Cây Thiên Ma: Tác Dụng, Cách Dùng Chữa Bệnh và Lưu Ý

27/12/2022

Cây thiên ma là dược liệu quý với đặc điểm thực vật kỳ lạ, cây không có chất diệp lục. Dược liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, vị ngọt, tính ôn, được dùng điều trị các vấn đề về đau nhức xương khớp, đau thần kinh, suy nhược,…

Cây thiên ma là gì?

Cây thiên ma mọc hoang ở một số nơi nhất định, do đó độ phổ biến của dược liệu không rộng rãi như các loại dược liệu khác. Thông tin về cây thiên ma như sau:

Cây thiên ma được dùng làm thuốc chữa trị các vấn đề liên quan đến đau nhức xương khớp, dây thần kinh,…

  • Tên gọi: Cây thiên ma.
  • Tên gọi khác: Cây xích tiễn, minh thiên ma, định phong thảo, thần thảo, hợp ly thiên ma, vô phong tự động minh thảo, chân thiên ma,…
  • Tên khoa học: Rhizoma Gastrodiae.
  • Họ: Lan (Orchidaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thiên ma là loài thực vật kỳ lạ và đặc biệt, chúng chỉ sống được khi có sự xuất hiện của nấm mật vòng. Khi cây khỏe mạnh sẽ tiết ra một loại enzyme giúp phân hủy nấm, từ đó chúng sẽ lấy dinh dưỡng trong nấm để sống. Khi cây già yếu, nấm sẽ tiêu hủy ngược lại dược liệu.

Cây thiên ma có đặc điểm thực vật dễ dàng nhận biết, cụ thể:

  • Cây thiên ma là loại cây thân thảo, không chứa chất diệp lục. Do đó, toàn thân cây thường có mày vàng đỏ, mọc thẳng đứng chỉ lên trời như hình mũi tên.
  • Cây dược liệu có lá nhỏ, hình vảy cá bám dính vào thân cây.
  • Dược liệu có rễ củ hình bầu dọc, mặt bên ngoài có màu trắng hoặc vàng nhạt, nâu hơi vàng.

Phân bố

Cây có xuất xứ từ Trung Quốc, ngoài ra bạn cũng có thể tìm thấy chúng tại một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,… Ở nước ta, cây thiên ma phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chẳng hạn như Lạng Sơn, Hòa Bình,…

Hiện nay với nhu cầu khai thác sử dụng dược liệu chữa bệnh ngày càng rộng rãi, nhiều nơi đã tiến hành nuôi trồng cây thiên ma tại các vườn dược liệu hoặc các hộ gia đình.

Bộ phận dùng

Sử dụng phần rễ củ của dược liệu làm thuốc, bởi phần củ chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe.

Sử dụng phần rễ củ cây thiên ma làm thuốc chữa bệnh

Thu hoạch và chế biến

Thời gian thu hoạch củ thiên ma tốt nhất là vào mùa đông hoặc mùa xuân hàng năm. Sau khi thu hái, phần củ được mang đi rửa sạch, bỏ vỏ rồi luộc hoặc hầm, nướng chín. Tiếp đến thảo dược được thái mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô hoàn toàn.

Bên cạnh cách chế biến trên, nhiều người còn dùng dược liệu tán thành bột mịn hoặc nấu cao để dùng dần. Tùy vào mục đích của người dùng, thiên ma sẽ được sơ chế để sử dụng và bảo quản dùng lâu hơn.

Bảo quản

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, ẩm mốc hoặc côn trùng gây hư hỏng.

Thành phần hóa học

Củ dược liệu chứa các thành phần hóa học có thể kể đến như vitamin A, vannillyl, vanillin, gastrodin, cồn, gastrodioside, alkaloid,…

Tính vị và quy kinh

Tính ôn, vị ngọt.

Quy vào kinh Can.

