Top 10 các bệnh mãn tính thường gặp

28/12/2022


Theo thống kê trung bình, khoảng 80% người lớn từ 65 tuổi trở lên có ít nhất một bệnh mãn tính, trong khi đó, 68% trường hợp mắc từ 2 bệnh mãn tính trở lên. Các bệnh mãn tính thường gặp có đặc điểm chung là nguyên nhân gây bệnh phức tạp, nhiều yếu tố nguy cơ, thời gian ủ bệnh kéo dài, làm suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.

Hầu hết các bệnh mãn tính thường không được chữa khỏi hoàn toàn mà bệnh nhân có thể phải sống chung với bệnh suốt đời. Một số bệnh mãn tính có thể đe dọa tính mạng ngay lập tức, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh mãn tính không phải là nguyên nhân gây tử vong nhưng cần được điều trị suốt đời, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, viêm khớp.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về các bệnh mạn tính thường gặp để giúp bạn có thể ngăn ngừa hoặc điều trị và kiểm soát bệnh tốt.

1. Các bệnh mãn tính thường gặp: Bệnh tim

Bệnh tim dẫn đến đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Một số bệnh tim mãn tính thường gặp ở người lớn tuổi bao gồm:

  • Suy tim. 14% người lớn tuổi mắc bệnh suy tim. Đây là tình trạng tim suy yếu và không thể cung cấp đủ máu và oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, buồn nôn, lú lẫn, chán ăn.
  • Cholesterol cao. 47% người lớn tuổi mắc cholesterol cao, xảy ra khi cơ thể dư thừa cholesterol LDL, khiến động mạch bị tắt nghẽn, hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan khác trên cơ thể và tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Bệnh mạch vành. 29% người lớn tuổi đã được điều trị bệnh mạch vành, một tình trạng gây ra bởi sự tích tụ của các mảng bám làm thu hẹp các động mạch dẫn đến tim. Động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn làm giảm lượng máu giàu oxy đến tim. Điều này có thể gây ra các biến chứng khác như cục máu đông, đau thắt ngực hoặc đau tim.
  • Tăng huyết áp. 58% người lớn tuổi đang điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể mắc bệnh trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ rệt. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đau tim và đột quỵ vì nó làm tổn thương lớp niêm mạc của động mạch, khiến chúng dễ bị tích tụ các mảng bám, làm hẹp các động mạch dẫn đến tim và não.

Các yếu tố về lối sống mà bạn có thể thay đổi để điều trị và ngăn ngừa các bệnh tim mạch mãn tính bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Bỏ hút thuốc và hạn chế uống quá nhiều rượu
  • Hoạt động mỗi ngày
  • Quản lý cân nặng của bạn
  • Giảm thiểu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và muối trong chế độ ăn uống hàng ngày
  • Giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên.

2. Ung thư

Ung thư là một trong các bệnh mãn tính thường gặp, liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của các tế bào bất thường trong trong cơ thể, chúng có thể di căn khắp cơ thể. Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhiều loại ung thư có thể được ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm. Bạn có thể phòng ngừa ung thư bằng cách bỏ hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý và hạn chế uống quá nhiều rượu.

3. Bệnh tiểu đường type 2 là một trong các bệnh mãn tính thường gặp nhất

Theo thống kê, khoảng 27% người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2, một căn bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không đảm nhiệm đầy đủ chức năng của nó. Cơ thể sử dụng Insulin để lấy năng lượng từ thức ăn và phân phối nó đến các tế bào.

Khi điều này không xảy ra, bạn sẽ có lượng đường trong máu cao, dẫn đến các biến chứng như bệnh thận, bệnh tim hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác như suy thận, mù lòa, hoại tử ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân và thậm chí là đột quỵ.

Một số người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn, bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • 45 tuổi trở lên.
  • Có cha mẹ, anh trai hoặc em gái mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần.

Để giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 2, bạn nên:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm theo dõi lượng carbohydrate và calo nạp vào, đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống rượu.
  • Tập thể dục 30 phút/lần và khoảng 5 buổi một tuần để duy trì cân nặng và giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
  • Giảm 5-7% trọng lượng cơ thể một cách an toàn nếu bạn được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường.

4. Viêm khớp

Các bệnh mãn tính thường gặp: viêm khớp

Càng lớn tuổi, bạn càng phải đối mặt với các bệnh mãn tính thường gặp khác nhau. Bên cạnh các bệnh về tim mạch hay tiểu đường type 2, viêm khớp cũng thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Theo thống kế, khoảng 31% người lớn tuổi đã được điều trị viêm khớp – một chứng viêm gây đau, sưng và cứng ở một hay nhiều khớp. Các loại viêm khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.

Có những bước bạn có thể thực hiện để trì hoãn sự khởi phát của bệnh viêm khớp hoặc kiểm soát các triệu chứng, bao gồm:

  • Tập thể dục ít nhất 5 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút để cải thiện sự linh hoạt và chức năng của các khớp
  • Giảm cân để giảm áp lực lên các khớp chịu trọng lượng, tăng khả năng vận động và hạn chế chấn thương khớp trong tương lai
  • Chườm nóng hoặc chườm đá có thể giúp giảm đau do viêm khớp
  • Đảm bảo lưng, chân và tay luôn được hỗ trợ bằng các thiết bị như gậy chống, lót giày, khung tập đi,… để giúp bảo vệ khớp và cải thiện sự linh hoạt trong hoạt động hàng ngày.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh chấn thương khớp.
  • Không hút thuốc.

