Cây Nhọ Nồi: Tác Dụng Và Cách Dùng Làm Thuốc Chữa Bệnh

27/12/2022

Cây nhọ nồi hay còn được gọi với tên quen thuộc là cây cỏ mực, cây mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng đất ẩm. Đây là một loại dược liệu quen thuộc, được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Trong đó có thể kể đến như giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể, cầm máu và giải độc,…

Mô tả dược liệu

Cây nhọ nồi mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là những khu vực ven sông, cánh đồng, ven ruộng,… Loại cây này từ xa xưa đã được dùng làm thuốc chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là dùng cầm máu. Thông tin về dược liệu:

Cây nhọ nồi được dùng làm thuốc giúp cầm máu, chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe

  • Tên gọi: Cây nhọ nồi
  • Tên gọi khác: Cây cỏ mực, hủy hạn liên, bạch hoa thảo, hàn liên thảo,…
  • Tên khoa học: Eclipta Prostrata L
  • Họ: Asteraceae (họ Cúc)

Đặc điểm dược liệu

Cây nhọ nồi dễ dàng nhận diện với những đặc điểm hình thái như sau:

  • Cây thân thảo có chiều dài trung bình khoảng 80cm, trên thân có các sợi lông cứng, thân màu xanh hoặc đỏ tím.
  • Rễ cây mọc có hình trụ, màu xám.
  • Cây nhọ nồi mọc ra lá đối xứng nhau, chiều dài từ 2cm – 8cm, rộng khoảng 5mm – 15mm. Trên cả hai mặt lá có một lớp lông mỏng, lá có răng cưa ngoài mép.
  • Nhọ nồi ra hoa mọc theo cụm với cánh hoa nhỏ, mỏng. Đường kính mỗi hoa từ 6mm – 8mm. Hoa có màu trắng, nhìn giống như bông hướng dương nhỏ.
  • Cây nhọ nồi ra quả nhỏ, hình dạng bẹt, đầu cụt, quả có cánh, kích thước nhỏ với chiều dài khoảng 3mm, chiều rộng khoảng 1.5mm.

Phân bố

Cây nhọ nồi mọc hoang ở nhiều nơi, ưa vùng ôn đới hoặc những khu vực đất ẩm ướt. Trên thế giới, có thể tìm thấy dược liệu tại các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil,…

Ở nước ta, cây thường mọc ở quanh vườn nhà, nhất là khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay do nhu cầu tiêu dùng càng cao nên cây được nhân giống, nuôi trồng tại các vườn dược liệu trong nước.

Bộ phận dùng

Toàn bộ cây nhọ nồi từ thân, lá, rễ đều được dùng làm dược liệu tùy theo mục đích của người sử dụng.

Thu hoạch

Thu hái quanh năm.

Bào chế

Dược liệu sau khi thu hái sẽ được làm sạch, phơi hoặc sấy khô để bảo quản sử dụng dần. Người bệnh cũng có thể sử dụng dược liệu tươi, tùy theo mục đích điều trị.

Có thể sử dụng toàn bộ cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh

Bảo quản

Bảo quản dược liệu khô ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, tránh mối mọt, ẩm ướt.

Thành phần hóa học

Cây nhọ nồi chứa một số thành phần hóa học chính như tannin, caroten, ancaloit, chất đắng,…

Tính vị và quy kinh

Dược liệu có tính hàn, vị chua ngọt, không chứa độc tố.

Quy vào hai kinh Can và Thận.

Tác dụng dược lý của cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi trong Đông y và Y học hiện đại được ghi chép nhiều công dụng, bài thuốc. Cụ thể như sau:

  • Trong Đông y:

Theo ghi chép, loại cây này có tính hàn, vị chua và ngọt đặc trưng. Dược tính quy vào hai kinh Can, Thận. Nhờ đó, cây được dùng làm thuốc cầm máu, thuốc giải độc, thanh nhiệt, bồ thận, mát huyết,…

Một số nghiên cứu tại Ấn Độ ghi nhận nhiều người sử dụng dược liệu giúp cải thiện các vấn đề về gan, giúp bồi bổ cơ thể, cải thiện tình trạng vàng da. Không những thế, dược liệu còn giúp trị đau răng, khó tiêu, phòng ngừa và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, tại Trung Quốc, nhiều ghi chép cho thấy cây dược liệu còn có tác dụng trị bệnh đau mắt, dùng cầm máu, trị ho ra máu, chữa đau nhức xương khớp, giảm sưng gan, vàng da,…

