GS. Đặng Văn Chung, người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc nội khoa
SKĐS – GS. Ðặng Văn Chung nhận tôi về Bộ môn Tim mạch, đồng thời là Khoa Nội BV Bạch Mai từ năm 1960, ngay khi tôi mới tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội.
GS. Ðặng Văn Chung nhận tôi về Bộ môn Tim mạch, đồng thời là Khoa Nội BV Bạch Mai từ năm 1960, ngay khi tôi mới tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội. Tôi không quên vinh dự này và nhớ mãi người thầy đã để lại những dấu ấn trong cả cuộc đời về lòng yêu nghề, về sự quý trọng con người, mà chính thầy là một tấm gương không thể phai mờ.
Người ta nói: “Đi một quãng đàng học một sàng khôn”, thầy Chung đối với tôi là quãng đàng đó, thầy không nói nhiều, nhưng chỉ có đi nhiều, trải nghiệm nhiều, mới thấm thía những câu nói giản đơn nhưng đầy ý nghĩa nhân văn một của một con người không ngừng tìm hiểu xã hội, để làm cho tốt hơn, dưới góc độ của một thầy thuốc.
GS. Chung trong phòng làm việc.
Bộ môn và Khoa Nội tổ chức họp giao ban hàng ngày ở giảng đường C. Người đọc chi tiết về tình hình bệnh nhân tại Khoa Nội BV Bạch Mai từ hôm trước, là sinh viên trưởng tua, bác sĩ điều trị. Bác sĩ thường trực là người được Thầy hỏi lại về những trường hợp cần thiết cho chẩn đoán và điều trị, sau đó, tất cả các thầy thuốc và sinh viên đều được nghe bình luận về từng trường hợp một… Tôi nhớ Thầy Chung rất chú ý tới ý nghĩa của các thuật ngữ, vì theo Thầy, việc dùng các thuật ngữ phản ánh quan niệm của người dùng, ví dụ: Thầy rất khó chịu về cụm từ: “toàn trạng tỉnh táo”, mà theo thầy, nên nói cụ thể: “tinh thần tỉnh táo, toàn trạng là tình trạng toàn thân, còn tinh thần người bệnh có thể tỉnh táo, hoặc hôn mê, lú lẫn”. Hàng tuần, thường vào sáng thứ năm, chúng tôi được tổ chức hội chẩn hoặc bình bệnh án ở phòng họp cạnh C4. Phải nói đây cũng là những buổi rất bổ ích. Tôi còn nhớ Thầy Chung thường phê phán thói quen gán chủ quan mình vào mọi diễn biến của nguời bệnh. Cụ Hiệu trưởng Hồ đắc Di thường nói mỉa mai “đó là sự thủ dâm tư tưởng” (Cụ thuộc lớp người quen dùng tiếng Pháp: Se masturber l’esprit). Chúng tôi, những thầy thuốc còn trẻ, ít nhiều đều mắc bệnh đó và với kinh nghiệm nghề nghiệp, có bớt đi tật xấu này, nhưng không thể nói là đã hết.
Bài học đầu tiên: Nên khiêm tốn, vì thực tế không mấy khi như ta nghĩ. Tôi còn nhớ như hôm qua, thành công đầu tiên do Thầy Chung hướng dẫn mình tìm ra trường hợp lên cơn động kinh do u đuôi tuyến tụy (Nésidioblastome) ở một bệnh nhân 38 tuổi, sau đó được cố GS. Tôn Thất Tùng mổ cắt khối u, khỏi hẳn (1961). Thời kỳ chiến tranh, chúng tôi rất quý những buổi chiều thứ hai hàng tuần, mời những đồng nghiệp được đi dự các hội nghị quốc tế hoặc đi học ở các nước Đông hoặc Tây Âu về đến nói chuyện. Tôi còn nhớ BS. Phạm Tử Dương ở BV 108, đi Hunggari về, nói về bloc 1/2 nhánh trái trước và bloc 1/2 nhánh phải sau, từ những năm 70 của thế kỷ trước, mà người nghe thấy lạ lẫm và cá nhân tôi có vinh dự chiếu những hình ảnh siêu âm tim và tâm thanh cơ động đồ. Vào thời gian mà chúng ta chỉ biết dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm Xquang, điện tâm đồ, nhưng nhiều khi kết quả phẫu thuật không phù hợp với lâm sàng… Tôi thấy Thầy Chung có đức tính đáng trân trọng, là biết lắng nghe những ý kiến trái chiều, khi mình không có điều kiện tìm hiểu trực tiếp xuất xứ của chúng. Đây cũng là một bài học về đức tính khiêm tốn mà một người làm khoa học cần phải có.
GS. Đặng Văn Chung và các giảng viên Bộ môn Nội ĐHYHN từ trái sang (hàng ngồi): PGS. Bùi Huy Phú, GS. Nguyễn Khánh Trạch, GS. Đặng Văn Chung, GS. Phạm Gia Khải, GS. Trần Đức Thọ.