Tác dụng của củ thiên ma

Củ thiên ma là dược liệu được dùng trong điều trị nhiều bệnh lý, từ lâu đời đã được khai thác, sử dụng. Dược liệu mang lại giá trị trong y học cổ truyền và cả y học hiện đại. Cụ thể:

Dược liệu mang lại giá trị trong y học cổ truyền lẫn y học hiện đại

Theo Y học cổ truyền: Nhiều bài thuốc và công dụng của cây thiên ma được ghi chép. Trong đó, theo sách Thần Nông Bản Thảo, dược liệu có tính ôn, vị ngọt và quy vào kinh Can. Do đó, cây thiên ma giúp:

  • Tức phong chỉ kinh chữa trị chứng mắt hoặc miệng méo, lệch, co giật do phong nội động.
  • Bình can tiềm dương, trị choáng đau đầu, chống mặt do can dương thương cang.
  • Trừ phong chỉ thống, trị chứng tê liệt chân tay, đau nhức cơ thể do phong thấp,…

Theo Y học hiện đại: Hiện nay các nghiên cứu về dược liệu này vẫn chưa được phổ biến như một số loại dược liệu khác. Tuy nhiên, đã có nhiều thực nghiệm cho thấy các lợi ích từ cây thiên ma đối với sức khỏe con người. Cụ thể:

  • Các hoạt chất có trong thảo dược có tác dụng hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, kháng viêm, chống khuẩn.
  • Dược chất giúp người bệnh ngủ ngon giấc hơn, hạn chế nguy cơ co giật, căng thẳng, mệt mỏi cơ thể.
  • Kích thích máu huyết lưu thông đến não bộ, hệ tim mạch và các chi, giúp giảm huyết áp, ổn định nhịp tim.
  • Tăng cường đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch phòng ngừa các bệnh lý gây hại sức khỏe.

Liều dùn g và cách dùng củ thiên ma

Sử dụng dược liệu ở dạng sắc hoặc tán bột. Liều dùng dạng sắc nước uống từ 3g – 10g, đối với dạng bột từ 1g – 1,5g mỗi ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên ma

Tùy vào mục đích của người bệnh có thể sử dụng củ thiên ma làm thuốc dưới dạng sắc hay thuốc bột. Người dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng dược liệu để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên ma, bạn đọc có thể tham khảo:

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên ma

– Bài thuốc chữa đau khớp, tê bại

Dùng cho đối tượng bị đau nhức xương khớp, tê bì tay chân do phong hàn thấp, có hai cách sử dụng như sau:

Cách 1:

  • Chuẩn bị: 12g mỗi vị gồm củ thiên ma, ngưu tất, 6g nhũ hương và 4g bọ cạp.
  • Thực hiện: Nguyên liệu rửa phơi hoặc sấy khô, sau đó tán thành bột mịn. Trộn với hồ rồi tiến hành vò thành viên hoàn, mỗi ngày uống đều đặn giúp giảm đau mỏi hiệu quả. Bên cạnh cách này bạn cũng có thể sắc thang thuốc lấy nước uống.

Cách 2:

  • Chuẩn bị: 12g mỗi vị gòm thiên ma, đỗ trọng, tỳ giải, phụ tử, thêm ngưu tất, đương quy và sinh địa, nấu với 16g huyền sâm.
  • Thực hiện: Nguyên liệu sau khi tán thành bột trộn cùng với mật ong để dễ vo viên. Dùng mỗi ngày 8g uống cùng với nước ấm, thực hiện đều đặn ngày 3 lần giúp giảm tình trạng đau mỏi xương khớp, tê bì chân tay.

– Bài thuốc chữa can phong bốc lên gây đau đầu

Tương tự như bài thuốc kể trên, bài thuốc này bạn cũng có 2 cách kết hợp. Tham khảo như sau:

Cách 1:

  • Chuẩn bị: 20g thiên ma, 6g xuyên khung.
  • Thực hiện: Dược liệu nghiền thành bột, sau đó vo thành viên hoàn. Dùng mỗi lần từ 4g – 8g, uống đều đặn mỗi ngày 3 lần.

Cách 2:

  • Chuẩn bị: 12g mỗi vị thiên ma, bán hạ, bạch truật, 8g quất hồng, 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch sau đó sắc lấy nước uống. Lọc bỏ bã, chắt lấy nước thuốc uống mỗi ngày 1 thang đến khi các triệu chứng thuyên giảm hẳn.

– Bài thuốc chữa uốn ván

  • Chuẩn bị: Thiên ma, phòng phong, bạch phụ chế, khương hoạt, nam tinh tế mỗi vị với liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Nguyên liệu tán thành bột mịn, sau đó trộn đều bảo quản. Mỗi lần dùng khoảng 4g – 8g dược liệu hòa với nước ấm uống, hoặc có thể uống với rượu trắng. Kiên trì sử dụng mỗi ngày 2 – 3 lần để cải thiện tình trạng bệnh.

