“Hãy yêu nhau, bằng hữu sưởi lòng nhau”
Căn phòng của PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết nằm ở cuối hành lang Bệnh viện Việt Đức, nơi ông đã cả một đời gắn bó với công việc của người thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Ông cũng là một trong những bác sĩ hàng đầu về phẫu thuật ghép tạng, mang lại cho Việt Nam những tiến bộ và thành công trong nghiên cứu ghép tạng sánh ngang tầm thế giới.
Với những đóng góp của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã được vinh danh với nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Thầy thuốc ưu tú; Thầy thuốc nhân dân; Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Công dân ưu tú trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…
Hơn 20 năm không đón giao thừa ở nhà
Ấn tượng khi tiếp xúc với ông, khác hẳn với suy nghĩ ban đầu về một vị bác sĩ nổi tiếng mà tôi đã được nghe danh đã lâu. Ông đầy sự cương trực, thẳng thắn, nghiêm nghị nhưng cũng đầy hài hước, dí dỏm và có một tâm hồn yêu thơ ca nồng nàn. Ông có thể thuộc và nhớ rất nhiều bài thơ Nga, những bài thơ bay bổng, lãng mạn của một thời thanh niên sôi nổi ông và bạn bè đã sống, cống hiến.
PGS.TS, Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ: Tôi về hưu gần hai năm nay nhưng lúc nào cũng cập nhật tình hình ở mọi lúc mọi nơi. Tôi vẫn cho rằng, việc mình đọc, nghe, nhìn một cái gì đó đều có ích, không “bổ ngang thì bổ dọc”. Tôi có 5 năm làm Phó Giám đốc, 11 năm làm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đó là quãng thời gian không một ngày nghỉ và luôn gắn bó với bệnh nhân, được chữa bệnh cho bệnh nhân là một mục đích cuối cùng không chỉ tôi mà của đội ngũ các y bác sĩ chúng tôi hướng tới.
Nhớ lại những năm xưa, ngay cả trong thời điểm làm quản lý bận rộn với tỉ thứ việc, tôi vẫn dành tám mươi phần trăm thời gian vào công việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, trực thâu đêm, mổ trắng đêm cũng là việc rất đỗi bình thường. Hơn mười năm tôi không có một ngày nghỉ phép, hơn 20 năm nhưng Tết không đón giao thừa ở nhà. Năm nào đêm 30 Tết tôi cũng trực ở viện. Nhưng đó là một nhịp sống đã gắn bó và quen thuộc, đến nỗi chẳng có điều gì khác biệt dù ai nghe cũng nghĩ là kỳ lạ lắm. Hai năm nay nghỉ quản lý tôi trở lại nhịp sống của một bác sĩ điều trị, phẫu thuật thì mới có đêm 30 đón giao thừa cùng gia đình…”.
Định mệnh với nghề y
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết sinh ra và lớn lên ở Ý Yên, Nam Định trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Cụ nội của ông vốn là một thầy thuốc nổi tiếng của vùng Ý Yên lúc bấy giờ. Nhưng cho đến thế hệ bác sĩ Quyết, như là sự sắp đặt của số phận, ông mới lại theo đuổi con đường y học. Cho dù tốt nghiệp cấp 3, ông khát khao thi vào Khoa Toán Trường Tổng hợp, nhưng số phận đưa đẩy, ông lại đỗ vào Trường Y rồi sang Đức tu nghiệp nhiều năm liền.
Ông trở về Bệnh viện Việt Đức làm việc và gắn bó từ đó cho đến nay. Đó như một ngôi nhà thứ hai để ông cống hiến những kiến thức y học của mình học và tích lũy cả một đời để chữa bệnh, cứu người. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam với ca ghép gan thành công từ người cho chết não đầu tiên. Sau đó ông thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức, tiến hành gần 40 ca ghép gan và hàng ngàn ca ghép tạng khác.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nổi tiếng là người quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với thử thách.
Ông kể: Trước khi thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đã có người gàn ông đừng đánh đổi danh tiếng, sự nghiệp của người thầy thuốc lấy trọng trách nặng nề đó nhưng ông vẫn quyết tâm làm.