5. Loãng xương

Loãng xương là một trong các bệnh mãn tính thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Đây là tình trạng xương trở nên yếu giòn, dễ gãy. Xương là mô sống liên tục bị phá vỡ và thay thế. Loãng xương xảy ra khi việc tạo ra xương mới không theo kịp với sự mất đi của xương cũ.

Loãng xương ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ, đặc biệt phụ nữ lớn tuổi đã qua thời kỳ mãn kinh là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Thuốc, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa mất xương hoặc củng cố xương vốn đã yếu.

Một số biện pháp giúp điều trị và phòng ngừa loãng xương bao gồm:

  • Bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục để xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương.
  • Tránh hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Hạn chế thức uống có chứa caffeine.

6. Các bệnh mãn tính thường gặp: Hen suyễn

Hen suyễn là một trong các bệnh mãn thường thường gặp ở đường hô hấp. Đây là tình trạng đường thở bị thu hẹp và sưng lên, có thể tiết thêm chất nhầy. Điều này gây khó thở, thở khò khè và ho. Bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi và cần điều trị suốt đời. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, thậm chí là đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân nên theo dõi triệu chứng và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh:

  • Tiêm phòng cúm và viêm phổi
  • Tránh tác nhân gây hen suyễn
  • Theo dõi nhịp thở.

7. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Khoảng 11% người lớn tuổi đã được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một trong các bệnh mãn tính thường gặp nhất với 2 tình trạng chính là khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. COPD gây khó thở, thở khò khè, ho và tức ngực.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa COPD hoặc ngăn ngừa bệnh tiến triển chính là bỏ hoặc tránh hút thuốc lá. Ngoài ra, bạn cố gắng tránh khói thuốc thụ động, khói hóa chất và bụi, những thứ có thể gây kích ứng phổi.

Nếu bạn đã bị COPD, hãy hoàn thành các phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định, tiêm vắc xin cúm và viêm phổi theo khuyến cáo của bác sĩ.

8. Bệnh thận mãn tính

80% người lớn tuổi đã được điều trị bệnh thận mãn tính hoặc suy giảm chức năng thận theo thời gian. Những người bị suy giảm chức năng thận có nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc suy thận cao hơn.

Hãy áp dụng những mẹo sau đây để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ triệu chứng bệnh thận mãn tính:

  • Điều trị các tình trạng có thể gây hại cho thận, chẳng hạn như tiểu đường và huyết áp cao là những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây tổn thương thận.
  • Phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thận, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

9. Bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ

Theo ước tính, khoảng 11% người lớn tuổi được điều trị bệnh Alzheimer hoặc một dạng sa sút trí tuệ khác. Bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ cụ thể, một tình trạng gây mất trí nhớ và khó suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề đến mức nó cản trở mọi hoạt động hàng ngày. Sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa và gây ra bởi những thay đổi trong não theo thời gian.

Các yếu tố nguy cơ của các bệnh mãn tính thường gặp này thường không thể kiểm soát, bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã đề xuất kết hợp những thói quen sau vào lối sống để làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh khởi phát.

  • Tập thể dục và duy trì hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho tim mà cũng rất tốt cho trí não.
  • Ngủ đủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm để bộ não có thời gian nghỉ ngơi và minh mẫn hơn sau giấc ngủ.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bởi nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến não.

10. Các bệnh mãn tính thường gặp: Trầm cảm

Theo thống kê, khoảng 14% người lớn tuổi mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn dai dẳng, bi quan, tuyệt vọng, mệt mỏi, khó đưa ra quyết định, chán ăn, mất hứng thú với các hoạt động đã từng yêu thích.

Không có cách nào để ngăn ngừa trầm cảm, tuy nhiên, bạn nên:

  • Kiểm soát căng thẳng. Tiếp cận với gia đình và bạn bè trong thời gian khó khăn và cân nhắc việc thiền định thường xuyên.
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Những gì bạn đưa vào cơ thể có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, vì vậy, hãy bổ sung thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và thúc đẩy việc giải phóng endorphin và những chất hóa học giúp cảm thấy dễ chịu, đồng thời hạn chế tiêu thụ những thứ như rượu, caffein, chất làm ngọt nhân tạo và đã qua chế biến.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục có một số lợi ích về thể chất và tâm lý, bao gồm cải thiện tâm trạng thông qua việc giải phóng endorphin và các hóa chất não “cảm thấy tốt” khác, tăng cường sự tự tin và cải thiện ngoại hình của bản thân.
  • Điều trị sớm và duy trì theo dõi để ngăn ngừa tái phát. Nếu bạn đã trải qua bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào của bệnh trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ và điều trị sớm. Thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý có thể phù hợp.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về top 10 các bệnh mãn tính thường gặp và cách phòng ngừa hiệu quả cho từng bệnh. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe ngay từ hôm nay bạn nhé!

Theo: Hellobacsi.com