GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Bác sĩ với “đôi tay vàng” trong phẫu thuật nhi khoa

01/11/2022

Thành công với nhiều ca mổ phức tạp đi vào lịch sử y học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec là một trong 2 nhà khoa học của Việt Nam lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2019, do Tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn.

40 năm với sự nghiệp y học và những ca mổ khó tin

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được Tạp chí Asian Scientist đưa vào mục “các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học đời sống” cùng một nhà khoa học nữa của Việt Nam được vinh danh là TS Nguyễn Thị Hiệp, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Trong phần tóm tắt thành tích, Tạp chí Asian Scientist đã nêu hàng loạt thành tích mà GS.TS Liêm đã thực hiện trong quãng thời gian cống hiến cho nền y học nước nhà.

40 năm gắn bó với Bệnh viện Nhi Trung ương, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên thành công trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa như ghép thận, ghép gan, phẫu thuật tách song sinh dính liền ở trẻ em. Đặc biệt, với ca phẫu thuật phức tạp nhất mà GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trải qua là ca mổ tách hai bé sinh đôi Cúc – An dính nhau suốt từ xương ức đến bụng 17 năm trước. Ca phẫu thuật tách đôi Cúc-An kéo dài gần 10 giờ và các bộ phận bị dính như xương ức, khoang màng tim, gan, tá tràng và ruột non đều được tách thành công. Thời điểm đó (năm 2003), báo chí trong đó có Báo ảnh Việt Nam đã đưa tin về ca phẫu thuật đặc biệt này với tần suất dày đặc. Đến giờ, hai cô bé Cúc – An đã bước vào tuổi 18 và luôn coi GS.TS Liêm và các bác sĩ chăm sóc mình năm đó là ân nhân, trong đó GS Liêm được coi là “người cha thứ hai”.

Hai cháu bé Lê Thị Thu Cúc và Lê Thị Thúy An và mẹ ngày 15/10/2003, 24h trước khi ca mổ tách đôi phức tạp nhất ở Việt Nam
từ trước tới nay và tương đối hiếm trên thế giới… Ảnh: Lê Anh Tuấn

… ca mổ bắt đầu lúc 6h30 phút ngày 16/10/2003. Ảnh: Lê Anh Tuấn

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và kíp mổ hội chẩn trong quá trình mổ tách cặp đôi song sinh Cúc-An. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Gần 3 năm sau ca phẫu thuật, hai bé Cúc-An xem lại những hình ảnh của mình trên Báo ảnh Việt Nam
số 541, tháng 1 năm 2004. Ảnh: Trọng Chính

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trong chuyến về Thanh Hóa thăm lại hai bệnh nhân đặc biệt của mình ngày 17/9/2006.
Ông cùng với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương trong kíp phẫu thuận năm đó được gia đình hai bé Cúc-An coi là ân nhân,
riêng ông như là “người cha thứ hai’ của hai cô bé. Ảnh: Trọng Chính

Hai bé Lê Thị Thu Cúc và Lê Thị Thúy An trong vòng tay mẹ Trịnh Thị Bình ngày 17/9/2016, 3 năm sau ca phẫu thuật mổ tách đôi thành công. Ảnh: Trọng Chính

Thấm thoắt đã sang năm thứ 16 sau ca phẫu thuật phức tạp của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, hai cô bé Cúc-An đã ra dáng là hai thiếu nữ với
chiều cao 1m68 (Cúc) và 1m65 (An). Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Dành trọn sự nghiệp của mình chữa bệnh cho nhân dân, GS.TS Liêm còn là tác giả cụm công trình ghép tạng đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2005) và Cụm Công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt (năm 2012). Những công trình khoa học này mở ra một hướng đi mới trong phẫu thuật nội khoa của y học Việt Nam và khẳng định tên tuổi của bác sĩ Việt Nam trong ngành nhi khoa thế giới.