Ở nước ta, cây nhọ nồi được dùng để cầm máu tại chỗ, giúp giảm sưng bằng quang, sưng đường tiểu và cải thiện các vấn đề nha chu. Không những thế, còn nhiều ứng dụng khác của cây nhọ nồi đối với sức khỏe, chẳng hạn chữa mụn nhọt, sốt xuất huyết, giúp phòng ngừa bệnh ung thư,…

Dược liệu được cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại ghi nhận các lợi ích đối với sức khỏe

  • Trong Y học hiện đại:

Y học hiện đại cũng tìm thấy trong loại cây này các hoạt chất hóa học kể trên. Nhờ đó, dược liệu giúp mang lại những lợi ích có thể kể đến như:

  • Khả năng kháng khuẩn, chống viêm: Hoạt chất có lợi có trong dược liệu giúp ức chế hoạt động, sau đó tiêu diệt các loại vi khuẩn như amip, trực khuẩn viêm đường ruột, tụ cầu khuẩn,… Đặc biệt giúp khắc phục hiệu quả các viêm nhiễm ngoài da.
  • Dưỡng da, dưỡng tóc đen: Thành phàn giúp tăng cường lưu thông máu huyết, giúp dưỡng da, kể ca da đầu và chân tóc. Nhờ đó, tóc sẽ trở nên đen mượt, mềm mịn hơn.
  • Cầm máu hiệu quả: Hoạt chất tanin trong dược liệu có hiệu quả trong việc cầm máu.
  • Phòng ngừa ung thư, giúp cải thiện hệ miễn dịch: Các hoạt chất có trong dược liệu giúp kích thích tế bào lympho T, ức chế sự lan rộng của các tế bào ung thư, nhờ đó phòng được nguy cơ cho dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe, tham khảo ngay các bài thuốc như sau:

Bài thuốc chữa bệnh đường hô hấp, viêm họng

  • Chuẩn bị: 20g cây nhọ nồi, 16g mỗi vị gồm cam thảo đất và kim ngân hoa, 12g củ rẻ quạt, 20g bồ công anh.
  • Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch, sắc nấu nước uống ngày 1 thang, dùng liên tục 3 – 5 ngày.

Bài thuốc chữa bệnh bạch biến

  • Chuẩn bị: 30g mỗi vị gồm cỏ nhọ nồi, hà thủ ô, 15g mỗi vị như sa uyển tử, đảng sâm, đan sâm, 10g mỗi vị như bạch truật, đương quy, 12g bạch chỉ và 6h thiền thoái.
  • Thực hiện: Dược liệu rửa sạch sau đó sắc nước uống ngày 1 thang, kiên trì trong khoảng 2 tuần.

Bài thuốc trị chảy máu cam

  • Chuẩn bị: 20g cỏ nhọ nồi, 20g hoa hòe sao đen, 16h cam thảo đất.
  • Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch nấu nước uống ngày 1 thang.

Bài thuốc giúp ăn ngủ ngon, giảm suy nhược cơ thể, thiếu máu

  • Chuẩn bị: 100g mỗi vị gồm cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, 50g gừng khô.
  • Thực hiện: Gừng thái nhỏ sao và hạ thổ. Mang nguyên liệu nấu cùng với 3 chén nước dừa tươi. Đun đến khi nước cạn còn khoảng 8 phân, chia thành 2 lần uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa tóc bạc sớm

  • Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi.
  • Thực hiện: Rửa sạch cỏ nhọ nồi, sao đó nấu thành cao đặc. Cho vào cao một ít mật ong nguyên chất, gừng tươi cắt lát. Tiếp tục nấu sao cho hỗn hợp cô đặc lại lần nữa. Mỗi lần dùng 1 – 2 muỗng cà phê, khuấy với nước sôi và uống. Kiên trì dùng ngày 2 lần giúp bổ huyết, cải thiện chức năng thận giảm bạc tóc sớm.

Bài thuốc chữa trị rong kinh nhẹ

  • Chuẩn bị: Một nắm cỏ nhọ nồi.
  • Thực hiện: Rửa sạch cỏ, sau đó giã nát, chắt lấy nước cốt uống. ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng cỏ mực phơi khô rồi sắc lấy nước uống. Nếu ra nhiều máu, người bệnh thêm vào thang thuốc huyết dụ, trắc bá diệp sắc nước uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa trị eczema cho trẻ em

  • Chuẩn bị: 50g cỏ nhọ nồi.
  • Thực hiện: Dược liệu rửa sạch sắc nấu nước thành dạng cô đặc, dùng nước bôi lên vùng da cần điều trị. Kiên trì thực hiện mỗi ngày, liên tục trong khoảng 7 ngày để cải thiện triệu chứng, giảm rỉ dịch và ngứa ngáy cho trẻ.

