GS-VS Phạm Song – Ngã xuống như một chiến sĩ ngoài mặt trận
(TT&VH) – “Giáo sư Phạm Song đã ra đi ngay tại một hội nghị về y tế, khi ông vừa hoàn thành bài phát biểu của mình, ông đã ngã xuống như một chiến sĩ ngoài mặt trận – mặt trận chiến đấu vì sức khỏe toàn dân” – BS Hòa Minh Tân đã xúc động viết như vậy về Giáo sư – Viện sĩ Phạm Song khi hay tin ông từ trần hôm 8/11.
TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết của BS Hòa Minh Tân (Đầu bài do TT&VH đặt).
1. Lần đầu tiên, tôi được gặp GS-VS Phạm Song trong một văn phòng khiêm tốn trên phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, đó là năm 2004, khi ấy ông đang là Chủ tịch Hội Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình. Tuy chưa hề biết mặt tôi, nhưng ngay khi tôi bước vào, ông đã vồn vã đón tiếp như thể chờ sẵn và hỏi ngay tôi đến vì một việc đã có hẹn trước. Dường như tính chính xác của ông đã được rèn luyện công phu từ rất lâu.
Đó là ấn tượng ông để lại trong tôi thật là đậm nét. Công việc và cuộc sống đổi thay bất ngờ, khó tiên liệu, run rủi sao, đến năm 2006 tôi trở lại gặp GS khi ông là Chủ tịch Tổng hội Y học (THYH) Việt Nam và từ đó đến tận ngày ông ra đi vào cõi vĩnh hằng, là khoảng thời gian tôi đã được làm việc và gần gũi bên ông.
Là một thầy thuốc trưởng thành từ thực tế lâm sàng, rồi trở thành nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu ngành y, ở trong ông là sự kết tinh của đời sống thực tại, triết lý khoa học và tầm nhìn mang tính định hướng. Ở trong ông là những chặng đường làm việc tiếp nối không ngừng nghỉ, dường như mỗi một cương vị, khi chưa chấm dứt công việc cũ ông đã bắt tay ngay vào công việc mới, dường như nếu có một ngày không làm việc, đối với ông có lẽ là một ngày chết.
Với cương vị là Chủ tịch THYH Việt Nam, ông là người ủng hộ mạnh mẽ, dứt khoát việc bắc một nhịp cầu giữa bến hàn lâm y học và bờ bãi bên kia là đời sống, là nhân sinh. Không có điều kiện trực tiếp làm công tác cộng đồng, nhưng chính ông đã thẳng thắn phát biểu, bất cứ hoạt động nào liên quan đến phục vụ cộng đồng, mang lại lợi ích cho cộng đồng ông đều hết mình nâng đỡ và ủng hộ.
GS Phạm Song luôn nhiệt tình truyền đạt kiến thức y học tới các đồng nghiệp trẻ và người bện
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch THYH Việt Nam, ông đã đưa cơ quan THYH gần gũi với đời sống, được xã hội biết đến nhiều hơn, cho dù như ông đã từng nói đại ý rằng “nếu không muốn mắc sai lầm, xin cứ làm thần thánh hoặc ở trong bụng mẹ”. Chính vì lẽ đó, bất kỳ một sự kiện nào tại cộng đồng, nhất là tại học đường, khi được mời, GS đều vui vẻ, nhiệt tình nhận lời, không bao giờ sai hẹn và lúc nào ông cũng đến sớm 10 phút, đặc biệt không bao giờ ông ra về trước khi sự kiện kết thúc, ông nói, đó là phép lịch sự tối thiểu, thể hiện sự tôn trọng với mọi người.
Sự xuất hiện của ông cùng những lời chỉ dẫn súc tích, bằng ngôn ngữ giản dị, tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn, hòa đồng, ông luôn mang đến cho người nghe sự phấn khích tự nhiên. Trong rất nhiều trường hợp, ông đã phải đóng vai hoạt náo viên khuấy động không khí trầm lặng vốn có của những cuộc mang tính nghi lễ, hội họp.
2. Cũng trong khóa Chủ tịch của mình, khi tôi hỏi tâm nguyện của GS là gì trong nhiệm kỳ này? Ông trả lời ngay như đã thường trực sẵn trong đầu, đó là GS Phạm Song luôn nhiệt tình truyền đạt kiến thức y học với các đồng nghiệp trẻ và người bệnhcùng các GS của THYH hoàn thành cuốn từ điển bách khoa y học, xây dựng một tờ báo của THYH mà nhiều đời chủ tịch mong ước vẫn chưa thành hiện thực và bên cạnh đó sẽ hoàn thành một số cuốn sách còn dang dở. Khi viết những dòng này, vẫn hiển hiện rõ nét trong tôi hình ảnh ông với căn phòng làm việc ở ngôi nhà 68A Bà Triệu và tại tư gia với ngổn ngang, bộn bề sách vở, rất nhiều cuốn trong số đó, với văn hóa đọc đang suy giảm đáng sợ như ngày nay, chỉ nhìn vào có lẽ chúng ta đã phát hoảng bởi độ dày của nó.
Làm Chủ tịch THYH trọn một khóa, vừa hết nhiệm kỳ, GS đã lại lao ngay vào công việc vốn như cái nghiệp buộc vào thân, đó là lĩnh vực truyền nhiễm. Ông được xem là người đặt nền móng cho ngành lâm sàng các bệnh nhiệt đới Việt Nam, cùng với đó là những trăn trở khôn nguôi về công tác tổ chức y tế, ông cũng là người khởi xướng và đau đáu với chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, suy tư về y tế công – tư lẫn lộn, ông thường quan niệm, y tế công cần đáp ứng nhu cầu đại chúng, y tế tư nhân giải quyết nhu cầu điều trị kỹ thuật cao, một khi chưa tách bạch được điều đó, theo ông sự quá tải bệnh viện và nạn phong bì bệnh viện vẫn là bài toán nan giải chưa có hồi kết.
GS Phạm Song đã ra đi ngay tại một hội nghị về y tế, khi ông vừa hoàn thành bài phát biểu của mình, không kịp chia tay, nhắn gửi một lời với đồng nghiệp, không kịp một lời trối trăng với thân quyến, ông đã ngã xuống như một chiến sĩ ngoài mặt trận – mặt trận chiến đấu vì sức khỏe toàn dân. Tôi biết, một phần tâm nguyện của ông còn để lại.
Giờ này, GS Phạm Song đã về cõi vĩnh hằng, trở thành người thiên cổ, mai đây, nắng và gió nơi nghĩa trang sẽ trải, sẽ thổi ngàn thu, ru ông, đưa ông đi tiếp vào cõi hư không, cõi tận cùng của kiếp người. Cho dù, tâm nguyện nơi trần thế của ông chưa trọn, tôi tin và cầu chúc cho ông thảnh thơi, yên nghỉ.
“Nhà kiến thiết” ngành lâm sàng nhiệt đới
GS-VS Phạm Song là nhà kiến thiết, xây dựng ngành lâm sàng nhiệt đới Việt Nam. Ông sinh năm 1931 tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1982 ông làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm – Trường Đại học Y Hà Nội.
Từ năm 1988 đến 1992, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước khi mất, ông giữ chức Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.
Ông đã vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Năm 2000, ông là viện sĩ Viện hàm lâm Y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng.
BS Hòa Minh Ân
Theo: Thethaovanhoa.vn