Tôi nhớ có một lần, ở C6, tôi điều trị cho hai bệnh nhân trạc hơn 50 tuổi, bị mất phản xạ đầu gối, tôi cho họ vitamin B1, vì cả hai người đều là cán bộ tập kết từ miền Nam ra và ở trong rừng một thời gian khá dài. Bệnh nhân thứ nhất, sau một thời gian ngắn khỏi ngay, nhưng người thứ hai, bệnh tình không thuyên chuyển. Tôi đưa thắc mắc ra hỏi Thầy Chung và sau khi hỏi, khám kỹ người này, Thầy cười, bảo tôi chưa hỏi kỹ về sinh hoạt của bệnh nhân và yêu cầu tôi cho xét nghiệm nước não tủy, làm “keo Benjoin” và khám lâm sàng tìm triệu chứng Romberg, Argyll-Robertson, bóp bụng chân, hỏi xem người bệnh có đau không và yêu cầu người bệnh đi một mình. Tôi thấy bệnh nhân phải nhìn mặt đất để đặt chân mình cho khỏi ngã, dáng đi loạng choạng. Bệnh nhân bị bệnh Tabes, một biến chứng thần kinh của giang mai. Một bài học: Một số triệu chứng bệnh nhân có thể giống nhau, nhưng hỏi và khám kỹ, ta có thể tìm thấy nguyên nhân bệnh có thể khác nhau. Tôi tự tìm hiểu và càng thấm thía câu nói của Thầy: Không được dễ dàng với những điều mình thấy, phải có logic trong tư duy, phải biết “nổi loạn với những cái phi lý, phải biết không mê tín”, nhưng đồng thời cũng “phải biết khai thác có hệ thống những gì liên quan tới đời sống của người bệnh, vì bệnh tật của con người không thể tách rời với cuộc sống, tới gia đình của người ta”… cách tiếp cận khác với các bộ máy mà quy luật vận hành không như ở con người. Một bài học: Làm thầy thuốc, nhân văn là điều không thể thiếu, vì chúng ta không chữa một cái máy, mà là con người, cho dù khoa học có phát triển, giúp đỡ rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị, nhưng con người vẫn là một bộ máy tuân theo những quy luật mà chúng ta chưa biết đầy đủ… Tôi nhớ một chuyện vừa vui mà cũng buồn: Một người bạn lớn tuổi của tôi, lấy vợ trẻ, trông anh rất phương phi và anh bị tăng huyết áp. Anh nhờ tôi, nhờ một số đồng nghiệp có tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm điều trị nhưng không khỏi triệu chứng bệnh, bèn đến Thầy Chung, khi đó vừa ở trong Nam ra. Anh bạn kể lại: “Ông cụ hỏi và khám bệnh cho tôi tới gần một giờ, sau đó, tôi phải nói ra sự thực là hiện đang dùng một loại thuốc tổng hợp đạm (anabolisant) mua bên Thái. Tôi ngừng dùng, huyết áp đã trở lại bình thường”… Phải chăng vì có nhiều kinh nghiệm nên Thầy đã tìm ra bệnh? Phải chăng Thầy có giác quan thứ 6 phát triển? Tôi nghĩ là rất có thể và đó là “quãng đàng khôn” mà nếu được đi trên đó mãi, tôi cũng không thấy chán…
GS. Đặng Văn Chung, GS. Phạm Gia Khải (ngồi giữa).
Chúng tôi có truyền thống chiều mồng 3 Tết âm lịch nào cũng đến chúc Tết Thầy Chung và gia đình. Vào những năm trước khi ra đi vĩnh biệt chúng tôi, Thầy khuyên: Các anh nên đi sâu nghiên cứu về Sexologie (tình dục học), vì rất nhiều suy nghĩ và hành động của con người không tránh khỏi cái đó đâu, không nên chỉ coi đó là việc làm của mấy người làm tiết niệu, nội tiết hay của thần kinh, tâm thần, mà là của người thầy thuốc biết tổng hợp các kiến thức y học. Chúng tôi còn nợ Thầy câu trả lời đó khi Thầy đã đi xa…
Nếu nói trả ơn Thầy Chung thì hơi quá đáng, vì không thể trả đủ công ơn về quan điểm và kiến thức mà Thầy đã tặng chúng tôi qua năm tháng. Nhưng tôi có may mắn góp một phần nhỏ của mình khi được yêu cầu nói về Thầy ở Ủy ban Khoa học Nhà nước, với sự có mặt của GS. Hoàng Đình Cầu, người chủ trì cuộc họp. Tôi chỉ nói từ đáy lòng mình những gì mình nhận thức được. Về sách giáo khoa, chúng tôi đã nhờ sách của Thầy viết ngắn gọn, súc tích, của một người truyền đạt kiến thức lâm sàng cho các thế hệ sau với tư cách của một nhà lâm sàng, mà trong thực tế đã giúp ích cho rất nhiều người bệnh và các thế hệ kế tiếp. Nếu nói về kiến thức lâm sàng với những năm làm giải phẫu bệnh ở bệnh viện để có thể giải thích được nhiều bệnh lý mà thầy thuốc không tìm thấy, chúng tôi không thấy người thứ hai có công trình đồ sộ và quý giá như GS. Đặng Văn Chung. Nếu nói về nhân văn của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, tôi đã nhắc lại tâm sự của Thầy: “Người bệnh tin mình lắm, không ai dễ tin thầy thuốc như họ”… làm thế nào để bệnh nhân tin mình? Có thể suốt đời mình phải phấn đấu sao cho được xã hội tin yêu?
GS.TS. PHẠM GIA KHẢI (Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia – nguyên Trưởng Bộ môn Tim mạch ĐHYHN)
Theo: Suckhoedoisong.vn