Ông vẫn nhớ như in vào lúc 0 giờ 40 phút, ngày 20-5-2010, ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện. Dù đã cầm dao mổ cho hàng nghìn ca bệnh hiểm nghèo nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên một cảm giác không thể tả. Khi ca mổ thành công, lá gan chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự hồi sinh, gần 100 cán bộ y bác sĩ siết chặt tay nhau vui sướng. Để người bệnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn tạng hiến từ người cho chết não, Trung tâm Điều phối ghép tạng được thành lập. Đặc biệt, những ca ghép tạng ở Việt Nam lại có chi phí rẻ chỉ bằng 1/3 so với các nước trên thế giới.
Ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại BV chỉ hết khoảng 500 triệu đồng, trong khi ở các nước trên thế giới, chi phí này là 1-1,5 tỷ đồng; chi phí ghép thận tại BV là 200-300 triệu đồng, còn ở các nước khác trong khu vực là 600- 700 triệu đồng.
Sau những thành công ban đầu, hàng ngày vẫn phải chứng kiến những ca bệnh hiểm nghèo, mà muốn cứu sống những bệnh nhân này, chỉ có nguồn tạng từ người cho chết não. Nhưng làm thế nào để vận động được nguồn tạng này hoàn toàn không dễ. Đích thân ông đã thực hiện vận động thân nhân bệnh nhân chết não, giải thích để họ hiểu rằng, hiến tạng chính là hồi sinh sự sống từ cái chết, một hành động mang tính nhân văn cao cả.
Ông cũng là người không chịu được cảnh hàng ngày phải chứng kiến cảnh bệnh nhân đau đớn vì bệnh tật lại còn phải ghép chung gường bệnh cùng nhau, thậm chí nằm đất.
Ông đã tìm cách để giảm tải với “Đề án 1816”. Bệnh viện tổ chức phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám; rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị; xây dựng phát triển hệ thống 7 “bệnh viện vệ tinh”, cử bác sĩ xuống tuyến dưới chữa bệnh cho người dân, thậm chí ông cũng đích thân đến tận các điểm nóng để chữa bệnh cứu người.
Thời điểm ban đầu bệnh viện chỉ có 430 giường bệnh thì đến tháng 4-2015 có 1.500 giường cho bênh nhân. Cách đây chục năm mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện phẫu thuật khoảng 16 nghìn ca bệnh thì giờ đây mỗi năm là 50 nghìn ca.
Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức hoạt động trên mọi lĩnh vực, giỏi về ngoại khoa không thua kém gì các nước trên thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật gan, mật, tụy, tạng. Đặc biệt, cũng như PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết tiếp nối truyền thống của các thầy đi trước như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách… thì ông cũng đã truyền lại được cho nhiều thế hệ học trò của mình những kỹ năng và tâm đức nghề y.
33 ca ghép gan và những vui buồn trong cuộc đời làm nghề
Trong lĩnh vực ghép thận, gan, tụy… thì ghép gan khó nhất và đó là phương pháp cuối cùng khi tất cả những phương pháp khác đã không thể. Tại Việt Nam hiện có khoảng 40 ca ghép gan người lớn thì riêng Bệnh viện Việt Đức, trong đó PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã cùng êkip ghép được 33 ca và tỉ lệ sống sau một năm là 90 phần trăm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật Gan Mật đang mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quyết chia sẻ: Tuy các bác sĩ của chúng ta chưa giỏi như thế giới nhưng trong 33 ca ghép thì chúng tôi tiên lượng chính xác đến từng chi tiết một, ví dụ ca mổ 10 tiếng thì tiên lượng đâu là thời gian hồi sức, gây mê và đâu là thời gian khó nhất để tập trung tinh hoa cho bệnh nhân. Đã có 30 ca ra viện thành công và 3 ca bệnh nhân không qua được do bệnh lý quá ngặt nghèo, không thể chữa trị vì đã ở giai đoạn cuối khó có thể cứu vãn được. Chúng tôi vẫn gặp lại nhau, trở thành những người bạn, thường có những cuộc liên hoan hàng năm…
Trong nghề, có rất nhiều câu chuyện thành công mang đến hạnh phúc cho cả gia đình bệnh nhân lẫn bác sĩ. Chẳng hạn như câu chuyện của một bệnh nhân nam 53 tuổi mới phẫu thuật tuần trước. Bệnh nhân bị suy tim và vừa mổ thay van tim cách đây hơn một năm và hiện nay đang dùng thuốc chống đông để lưu thông máu, nhưng không may anh lại bị tai nạn và bị vỡ gan, nhưng mãi một tuần sau khi tai nạn mới vỡ tung ra.
