng ta cũng đã sản xuất được một số dạng bào chế hiện đại như thuốc có tác dụng tại đích, thuốc tác dụng kéo dài, hệ điều trị qua da, thuốc tiêm bột sản xuất theo công nghệ bào chế vô khuẩn…Trong khi đó, một số nhà máy hàng đầu đã được công nhận đáp ứng yêu cầu “Thực hành sản xuất thuốc tốt” của các nước phát triển (PIC-GMP)…

Tôi tin rằng, với quyết tâm của các DN dược hiện nay, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bộ Y tế trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành dược phát triển thì cùng với việc VN trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào cuối thập kỷ 20 thì công nghiệp dược của chúng ta cũng sẽ đạt được mục tiêu như Chiến lược phát triển ngành dược đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Xin cảm ơn ông!

Nga Nhi (thực hiện)

Theo: Giaoduc.net.vn