Giáo sư Tôn Thất Tùng: người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam

01/11/2022

Nhân kỷ niệm 110 ngày sinh của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 – 10/5/2022), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh xin chia sẻ với quý bệnh nhân và đồng nghiệp về sự nghiệp và những đóng góp to lớn của thầy thuốc Tôn Thất Tùng – người đã gây kinh ngạc cho nền y học thế giới bởi phát minh trong lĩnh vực phẫu thuật gan khi mới 27 tuổi.

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) là bác sĩ nổi danh ở Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ông người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch” còn được gọi là “Phương pháp cắt gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Giáo sư Tôn Thất Tùng

Trong 4 năm học nghiên cứu sinh, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phẫu thuật hơn 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu về các mạch máu và từ đó bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp với đề tài “Cách phân chia mạch máu của gan”.

Các phương pháp phẫu thuật gan trước đó phẫu thuật viên thường mất 3-6 tiếng để hoàn thành, tuy nhiên bác sĩ Tôn Thất Tùng đã sáng tạo ra phương pháp phẫu thuật mới giúp giảm thiểu chảy máu bằng cách thắt các tĩnh mạch gan trước ca mổ, giúp ca mổ rút ngắn thời gian chỉ còn từ 4-8 phút.

Kỹ thuật đột phá này được gọi là “Phương pháp Tôn Thất Tùng” và được bác bác sĩ phẫu thuật trên toàn thế giới biết tới và vô cùng khâm phục. Đây chính là cách làm về sau được gọi là phương pháp cắt gan có kế hoạch mà ông là người đầu tiên trên thế giới thực hiện. Chỉ tính riêng 10 năm, từ năm 1936 đến năm 1945, giáo sư Tôn Thất Tùng đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp.

Google Doodle tôn vinh giáo sư Tôn Thất Tùng nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

Với những công lao và những cống hiến to lớn đối với đất nước, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1962, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật và nhiều huân, huy chương khác… Ông được coi là danh nhân y học, nhà bác học tài năng, một thầy thuốc kiệt xuất của Việt Nam và thế giới, một nhà giáo mẫu mực, một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Ông làm việc không mệt mỏi cho đến tận cuối đời và để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng một nền y học Việt Nam hiện đại.

GS. Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt – Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954)

Nhắc đến giáo sư Tôn Thất Tùng là nhắc đến người thầy thuốc đã dành cả cuộc đời tận tuỵ cống hiến cho nền y học nước nhà, được nhiều thế hệ kính nể, khâm phục về tài năng và y đức của vị bác sĩ thiên tài. Đây là tấm gương sáng cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh noi gương học tập, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tu dưỡng y đức, tinh thần thái độ phục vụ, góp phần đưa bệnh viện ngày càng phát triển lớn mạnh không ngừng, thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Theo: Benhviendktinhquangninh.vn