Khắc sâu lời dạy của bác “thầy thuốc phải như mẹ hiền”

28/10/2022

BP – Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới y học, tới sức khỏe của con người. Đặc biệt, Người rất chú trọng việc khai thác những tinh hoa truyền thống của y học dân tộc kết hợp với vấn đề xây dựng con người trong thời đại mới.

Thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân Ái (Bù Gia Mập) –
Ảnh: L.P

Còn nhớ, trong thư gửi hội nghị quân y tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao nghề thầy thuốc, đồng thời cũng yêu cầu họ rất cao trong công tác động viên, chăm sóc thương binh, người bệnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ người ốm yếu”, “nhân viên trong bộ từ cao đến thấp, đều phải có tinh thần trách nhiệm nhân từ, xem thương binh, cựu binh như anh em ruột thịt của mình”(1).

Trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế (27-2-1955) cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra mấy vấn đề cần thảo luận trong hội nghị như: Vấn đề “phải thật thà, đoàn kết”, “xây dựng một nền y học của ta”, “phải thật thà, đoàn kết” để thực hiện được những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó. Bác ân cần căn dặn cán bộ ngành y tế: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết… Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”(2). Người chỉ rõ: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”(3). Lời dạy này trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta, và ngày 27-2 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của thầy thuốc Việt Nam.

Trước lúc đi xa, trong di chúc, Người vẫn không quên căn dặn phải “Phát triển công tác vệ sinh, y tế…”(4). Những lời căn dặn trong Di chúc của Bác về công tác y tế và sức khỏe càng trở thành kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng và hoàn thiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến và hiện đại.

60 năm qua, thực hiện lời dạy của Người, trong kháng chiến chống các thế lực xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngành y, quân y cũng như dân y đã quên cả tính mạng của mình để cứu chữa thương binh, bệnh nhân. Những gương sáng về người thầy thuốc được nhân dân ca ngợi ghi công như anh hùng Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác sĩ Tôn Thất Tùng, y tá Trần Xuân Đậu, bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Trong thời kỳ mới, ngành y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhiều tấm gương sáng thể hiện người thầy thuốc đồng thời là người mẹ hiền.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tin tưởng giao cho ngành y tế. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý đó đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giữ vững đạo đức người thầy thuốc, thực hiện lời dạy của Người “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Nguyễn Văn Thanh

(1) – Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, t.5, tr. 866.
(2), (3) – Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, t.7, tr. 478.
(4) – Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007, t.53.

Theo: Baobinhphuoc.com.vn