Bài thuốc chữa gan nhiễm mỡ

  • Chuẩn bị: 30g cỏ nhọ nồi, 15g mỗi vị gồm trạch tả, đương quy và 20g cây trinh nữ.
  • Thực hiện: Sắc nước uống ngày 1 thang.

Trường hợp người bệnh bị gan nhiễm mỡ do nghiện rượu, nên thêm vào 15g củ tử, 30g cát căn và 15g bồ công anh. Sắc nấu nước uống. Trường hợp do béo phì, bài thuốc trên thêm vào lá sen 15g và đại hoàng 6g.

Dùng cây nhọ nồi làm thuốc chữa bệnh, có thể kết hợp thêm một số dược liệu để tăng hiệu quả

Bài thuốc chữa trị bệnh sốt xuất huyết nhẹ

  • Chuẩn bị: 20g cỏ nhọ nồi, 12g hoa hòe, lá trắc bá sao đen, 16g cam thảo đất kết hợp với 20g củ sắn dây.
  • Thực hiện: Sắc nước uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa bệnh dạ liễu, mề đay mẫn ngứa

  • Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi, lá dưa chuột, lá kế, diếp cá, lá nhài, huyết dụ.
  • Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch sau đó giã nát, chắt lấy nước cốt uống, bã dùng đắp trực tiếp lên da bị mề đay.

Bài thuốc chữa phát ban hành sốt

  • Chuẩn bị: 60g nhọ nồi.
  • Thực hiện: Sắc nước uống chia ngày 2 – 4 lần uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa sốt cao

  • Chuẩn bị: 60g nhọ nồi.
  • Thực hiện: Sắc nước uống chia ngày 2 – 4 lần uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa bệnh xuất huyết tử cung ở nữ giới

  • Chuẩn bị: 30g cỏ nhọ nồi, kết hợp 15g mỗi vị gồm thục địa, phúc bồn tử, nữ trinh tử, bạch thược, sinh địa, 10g kinh giới sao, 60g hoàng kỳ và 6g thăng ma.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa viêm tiền liệt tuyến

  • Chuẩn bị: 15g mỗi vị gồm cỏ nhọ nồi, thục địa, hoàng kỳ, câu kỷ tử, đảng sâm, thục địa, 10g mỗi vị gồm tỏa dương, vương vất lưu thành, ích trí nhân, 24g thổ phục linh, 6g đương quy, 12g mỗi vị thỏ ty tử nữ trinh tử.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.

Lưu ý khi dùng cây nhọ nồi

Sử dụng cây nhọ nồi chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe, tuy nhiên cần lưu ý dùng đúng liều lượng và đúng với tình trạng sức khỏe. Một số vấn đề như:

Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng để đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nên thăm khám để xác định vấn đề đang gặp phải và nhờ bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nặng cần áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu hơn.
  • Không dùng quá liều, tuân thủ theo liều dùng được bác sĩ, thầy thuốc hướng dẫn. Trường hợp quá liều, nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường khi dùng nên thông báo để được hỗ trợ khác phục sớm.
  • Không dùng dụng cụ bằng kim loại để đun thuốc, tốt hơn hết nên nấu thuốc trong nồi đất.
  • Không tự ý kết hợp với nhiều thuốc điều trị khác để phòng ngừa các tương tác thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe và kết quả điều trị.
  • Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Nên sử dụng theo hướng dẫn từ người có chuyên môn.
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý hơn, kết hợp ăn uống đủ chất để cơ thể sớm cải thiện. Kiêng những món ăn, thức uống có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng kết quả điều trị.

Hy vọng qua bài viết bạn đọc đã biết thêm về dược liệu cây nhọ nồi. Loại cây này còn được gọi với tên quen thuộc là cây cỏ mực, mọc hoang ở nhiều nơi đất ẩm, dễ tìm hái và sử dụng. Tuy nhiên trước khi dùng người bệnh nên thăm khám và nhờ thầy thuốc, bác sĩ tư vấn hướng can thiệp phù hợp, an toàn nhất.

Bùi Ái Nhân

Theo: Vienyduocdantoc.org.vn