Hậu quả khó lường khi tùy tiện dùng thực phẩm chức năng cho trẻ

18/11/2022

Thay vì đưa con đi khám, kiểm tra xem trẻ thiếu chất gì và bổ sung theo chỉ định của bác sĩ, nhiều cha mẹ chọn mua các loại thực phẩm bổ sung qua mạng, tự ý sử dụng cho con.

Thấy con gái có chiều cao thiếu so với chuẩn khoảng 4 cm, anh N.H.Q. (29 tuổi, Hà Nội) không đưa bé đến bệnh viện kiểm tra mà lập tức lên mạng tìm hiểu về các sản phẩm giúp tăng chiều cao cho trẻ.

Anh Q. cho biết sau vài giờ đọc các bài viết quảng cáo vẫn không biết nên mua loại nào vì như lạc vào “rừng” các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe.

Suy thận, viêm gan vì thực phẩm chức năng

Gần đây, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp 2 anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.

Qua thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán 2 bệnh nhi này bị ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài.

Theo chia sẻ từ gia đình, cha mẹ 2 bé có mong muốn con phát triển khỏe mạnh, phòng tránh khả năng còi xương nên đã cho trẻ uống vitamin đều đặn mỗi ngày từ sau khi chào đời tới nay.

Tuy nhiên, bà của 2 bé thấy các cháu thích uống, lại nghĩ vitamin D chỉ là thuốc bổ, sử dụng nhiều cũng không sao, nên đã cho 2 cháu uống tùy thích thay vì theo liều lượng quy định.

Bé M.H. sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: L.G.

Một khoảng thời gian dài sau đó, 2 trẻ đã uống vitamin D trực tiếp từ lọ, không dùng dụng cụ đong thuốc hay có lần dùng nhưng lại lấy nhiều hơn liều quy định.

Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả cho thấy 2 bé đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn thông thường, nồng độ PTH giảm, thận 2 bên nhu mô tăng âm.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp nhận một bệnh nhi nữ, 5 tuổi bị viêm gan cấp và đau khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng tăng chiều cao.

Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng cho trẻ” lên mạng xã hội, Google hay các trang thương mại điện tử, người dân có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều loại khác nhau. Nổi bật nhất là các sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao, phát triển trí tuệ hay giúp ăn ngon, tăng cân. Nguồn gốc có thể từ Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ… Giá cả cũng rất đa dạng, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Đáng lưu ý, đa số thực phẩm chức năng là hàng “xách tay”, chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng nhưng được rất nhiều người đặt mua qua mạng. Nhiều cha mẹ tin tưởng làm theo hướng dẫn sử dụng của người bán hàng dù họ không có chuyên môn hay bằng cấp về lĩnh vực này.

Chị T.H., nhân viên tại một nhà thuốc trên đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết nhu cầu mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho trẻ khá nhiều.

“Phụ huynh thường hỏi mua các loại giúp trẻ ăn giảm biếng ăn, tăng chiều cao… Bên cạnh đó, một số ít cha mẹ tìm mua thuốc giảm cân cho con vì béo phì, thừa cân sớm. Do nhu cầu của khách hàng đa dạng, nhà thuốc cũng phải nhập nhiều loại khác nhau như của Việt Nam và nước ngoài để bán”, chị H. nói.

Đừng để bổ quá hóa hại

TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho biết không phải trẻ nào cũng cần dùng thực phẩm chức năng. Chúng không thể thay thế cho việc ăn uống điều độ và không phải là thuốc trị bệnh.

Người dân lạm dụng loại thực phẩm chức năng nào cũng đều không tốt. Những trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, không có nguy cơ gì về hấp thu, không cần bổ sung thực phẩm chức năng.

Ông cho biết nhiều phụ huynh nghĩ rằng cứ cho trẻ uống nhiều thực phẩm chức năng trẻ sẽ cao lớn và thông minh hơn. Quan điểm này không đúng khoa học.

“Rất ít người đưa con đi khám, kiểm tra xem trẻ thiếu chất gì và bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Họ đặt niềm tin vào ‘bác sĩ Google’ hoặc nghe truyền tai nhau về một sản phẩm nào đó. Con trẻ sẽ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp”, TS Hùng nói.

Theo vị chuyên gia này, đa phần trẻ em nên bổ sung vitamin D. Các loại thực phẩm chức năng như canxi, vitamin K… không cần thiết nếu trẻ ăn uống đầy đủ và chúng cũng có nhiều trong thực phẩm.

TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ. Ảnh: DSCC.

Bên cạnh đó, khi trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể khỏe mạnh thì thể lực, trí não cũng phát triển tự nhiên, không thể có sản phẩm nào mang công dụng “thần thánh”, uống vào sẽ thúc đẩy sự thông minh. Người bán thường thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng để bán hàng.

Theo thạc sĩ Trần Hồng Loan, nghiên cứu sinh ngành Sinh học phân tử, Viện Nghiên cứu Hợp chất Thiên nhiên, ĐH Y Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), người tiêu dùng cần chú ý đến các thành phần được bổ sung trong loại thực phẩm đó. Một số yếu tố cần quan tâm là hàm lượng, tác dụng, liều giới hạn hàng ngày và độc tính.

Nếu thực phẩm được bổ sung vitamin hay khoáng chất, chúng ta có thể biết chính xác thành phần và hàm lượng. Tuy nhiên, với các sản phẩm được bổ sung thảo mộc, việc đánh giá sẽ khó khăn hơn.

Ví dụ với trà sâm, sản phẩm này được quảng bá là bổ sung thành phần dịch chiết nhân sâm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hàm lượng dịch chiết nhân sâm trong mỗi tách trà là bao nhiêu, hàm lượng này có đủ tạo ra hiệu quả có lợi hay không lại không được đề cập hay chứng minh.

Theo các chuyên gia chúng ta cần nhớ mọi loại thành phần bổ sung không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Chúng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng tùy tiện.

Do liều dùng và tác dụng không mong muốn của thành phần bổ sung chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta cần cẩn trọng, kiểm tra thông tin thành phần, cách dùng để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, người dân cũng không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng. Thay vào đó, chúng ta cần đa dạng hóa món ăn, tránh tập trung vào một nhóm thực phẩm nhất định.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ các loại thuốc hay vitamin nào, đồng thời nên tuân thủ các hướng dẫn sau:

  • Không tự ý mua thuốc, vitamin cho con uống. Phải dùng thuốc, vitamin theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác, người lớn cho trẻ.
  • Thuốc, vitamin nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.
  • Để thuốc, vitamin ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để trong tủ có khóa an toàn.
  • Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, loại bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.
  • Không nên uống thuốc trước mặt trẻ vì trẻ rất dễ bắt chước.
  • Người chăm sóc trẻ phải chắc chắn biết rõ và dùng đúng liều lượng thuốc, vitamin theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hay trên tờ hướng dẫn sử dụng khi cho trẻ uống thuốc.

Theo: Zingnews.vn