Cốt toái bổ là gì? Công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng

11/11/2022

Cốt toái bổ được xem là thành phần quý trong các bài thuốc Đông y trị rất nhiều bệnh. Cùng Bách hóa XANH tìm hiểu qua bài viết sau đây về cốt toái bổ nhé!

Cốt toái bổ là vị thuốc quý trong Đông y, được dùng để chữa rất nhiều bệnh. Kèm theo đó cốt toái bổ còn có thể dùng để làm mạnh gân xương, hoạt huyết dưỡng máu, cầm máu, bổ thận và giảm đau.

Có thể xem đây là loại dược liệu thường được dùng để chữa gãy xương lâu lành, người già bị suy nhược, đau lưng mỏi gối,…Hãy cùng Bách hóa XANH tìm hiểu kỹ hơn về cốt toái bổ, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng nhé!

1. Đặc điểm của cốt toái bổ là gì?

Cốt toái bổ thuộc họ dương xỉ, sống trên những thân cây lớn như cây si, cây đa,…hay chủ yếu mọc ở đám rêu ẩm ướt hoặc mọc ở hốc đá. Cốt toái bổ có thân rễ dày, bóng, có lớp lông màu vàng óng phủ trên lá.

Lá cây cốt toái bổ có 2 dạng:

  • Dạng thứ nhất là dạng lá không sinh sản để hứng mùn. Mép lá sẽ có răng cưa chọn, phiến lá có hình xoan, gốc lá có hình trái tim, không có cuống lá, dài khoảng 3cm – 5cm, phủ lấy thân rễ.
  • Loại lá thứ hai là lá sinh sản có xẻ thùy sâu. Lá có hình dạng giống lá kép lông chim, cuống lá khoảng 4cm – 7cm, dài 10cm – 30cm. Lá có khoảng 7 – 12 cặp lá lông chim và có gân ở mặt dưới lá. Phần mặt dưới lá có các túi bào tử xếp thành hai hàng, phần bào tử có hình trái xoan và có màu vàng nhạt.

Cốt toái bổ thường phân bố chủ yếu ở các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Một số đặc điểm đáng lưu ý của cốt toái bổ như:

  • Tên gọi khác của cốt toái bổ: Tổ rồng, Hầu khương, Tắc kè đá, Thân khương, Tổ phượng, Hộc quyết, Thu mùn…
  • Tên khoa học: Drynaria fortunei
  • Họ: Dương xỉ (Polypodiaceae)

2 Thành phần hóa học của cốt toái bổ

Phần thân và phần rễ của cốt toái bổ có Hesperidin (CA, 1970, 73, 11382j) và 25 %– 34,89% là tinh bột.

Những nghiên cứu mới nhất gần đây cho thấy thành phần trong cốt toái bổ có tổng cộng tới 369 hợp chất. Trong đó có ít nhất 50 hợp chất không phân tách và trong đó chứa các chất có khả năng chống oxy hóa như: Proanthocyanidin, Triterpenoids, Flavonoid, Axit Phenolic và Lignans.

Hình ảnh cây cốt toái bổ

3 Công dụng và liều dùng cốt toái bổ

Công dụng của cốt toái bổ theo Đông y

  • Công dụng cốt toái bổ phải kể đến gồm: Hoạt huyết, dưỡng máu, làm mạnh gân, mạnh xương, giúp bổ thận, giảm đau, cầm máu hiệu quả.
  • Ngoài ra, cốt toái bổ còn giúp điều trị chấn thương do té ngã, chữa ù tai, làm giảm đau nhức lưng, xương khớp, chữa thận hư yếu, trị đau răng, chữa chảy máu chân răng, trị tiêu chảy kéo dài.

Cốt toái bổ và những công dụng thần kỳ

Công dụng của cốt toái bổ theo Tây y

  • Cốt toái bổ có công dụng làm giảm độc tính của Kanamycin đối với tai trong. Tuy nhiên nếu ngưng dùng thì bệnh tai điếc vẫn tiếp tục phát triển.
  • Làm giảm lipid trong máu và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
  • Có tác dụng làm giảm đau và an thần.

Cách dùng và liều lượng

Cốt toái bổ thường được dùng ở dạng rượu ngâm hoặc sắc thái phơi khô đun uống với liều dùng 10g – 20g/ ngày. Cũng có thể dùng cốt toái bổ để đắp ngoài da.

Công dụng của cốt toái bổ theo Tây y

4. Bài thuốc chữa bệnh có cốt toái bổ

Có rất nhiều bài thuốc thần kỳ từ cốt toái bổ, sau đây là một số bài thuốc hay chữa bệnh từ cốt toái bổ:

Bài thuốc trị răng chảy máu và đau nhức răng

Chuẩn bị: Bột cốt toái bổ một lượng vừa đủ để bôi vào chỗ đau, chảy máu.

Thực hiện: Đem xát vào chân răng.

Lưu ý: Nếu bị nặng, có thể dùng cốt toái bổ 16g, thục địa 16g, tế tân 2.4g, cùng với bạch linh, trạch tả, sơn thù, đơn bì và sơn dược mỗi vị 12g. Đem sắc nước uống, ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc chữa gãy xương lâu liền và chứng suy nhược cơ thể ở người cao tuổi

Chuẩn bị: Cốt toái bổ, mẫu lệ, cẩu tích, tục đoạn, hoàng kỳ, đương quy và bạch truật mỗi vị 12g. 16g hoài sơn, đảng sâm và ba kích. Còn thiên niên kiện 8g.

Thực hiện: Đem các vị sắc thành nước uống.

Bài thuốc chữa chứng phong thấp

Chuẩn bị: Lấy rễ bưởi bung, cỏ xước, xích đồng nam, ô dược, tiền hồ và bạch đồng nữ mỗi vị 40g. Cốt toái bổ 40g, vỏ chân chim 100g, rễ gắm 120g,rễ rung rúc 80g, rễ chiên chiến và bạch hoa xà mỗi vị 60g.

Thực hiện: Nấu thành cao đặc. Sau đó ngâm cao đặc với 2 lít rượu trắng 40 độ. Khoảng 3 ngày sau chắt lấy nước dịch trong, uống 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 30ml.

Hãy thận trọng tìm nơi uy tín để mua cốt toái bổ khô trị bệnh

Bài thuốc chữa thấp khớp mãn tính thuộc thể nhiệt

Chuẩn bị: Cốt toái bổ, cam thảo 4g, thiên hoa phấn, thổ phục linh, thạch cao, khương hoạt, độc hoạt, kê huyết đằng, hy thiêm, đan sâm, sinh địa, uy linh tiên và rau má mỗi vị 12g.

Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa máu tụ và bong gân do chấn thương

Chuẩn bị: Rễ củ cốt toái bổ tươi.

Thực hiện: Rửa sạch, loại bỏ hết lá khô, lông tơ, giã nát. Dấp nước gói trong lá chuối đã nướng, đắp lên vùng đau nhức và bó lại.

5. Lưu ý khi dùng cốt toái bổ

  • Không dùng cốt toái bổ cho người âm hư, huyết hư.
  • Cẩn trọng khi dùng cốt toái bổ cho người thiếu máu kèm nội nhiệt và ứ máu.
  • Sử dụng theo liều lượng và theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ, không tự ý sử dụng tùy tiện.

Cốt toái bổ là vị thuốc quý có nhiều công dụng hay

Dù cốt toái bổ là vị thuốc quý, có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà lạm dụng loại dược liệu này. Nên có sự trao đổi với thầy thuốc Đông y để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Hy vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin hữu ích mà bạn đang kiếm tìm!

Theo: Vinmec.com