Tại châu Á, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là một trong những người triển khai sớm nhất phẫu thuật nội soi trẻ em với 9 kỹ thuật mổ nội soi mới, đóng góp cho thành tựu của y học quốc tế. Đặc biệt, tronglĩnh vực phẫu thuật u nang ống mật chủ, ông đã có 6 công trình nghiên cứu và phẫu thuật cho hơn 500 bệnh nhân, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành cho hơn 300 người. GS Nguyễn Thanh Liêm đã được mời viết chương U nang ống mật chủ cho sách giáo khoa Nhi dành cho các bác sĩ của Anh và Mỹ. Ông cũng đã được mời mổ trinh diễn để chuyển giao kỹ thuật ở nhiều nước như Italy, Hà Lan, Ấn Độ, Philipine, Indonesia….. Với những ca ghép tủy xương, suy tụy và tan máu, ông cũng là bác sĩ tiên phong đưa ứng dụng ghép tế bào gốc vào nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm 2018, ông là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei Châu Á về khoa học – công nghệ vì những cống hiến trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đã có 200 công trình nghiên cứu y học, 84 công trình được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và các nước châu Âu. Ông cũng là đồng tác giả của 2 quyển sách giáo khoa về phẫu thuật Nhi xuất bản tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và 4 đầu sách xuất bản tại Việt Nam.

Ghép tế bào gốc – công trình lớn của y học Việt Nam

Ghép tế bào gốc là công trình khoa học tâm huyết mà GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đã ấp ủ thực hiện từ nhiều năm, khi ông là Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đó, ông là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công ghép tế bào gốc điều trị xơ phổi ở trẻ sơ sinh và rối loạn đại tiện ở trẻ bị thoát vị màng não tủy. Ngoài ra, ông và các đồng nghiệp cũng tiến hành nhiều ca ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh khác như đau tủy, liệt tủy do chấn thương cột sống, teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp gối, xơ gan ở trẻ em….

Sau khi nghỉ quản lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2012, theo GS.TS Liêm, đây mới là thời gian “chín” cho nghiên cứu khoa học. Ông mang tâm huyết và những kinh nghiệm của mình tiếp tục cống hiến cho y học Việt Nam, đặc biệt là đưa công trình “Ghép tế bào gốc” ứng dụng trong điều trị bệnh nhân. Nhận lời mời làm Giám đốc bệnh viện VINMEC, ông đã hiện thực hóa những công trình khoa học này mở ra những hướng điều trị tốt nhất cho trẻ em tự kỷ, bại não. Hiện ở vị trị Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ Gen VINMEC, ông vẫn miệt mài cùng các đồng nghiệp chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, người đã có nhiều cống hiến cho y học nước nhà trong lĩnh vực phẫu thuật nhi khoa, tháng 1 năm 2020. Ảnh: Việt Cường

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm Liêm báo cáo công trình khoa học về Ghép tế bào gốc tạo máu tại Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhận Giải thưởng Nikkei vì những cống hiến trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa
và ghép tế bào gốc góp phần đem lại sự thay đổi cho cuộc sống người dân châu Á năm 2018. Ảnh: Tư liệu

Tại các Hội thảo quốc tế, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ cùng các đồng nghiệp
là các bác sĩ, chuyên gia y khoa, những người luôn quan tâm hợp tác với y học Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm theo dõi mạch cho một bệnh nhân mới ghép tế bào gốc tại Bệnh viện VINMEC. Ảnh: Việt Cường

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trong một ca phẫu thuật cho trẻ thoát vị rốn ngay sau khi-sinh. Ảnh: Tư liệu

Nụ cười đôn hậu và sự ân cần với người bệnh của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm khi hỏi thăm sức khỏe của một bệnh nhân vừa qua cơn đột quỵ. Ảnh: Việt Cường

Với các ca mổ khó, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm luôn tạo điều kiện để các bác sĩ ngoại khoa trẻ được tham gia và
ông hướng dẫn nâng cao tay nghề, đào tạo lớp học trò kế cận. Ảnh: Tư liệu

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ niềm vui với ông bố có trẻ ghép tế bào gốc chữa xơ phổi đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Nhiều trẻ bại não đã cải thiện chức năng vận động và phát triển trí tuệ sau điều trị, thay đổi cuộc sống của bệnh nhi. Công nghệ ghép tế bào gốc được GS.TS Liêm mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị bệnh tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ; xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn.

Với thành công bước đầu trong việc ghép tế bào gốc chữa bại não, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự tại VINMEC mong muốn sớm có thể mở ra hướng điều trị tối ưu cho căn bệnh gây ra tỷ lệ tàn tật cao nhất ở trẻ em hiện nay và đưa VINMEC hướng đến trở thành Trung tâm ứng dụng tế bào gốc hiện đại nhất Đông Nam Á./.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông cũng từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Ngoại Nhi Việt Nam (VAPS), Phó chủ tịch Hiệp hội Ngoại Nhi châu Á (AAPS), Thành viên, đồng Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Hiệp hội Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa quốc tế (IPEG).

Bài: Bích Vân – Ảnh: Việt Cường và Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Theo: Vietnam.vnanet.vn