GS. Đặng Văn Chung – Người thầy lớn của nhiều thế hệ thầy thuốc

26/12/2022

(Dân trí) – “GS. Đặng Văn Chung là người thầy lớn, nhà sư phạm kiệt xuất, người thầy thuốc lâm sàng đại tài, giản dị, gần gũi, tận tụy và là tấm gương Y đức sáng ngời”, GS.TS. Ngô Quý Châu viết.

GS. Đặng Văn Chung – Tấm gương y đức sang ngời

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS Đặng Văn Chung, báo Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS. Ngô Quý Châu về Người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt nam này:

“GS. Đặng Văn Chung sinh năm 1913, tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông học tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat, một trường ở Sài Gòn, nổi tiếng “kén học trò giỏi”. Năm 1933, ông thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Đông Dương, năm 1937 thi đỗ kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông là một trong những bác sĩ tham gia xây dựng ngành y tế Việt nam từ những ngày đầu cách mạng như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đỗ Xuân Hợp, GS. Hồ Đắc Di, GS. Nguyễn Trinh Cơ,… Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), các thầy đã cùng GS. Hồ Đắc Di lên xây dựng trường Y giữa núi rừng Việt Bắc, vừa duy trì việc dạy học cho các sinh viên, vừa phục vụ các đơn vị bộ đội trên các chiến trường.

Năm 1954, Giáo sư Đặng Văn Chung được trao nhiệm vụ xây dựng bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội – giảng dạy đào tạo các thế hệ thầy thuốc, tổng Khoa Nội bệnh viện Bạch Mai, trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân. Giáo sư đã tự nguyện xin thôi chức Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hà Nội mà chỉ đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Tổng chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, nhằm tập trung chuyên tâm vào việc đào tạo giảng dạy và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trong những năm chiến tranh phá hoại, GS. Đặng Văn Chung ở lại thành phố, chữa chạy cho những bệnh nhân nguy kịch ở Bệnh viện Bạch Mai và cấp cứu chiến thương, cùng góp sức với các cán bộ chiến sỹ và nhân dân thủ đô làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”.

GS. Đặng Văn Chung là một nhà sư phạm kiệt xuất. Tác phong sư phạm của Thầy không phải ở tính triết lý hay thuyết giáo mà ở ngay tính cách mẫu mực thị phạm trong công việc khám chữa bệnh hàng ngày cho bệnh nhân. Thầy dành thời gian hướng dẫn uốn nắn sinh viên, bác sĩ trẻ từ cách hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng tỷ mỷ và có hệ thống như cách khám bụng, khám hạch, không bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào có liên quan đến người bệnh, làm bệnh án, đến lập luận chẩn đoán, chỉ định các xét nghiệm và diễn giải kết quả xét nghiệm… giúp sinh viên không bị lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết, và thấy chính người bệnh mới là nguồn cung cấp các dữ kiện. Các bài giảng của Thầy bao giờ cũng rất sinh động, dễ hiểu và nhớ lâu.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và thiếu thốn của những năm 1970 của thế kỷ trước, GS. Đặng Văn Chung đã dành nhiều công sức và trí tuệ để viết 2 cuốn “Bệnh học Nội khoa”, “Điều trị học” cũng như hàng loạt tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Những phút ngớt bom rơi, ông ngồi sửa chữa, bổ sung bản thảo sách. Những cuốn sách này chứa đựng những kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng cực kỳ quý giá, được coi như “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Y. Các cuốn sách đó vẫn được các thế hệ thày trò các bộ môn hệ nội cập nhật và sử dụng giảng dạy.

GS. Đặng Văn Chung đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo các thế hệ cán bộ giảng dạy

Thầy luôn nhắc nhở phải đưa vào bài giảng những kinh nghiệm, sự say mê, sự đối xử công bằng đối với người bệnh. Thầy yêu cầu các cán bộ trẻ phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, phải giảng thử trước, rồi mới giảng thật ở trên bục giảng. Thầy luôn nhấn mạnh đào tạo ra một bác sĩ kém là không tốt, nhưng nếu đào tạo ra một bác sĩ kiêm thầy giáo kém thì sự nguy hại còn tăng lên gấp 2, 3, 4 lần vì người thầy đó sẽ đào tạo ra những người thầy thuốc khác cũng kém cỏi và cứ như thế sự thiệt hại sẽ tăng lên không thể biết trước được.

