Đừng bao giờ chủ quan với hạ đường huyết ở người bình thường
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường glucose trong máu xuống quá thấp, dưới 70 mg/dL (hoặc 3,9 mmol/dL). Tình trạng này rất hay gặp ở người tiểu đường nếu sử dụng thuốc, ăn uống hoặc tập thể dục không phù hợp. Tuy nhiên, hạ đường huyết ở người bình thường vẫn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dù đường huyết sẽ nhanh chóng cải thiện khi ăn uống đồ có nhiều đường, nhưng nếu không xử lý kịp hoặc để hạ đường huyết lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn có thể gặp nguy hiểm.
Hạ đường huyết ở người bình thường là do đâu?
Có hai loại hạ đường huyết ở người bình thường là:
- Hạ đường huyết phản ứng: thường xảy ra trong vòng 2 – 4 giờ sau khi ăn
- Hạ đường huyết lúc đói: thường xảy ra sau khi nhịn ăn từ 8 giờ trở lên.
Cụ thể về nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bình thường theo từng loại như sau:
Nguyên nhân hạ đường huyết phản ứng
- Bệnh hyperinsulinism, hay còn gọi là tăng tiết insulin thường xảy ra ở trẻ sơ sinh.
- Bữa ăn giàu tinh bột trắng (tinh bột đã qua tinh chế) như cơm trắng, bánh mì trắng,… hoặc thực phẩm chứa quá nhiều đường. Chúng khiến đường tăng cao trong máu nhưng sẽ nhanh chóng giảm xuống.
- Bị tiền tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, dẫn đến cơ thể khó tạo ra lượng insulin phù hợp để sử dụng glucose
- Người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, làm thức ăn đi quá nhanh vào ruột non
- Thiếu hụt enzyme khiến cơ thể khó phân hủy thức ăn để hấp thu vào cơ thể, tạo thành glucose
Nguyên nhân hạ đường huyết ở người bình thường lúc đói
Người bình thường có thể gặp tình trạng này do bị bỏ đói quá lâu, khiến cho lượng glucose trong máu tụt xuống. Những người giảm cân bị hạ đường huyết lúc đói rất thường xuyên. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân sau đây:
- Thuốc: gồm salicylat (ví dụ aspirin), thuốc kháng sinh sulfa, pentamidine điều trị viêm phổi nặng, quinine điều trị sốt rét… hay một số loại thảo dược như cỏ ca ri, nhân sâm hoặc quế.
- Rượu: đặc biệt khi uống quá chén.
- Tập thể dục, làm việc hoặc vận động quá mức.
- Dinh dưỡng: thường xuyên bỏ bữa, dinh dưỡng kém.
- Bệnh nghiêm trọng: nhiễm trùng huyết; suy các cơ quan như gan, tim hoặc thận; chạy thận nhân tạo.
- Nồng độ một số hormone thấp: cortisol, hormone tăng trưởng, glucagon hoặc epinephrine.
- Khối u: gồm khối u trong tuyến tụy tạo ra insulin hoặc khối u khác cũng tạo ra hormone tương tự như insulin, gọi là IGF-II.
- Bệnh khác: rối loạn tế bào beta đảo tụy sản xuất insulin, tình trạng tự miễn insulin…
Triệu chứng hạ đường huyết ở người bình thường
Cũng giống như người bị tiểu đường, hạ đường huyết gây triệu chứng tương tự cho người bình thường, như:
- Nhẹ: đói, buồn nôn, bồn chồn, lo lắng, tim đập nhanh, vã mồ hôi, nổi da gà.
- Trung bình: nóng nảy, lo lắng, sợ hãi hoặc bối rối, mắt nhìn mờ, mất thăng bằng và không thể đi lại.
- Nghiêm trọng: bất tỉnh, co giật, thậm chí hôn mê và tử vong.
Nếu hạ đường huyết xảy ra trong đêm, bạn có thể đổ nhiều mồ hôi tới mức ướt cả quần áo và chăn ga, gặp ác mộng, òa khóc. Tình trạng này khiến một số người bị tỉnh giấc, nhưng cũng có người không biết gì cho tới sáng hôm sau. Họ sẽ thức dậy trong tình trạng quần áo, ga giường ẩm ướt; mệt mỏi và đau đầu.
Bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác, ngay cả khi chỉ mới gặp triệu chứng hạ đường huyết một lần.
Phương pháp chẩn đoán hạ đường huyết không do tiểu đường
Bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng, khám sức khỏe, xem xét nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và kiểm tra mức đường huyết của bạn. Bên cạnh đó, họ sẽ cho bạn ăn hoặc uống để tăng lượng đường glucose trong máu và đo lại xem đường huyết có tăng lên hay không.
Tùy thuộc vào việc hạ đường huyết ở người bình thường xảy ra lúc đói hay sau khi ăn mà việc kiểm tra đường huyết sẽ khác nhau. Cụ thể là:
- Hạ đường huyết lúc đói: kiểm tra vài giờ một lần sau khi nhịn ăn, tiến hành liên tục trong vài ngày
- Hạ đường huyết phản ứng (sau ăn): thực hiện bài kiểm tra khả năng dung nạp bữa ăn hỗn hợp. Bạn được uống một loại thức uống đặc biệt có chứa protein, đường và chất béo. Loại đồ uống này sẽ làm tăng lượng đường trong máu, kích thích cơ thể tạo nhiều insulin hơn. Sau đó, trong 5 giờ tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra đường huyết nhiều lần.
Ngoài đo đường huyết, các bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm khác như nồng độ insulin, cortisol, c – peptide, proinsulin và beta – hydroxybutyrate; ghi lại nhật ký thực phẩm; siêu âm tuyến tụy… nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Kế hoạch điều trị hạ đường huyết ở người bình thường
Để nhanh chóng giải quyết tình trạng đường huyết thấp, bạn nên ăn hoặc uống ngay thực phẩm có hàm lượng đường cao như viên nén glucose, viên kẹo ngọt, nước trái cây… Đảm bảo nạp đủ 15 – 20 gam glucose 15 phút một lần cho đến khi chỉ số đường huyết được cải thiện. Nếu hạ đường huyết nghiêm trọng không thể ăn uống, cần tiêm glucagon (nếu ở nhà) hoặc dextrose (nếu ở bệnh viện).
Bên cạnh đó, một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp ích cho bạn:
- Ăn nhiều bữa nhỏ và đồ ăn nhẹ trong ngày, khoảng 3 – 4 giờ một lần
- Đa dạng các loại thực phẩm, bao gồm chất đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, đậu), dầu mỡ và thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau
- Hạn chế thực phẩm nhiều đường hoặc tinh bột tinh chế
- Không uống đồ hoặc thức ăn có chứa caffein
- Giảm rượu bia, tránh uống rượu khi bụng đói.
Ngoài ra, muốn khắc phục lâu dài chứng hạ đường huyết ở người bình thường, bạn cần được điều trị nguyên nhân, chẳng hạn như phẫu thuật khối u, thay đổi loại thuốc nghi ngờ làm tụt đường huyết, dùng thuốc giúp hạn chế tiết insulin, thuốc làm chậm tiêu hóa chất bột đường ăn vào,…
Theo: Hellobacsi.com