Cây xuyến chi: Loài cỏ dại được dùng làm thuốc chữa bệnh

14/11/2022

Tên thường gọi: Cây xuyến chi

Tên gọi khác: Đơn buốt, Đơn kim, Quỷ châm thảo, Manh tràng thảo,…

Tên khoa học: Bidens pilosa L.

Họ: Họ Cúc (Asteraceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây xuyến chi

Cây đơn buốt hay tại Việt Nam quen thuộc hơn với tên gọi cây xuyến chi, là một loài cây thân thảo, có chiều cao khoảng từ 40 – 100 cm và thường mọc thành bụi ở ven đường, đồng cỏ, mương,…

    • Toàn bộ phần thân và cành của cây xuyến chi đều có rãnh dọc và lông.
    • Lá đơn, mọc đối xứng nhau và có răng cưa.
    • Hoa xuyến chi có 3 hoặc 5 cánh màu trắng và nhụy hoa màu vàng. Hoa nở quanh năm đặc biệt là vào hai mùa từ tháng 3-5 và từ tháng 8-10 hằng năm.
    • Nhụy của hoa xuyến chi sẽ phát triển thành hạt với dạng quả bế, phần đầu hạt có gai. Những phần gai này giúp hạt bay theo gió hoặc bám vào người, động vật sau đó là đến nơi khác, gặp điều kiện tốt thì nhân giống.

Bộ phận dùng của cây xuyến chi

Toàn bộ cây xuyến chi trừ rễ đều có thể dược dùng để làm thuốc.

Để thu hái dược liệu cây xuyến chi đạt được hàm lượng hoạt chất cao nhất thì nên thu hái vào mùa hoa nở rộ, tức là vào khoảng tháng 3-5 hoặc tháng 8-10 hằng năm. Sau khi thu hái, đem cắt toàn cây trừ phần rễ rồi rửa sạch. Có thể dùng tươi hay phơi khô để bảo quản dùng dần.

Thành phần hóa học trong cây xuyến chi

Cây xuyến chi (B.pilosa) là một loại dược liệu với thành phần hóa thực vật cao. Cho đến nay có đến 201 hợp chất gồm 70 chất béo, 60 flavonoid, 25 terpenoid, 19 phenylpropanoid, 13 chất thơm, 8 porphyrin và 6 hợp chất khác đã được xác định có mặt trong loài cây này.

Trong đó, đặc biệt là các thành phần flavonoid và polyynes. Bởi hầu hết các flavonoid chiết xuất từ thực vật thường mang nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như chống ung thư, chống viêm, chống oxy hóa và các hoạt tính sinh học đặc biệt khác. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu kết luận về tác dụng của các loại flavonoid trong cây xuyến chi.

Tác dụng, công dụng

Cây xuyến chi có những công dụng gì?

Cây xuyến chi có vị đắng và tính bình (mát), hơi cay nhẹ nên có công dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Đồng thời còn có tác dụng sát trùng vết thương, chống viêm hiệu quả khi dùng ngoài da.

Trong y học cổ truyền, dược liệu xuyến chi thường được dùng để:

    • Đắp trực tiếp vào những vết côn trùng cắn, rắn cắn nhờ khả năng chống viêm của nó.
    • Chữa chứng lỵ, viêm ruột thừa, viêm gan do virus.
    • Chữa đau răng, đau nhức xương khớp, chấn thương tụ máu, mẩn ngứa,…

Cây xuyến chi có những tác dụng dược lý gì?

Thành phần flavonoid và polyynes trong cây xuyến chi có khả năng chống lại ung thư.

Đồng thời, các flavonoid và polyynes cũng có hoạt động chống viêm, thường dùng đắp ngoài trên các vết côn trùng hay rắn cắn.

Cây xuyến chi còn là một trong 1200 loài thực vật đã được nghiên cứu hoạt chất chống lại bệnh tiểu đường. Loài cây này đã được sử dụng như một loại thảo mộc chống tiểu đường ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Nhiều nghiên cứu trên động vật cũng đã chỉ ra rằng cây xuyến chi có thể điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Thành phần tinh dầu trong cây xuyến chi có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa mạnh.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của dược liệu cây xuyến chi là bao nhiêu?

Xuyến chi là loại dược liệu có thể dùng ở dạng tươi hoặc dạng khô. Ở dạng khô, cây xuyến chi thường được dùng từ 4-16g ở dạng thuốc sắc. Đối với điều trị ngoài da thì không kể đến liều lượng.