GS. Đặng Văn Chung rất quan tâm đến đào tạo sau đại học. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, GS. Đặng Văn Chung đã cùng các thầy cô lão thành: GS Phạm Khuê, Nguyễn Khánh Trạch, Trần Đức Thọ, Trần Ngọc Ân, Phạm Gia Khải, Vũ văn Đính… xây dựng chương trình, triển khai đào tạo BS. Nội trú, chuyên khoa cấp I, cấp II… Theo yêu cầu của Bộ Y Tế, GS. Đặng Văn Chung đã trực tiếp mở nhiều lớp đào tạo tập huấn cho các thày thuốc ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố khác trên mọi miền đất nước.

GS. Nguyễn Văn Chung (người đeo kính) trong 1 lần gặp bác Hồ

GS. Đặng Văn Chung còn là người thầy thuốc mẫu mực, là một tấm gương về tinh thần tận tụy hết lòng hết sức cố gắng chăm sóc cứu chữa người bệnh. Trong các bài giảng, lúc khám chữa bệnh, GS. Đặng Văn Chung luôn căn dặn, giảng giải cho sinh viên về đạo đức nghề nghiệp, và làm gương qua thái độ mẫu mực, tận tụy của với người bệnh.

Bệnh nhân dù giàu hay nghèo, người quen hay không Thầy vẫn nhiệt tình chu đáo, ân cần chữa trị. Không chỉ đơn thuần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mà GS. Đặng Văn Chung còn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người bệnh để có thể chia sẻ bớt phần nào mối lo toan của họ. GS. Đặng Văn Chung chính là người đã đề xuất: Sinh viên trường Y ra trường phải học thuộc lời thề Hippocrates để trau dồi Y đức.

Giáo sư Đặng Văn Chung là người có tầm nhìn xa, đã định hướng chọn lựa, đào tạo cán bộ, đặt nền móng xây dựng các chuyên khoa hệ nội thuộc bệnh viện Bạch Mai cũng như các bộ môn hệ nội thuộc trường Đại học Y Hà Nội… Ngày nay các đơn vị này đã lớn mạnh, trở thành các đơn vị chuyên khoa đầu ngành như Viện Tim mạch Việt Nam, trung tâm Chống độc, trung tâm Hô Hấp, trung tâm phục hồi chức năng, các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, Cơ xương khớp, Nội tiết, thận tiết niệu, tiêu hóa… cũng như các bộ môn Nội Tổng Hợp, Tim mạch, cấp cứu hồi sức, phục hồi chức năng… thuộc trường Đại học y Hà Nội. Các thế hệ học trò của Thầy đã và đang công tác ở khắp mọi miền tổ quốc, đảm nhận trọng trách trong nhiều lĩnh vực y tế, trong đó có nhiều người hiện là các Giáo sư, các chuyên gia đầu ngành, có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tất cả đều luôn tự hào được là học trò của Giáo sư Đặng Văn Chung.

Trải qua hơn 60 năm cống hiến, Giáo sư đã đảm nhiệm nhiều trách nhiệm, vị trí quan trọng trong ngành Y tế như khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ cấp cao của Đảng, chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ Y tế, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Nội, và Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai. Lúc sinh thời, Giáo sư Đặng Văn Chung đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng ba, Huân chương lao động Hạng Nhất, huân chương kháng chiến chống mỹ hạng nhất, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và nhà giáo nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

GS. Đặng Văn Chung là một nhà lâm sàng học cực kỳ uyên bác. Chỉ bằng bàn tay và khối óc, qua hỏi bệnh, khám bệnh kỹ lưỡng phối hợp với những dụng cụ y học thô sơ, một số xét nghiệm thông thường, GS. Đặng Văn Chung đã chẩn đoán phát hiện nhiều loại bệnh khó mà ngày nay phải nhờ đến những phương tiện, xét nghiệm hiện đại cao cấp mới chẩn đoán được, ví dụ như bệnh hạ đường huyết do u tụy, cao huyết áp do u tủy thượng thận, bệnh đa u tủy xương…

Ngày 24/2/1999 GS. Đặng Văn Chung đã qua đời vì bệnh nan y, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, các thế hệ học trò và người bệnh. Thầy được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Năm 2000, GS. Đặng Văn Chung được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

Chúng ta có thể khẳng định rằng GS. Đặng Văn Chung đã có những cống hiến vô cùng to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đào tạo thầy thuốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân. GS. Đặng Văn Chung là người thầy lớn, nhà sư phạm kiệt xuất, người thầy thuốc lâm sàng đại tài, giản dị, gần gũi, tận tụy và là tấm gương Y đức sáng ngời”.

 

GS.TS. Ngô Quý Châu

Trưởng bộ môn Nội Tổng Hợp- Đại học Y Hà nội

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Theo: Dantri.com.vn