– Bài thuốc trần bì ẩm:

Dùng cho đối tượng bị choáng, đau đầu, ù tai, bồn chồn, mất ngủ.

  • Chuẩn bị: 10g củ thiên ma, 6g trần bì, 15g phục linh.
  • Thực hiện: Thang thuốc rửa sạch rồi sắc lấy nước uống. Có thể thêm một ít đừng trắng để uống dễ hơn, chia nước thuốc thành 2 lần uống hết trong ngày, không để thuốc qua đêm.

Cách ngâm rượu củ thiên ma

Ngoài các bài thuốc từ bột hoặc nước sắc củ thiên ma chữa bệnh, nhiều người còn sử dụng dược liệu ngâm rượu để điều trị phong thấp, tê bì, đau mỏi xương khớp, tay chân. Cách ngâm rượu đơn giản như sau:

Dùng củ thiên ma ngâm rượu bảo quản dùng dần, có tác dụng trị nhức xương khớp hữu hiệu

Chuẩn bị: 100g củ thiên ma, 500ml rượu trắng.

Thực hiện:

  • Trước tiên bạn cần ngâm rửa củ thiên ma cho hoàn toàn loại bỏ đất cát.
  • Sau đó cắt lát mỏng, cho dược liệu vào trong lọ thủy tinh.
  • Đổ rượu vào tiến hành ủ rượu trong 7 – 10 ngày, đặt bình rượu nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Khi dùng, người bệnh lấy khoảng 30ml nước, uống trong bữa ăn để giảm đau mỏi.

Không nên lạm dụng, chỉ dùng rượu với liều lượng được khuyến cáo. Trường hợp uống quá nhiều có thể dẫn đến loét dạ dày và các vấn đề về gan, thận.

Lưu ý khi dùng cây thiên ma chữa bệnh

Cây thiên ma được thu hái để làm thuốc chữa trị các vấn đề đau mỏi xương khớp ngày càng phổ biến. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách, áp dụng không đúng bài thuốc có thể phát sinh các tác dụng phụ cho cơ thể. Trong đó có thể kể đến một số trường hợp bị chuột rút, giảm cân nhanh, chảy máu âm đạo, đau bao tử,…

Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng, sử dụng theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn sức khỏe

Do đó, người bệnh được khuyến cáo thăm khám và nhờ bác sĩ, thầy thuốc tư vấn trước khi sử dụng thiên ma điều trị bệnh tại nhà. Ngoài ra, một số lưu ý khác bạn đọc nên cân nhắc:

  • Không sử dụng thiên ma cho đối tượng phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Không dùng cho đối tượng bị thiếu đạm, đang mắc bệnh ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, bệnh buồng trứng hoặc mới trải qua cấy ghép thận.
  • Củ thiên ma có thể gây ra một số tương tác thuốc, nhất là khi tiếp xúc với atorvastatin, gây ngộ độc với erythromycin, carbamazepine,… Do đó người dùng tuyệt đối không tự ý kết hợp thuốc bừa bãi để tránh gặp phải các rủi ro không mong muốn.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Không nên lạm dụng, chỉ sử dụng bài thuốc với liều dùng phù hợp.
  • Tùy cơ địa của mỗi người mà hiệu quả bài thuốc sẽ nhanh hay chậm, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì áp dụng trong thời gian nhất định. Tuy nhiên trường hợp bệnh nặng, người bệnh nên điều trị bằng biện pháp chuyên sâu hơn theo hướng dẫn của bác sĩ, giảm thiểu rủi ro không mong muốn.
  • Kết hợp sử dụng dược liệu với điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống sao cho phù hợp hơn. Kiêng ăn những món có nguy cơ gây dị ứng, đồng thời bổ sung cho cơ thể đẩy đủ dưỡng chất thiết yếu. Ngủ đủ giấc, xây dựng thói quen lành mạnh, loại bỏ các thói quen gây ảnh hưởng sức khỏe.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về cây thiên ma, một loại dược liệu có đặc điểm kỳ lạ, mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, trước khi dùn bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, thầy thuốc. Tránh tình trạng tự ý dùng hoặc kết hợp bừa bãi có nguy cơ phát sinh tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe.

 Bùi Ái Nhân

Theo: Vienyduocdantoc.org.vn