Một số bài thuốc có cây xuyến chi

Cây xuyến chi được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

Chữa các bệnh về đường tiêu hóa

Cây xuyến chi phơi khô và sắc lấy nước uống hằng ngày sẽ chữa được nhiều bệnh ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ,…

Bài thuốc trị kiết lỵ: Lấy khoảng 100g đọt xuyến chi non đun sôi với 300ml và để uống như nước bình thường trong ngày (hoặc chia nhỏ làm 3 cữ uống). Có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống (nếu thích).

Chữa đau răng, viêm lợi

Ngâm 15g hoa xuyến chi cùng 200ml rượu trong vòng 1 tuần, sau đó lấy ra ngậm để điều trị bệnh.

Chữa đau lưng do hoạt động quá sức

Chuẩn bị 15g xuyến chi, 250g đại táo, 1L nước.

Cách thực hiện: Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi đun đến khi nước cạn còn một nửa thì chia đều thành 3 lần uống. Bài thuốc này có thể thêm mật ong để dễ uống hơn.

Hạ sốt

Đem 20g lá và hoa cây xuyến chi giã nát với 20g sài đất. Phần nước tươm ra thì chắt lấy cho trẻ uống còn phần bã thì đắp lên trán để có công dụng hạ sốt nhanh chóng.

Trị ngứa do dị ứng

Đun 200g xuyến chi cùng với 1-5L nước để tắm. Nên tắm thường xuyên trong vòng từ 3-5 ngày để mau khỏi bệnh. Khi tắm, dùng bã dược liệu chà xát lên người để có hiệu quả tốt hơn.

Chữa viêm thận

Bài thuốc chữa viêm thận gồm có 15g cây xuyến chi đã được hấp cách thủy giã nát cùng với 1 quả trứng gà dùng để ăn hằng ngày.

Chữa viêm gan do virus

Nguyên liệu: xuyến chi và diệp hạ châu mỗi vị 20g; bồ bồ và cam thảo đất mỗi vị 15g; hạt dành dành 12g.

Cách thực hiện: Cho tất cả các vị thuốc này đem đi sắc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.

Trị đau nửa đầu

Nguyên liệu: 30g đơn buốt, 20g trân châu mẫu, 3 quả đại táo.

Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu sau khi đã làm sạch vào nồi sắc lấy nước và uống khi còn ấm để trị bệnh.

Chữa các bệnh về họng

Nguyên liệu: xuyến chi, sài đất, kim ngân hoa, cam thảo đất và lá húng chanh mỗi vị 15g.

Cách thực hiện: Sau khi được làm sạch, tất cả nguyên liệu trên đem sắc với nước cùng nhau để lấy nước uống. Mỗi ngày nên uống 2 lần, sau bữa ăn 20 phút và uống khi nước còn ấm.

Chữa đau nhức do phong thấp

Lấy khoảng 30–60g cây xuyến chi đem sắc lấy nước uống sau mỗi bữa ăn tù 2-3 lần/ngày. Để bài thuốc này phát huy công dụng tốt nhất nên uống theo một liệu trình từ 10-15 ngày.

Chữa tiểu đường

Lấy 500g cây xuyến chi đem rửa sạch và bỏ rễ. Sau đó, nấu cùng với 2 lít nước để uống mỗi ngày

Sát trùng vết động vật, côn trùng cắn

Lấy 100g cây xuyến chi tươi sắc với 300ml đến khi nước đặc lại rồi chia thành 3 lần uống mỗi ngày, mỗi lần uống một ngụm nhỏ. Bên cạnh đó, bôi một lượng nhỏ dung dịch này lên vết rắn cắn để giúp kháng viêm giúp vết thương mau lành hơn.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây xuyến chi, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng dược liệu đơn buốt một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Trước khi sử dụng nên rửa thật sạch để loại bỏ những bụi bẩn bám trên cây.

Mức độ an toàn của cây xuyến chi

Không nên tùy tiện sử dụng cây xuyến chi cho phụ nữ mang thai khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, một số người bị dị ứng với các thành phần trong xuyến chi cũng không được sử dụng dược liệu này làm thuốc.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với dược liệu cây xuyến chi

Cây xuyến chi có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo: Hellobacsi.com