Ăn quá nhanh có nguy hiểm không?

15/11/2022

Thói quen của nhiều người là ăn quá nhanh, nhai quá ẩu trong bữa ăn. Điều này không chỉ khiến bạn mất cảm giác ngon miệng mà kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh về dạ dày. Bách hóa XANH xin chia sẻ vấn đề này qua nội dung thông tin sau.

1. Điều gì xảy ra khi bạn ăn quá nhanh?

Ăn quá nhanh là một thói quen cực kỳ có hại cho sức khỏe. Đầu tiên khi nhai, các tuyến nước bọt sẽ hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ có nguồn cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian để bắt đầu chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa do đó nếu ăn quá nhanh sẽ gây ra một số nguy hiểm sau:

– Đau dạ dày: khi ăn nhanh, nuốt vội sẽ khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa vì nó chưa được nghiền nát nhỏ. Khi di chuyển xuống dạ dày sẽ phải mất nhiều thời gian để tiêu hóa và làm tăng gánh nặng cho dạ dày gây ra tình trạng đau, viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ không được cơ thể hấp thụ và làm tăng cảm giác chướng bụng ngay sau khi ăn.

– Tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường: khi ăn quá nhanh, cơ thể sẽ ngừng tiết Hormone có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã được đầy. Thường thì cảm giác no ở dạ dày phải mất tới 20 phút mới nhận được thông tin đầy đủ lên não. Nếu ăn quá nhanh rất dễ khiến bạn đưa lượng thức ăn nhiều hơn mức cần thiết trước khi nhận thông tin là mình đã no.

Kéo dài thói quen bạn sẽ không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Khi lượng thức ăn vào liên tục mà không được xử lý ngay sẽ gây ra tình trạng ứ đọng chất béo, đường…ảnh hưởng đến sự điều tiết của Insullin và hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, béo phì.

– Mất vị giác, mắc nghẹn: khi ăn nhanh bạn sẽ không thể thưởng thức mùi vị của thức ăn, làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn. Nếu kéo dài thói quen sẽ khiến vị giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm bạn mắc nghẹn, gây ra chứng ợ nóng khiến dạ dày khó chịu.

2. Nên ăn thế nào thì hợp lí?

Để tránh những hệ quả do ăn quá nhanh nêu trên gây ra, đồng thời giúp hệ tiêu hóa làm việc khỏe mạnh chúng ta cần ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được nghiền nhỏ hơn. Điều này sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn và giúp chúng được tiêu hóa tốt hơn.

Các chất dinh dưỡng cũng được hấp thu tốt và dạ dày cũng làm việc nhẹ nhàng hơn. Từ việc nhai kỹ thức ăn còn có thể giúp bạn kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể mỗi ngày, vừa tiết kiệm chi phí, vừa kiểm soát được cân nặng mà vẫn bảo đảm cung cấp đủ năng lượng.

Để tập thói quen ăn chậm nhai kỹ bạn có thể thực hiện theo nguyên tắc: dùng đũa để gắp thức ăn; khi ăn nên ngồi thẳng, hít thở chậm và sâu; tập trung ăn uống, không ăn khi tâm trạng buồn phiền; ăn trong không gian riêng và đừng ăn trên bàn làm việc; nếu có thời gian hãy nấu nướng để kiểm soát được chất lượng bữa ăn hơn.

Vừa rồi là những thông tin xung quanh câu hỏi “ăn quá nhanh có nguy hiểm không?”. Hy vọng với những thông tin bổ ích nêu trên ngay bây giờ chúng ta sẽ từ bỏ thói quen ăn quá nhanh để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Theo: Suckhoedoisong.vn