Khi đến bệnh viện thì tôi cũng hội chẩn và tiên lượng, vì bệnh nhân dùng thuốc chống đông nên có thể máu khó đông khi phẫu thuật. Trong quá trình cắt non nửa một lá gan chúng tôi đã phải áp dụng mọi biện pháp chèn, giữ rất cẩn thận thì mới có thể giữ được mạng sống của anh ấy. Sau phẫu thuật bệnh nhân thở máy một tuần và đến nay đang dần phục hồi lại.
Tuy nhiên, trong đời làm nghề, cũng có những lúc tôi bị thất bại. Và tôi vẫn kể lại với các thế hệ học trò của mình như một bài học xương máu để không ai còn mắc phải.
Tôi có bài học xương máu, cay đắng trong nghề nghiệp mà về sau tôi đều lấy ra để khuyên tất cả mọi người, nhất là học trò và đàn em sau này. Năm 1994, lúc tôi được phân làm trưởng tua, cọc 1 trong kíp mổ. Bệnh nhân là một cháu bé 16 tuổi bị suy đa tạng. Trước đó cháu đã điều trị các bệnh viện khác hàng năm trời và được chỉ định mổ nhưng ở bệnh viện đó người ta không gây mê được nên chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Tôi đã khám xét tỉ mỉ và tiên lượng bệnh nhân rất nặng, bị suy tạng, tràn dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, có thể sẽ không qua khỏi. Tôi quyết định báo cáo hội trường xin ý kiến hội chẩn nhưng khuyết điểm của tôi khi còn trẻ là đã không gặp gia đình để nói rõ cho họ biết tình trạng của bệnh nhân. Và đúng như dự đoán, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Dĩ nhiên, gia đình vô cùng đau đớn và tôi không thể giải thích được sau khi mọi chuyện đã an bài. Gia đình kiện tôi, mặc dù sau đó họ hiểu ra song đó là một chấn thương tâm lý rất khủng khiếp với tôi. Các bác sĩ trong kíp mổ ai cũng hiểu tình trạng bệnh nhân, đó là giai đoạn cuối cùng của bệnh chứ không phải là do ngoại khoa. Tôi rút ra bài học rằng, bác sĩ, ngoài chuyên môn giỏi, ngoài làm việc trong sáng thì phải thực sự thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của gia đình bệnh nhân.
Trước mỗi ca bệnh có tiên lượng xấu thì phải giải thích rõ và tỉ mỉ cho gia đình bệnh nhân hiểu được công việc. Bởi vì bệnh tật thì diễn biến khôn lường và ảnh hưởng đến sinh mệnh con người. Kể từ đó, tôi không mắc phải một sai lầm nào nữa về câu chuyện ấy và cũng không gặp bất cứ một lời phàn nàn nào từ phía người nhà bệnh nhân, vì chúng tôi đã luôn làm việc hết mình từng giây phút để cứu sống con người. Còn số phận họ đến được đâu, thì còn tùy vào số mệnh của họ như các cụ đã nói: “Cứu được bệnh nhưng không thể cứu được mệnh”.
Có một hậu phương vững chắc
Sau những tháng ngày cống hiến, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ rằng, để có được thành công trong nghề nghiệp của ông ngày hôm nay, ông phải cảm ơn người vợ hiền đã đồng cam cộng khổ với ông từ thời tuổi trẻ. Bà đã hy sinh cho ông rất nhiều, thậm chí, nghỉ cả việc công sở từ năm 34 tuổi để ở nhà chăm hai cô con gái trưởng thành, lớn khôn để ông yên tâm cống hiến cho nghề y.
Bà không bao giờ phàn nàn về sự vắng mặt thường xuyên, thậm chí nửa đêm đang ngủ cũng phải trở dậy để đến viện vì có ca cấp cứu. Hai con của ông bà không theo nghề của bố vì thấy bố quá vất vả. Họ có lựa chọn riêng của mình để có cuộc sống hạnh phúc. Ông tôn trọng tuyệt đối lựa chọn ấy, vì ông luôn tâm niệm rằng, nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Cũng như ông, đến với nghề y dường như là một sự định đoạt của số phận để rồi yêu, đam mê và cống hiến hết mình cho khoa học.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bảo, quan niệm về hạnh phúc của ông đơn giản lắm. Hạnh phúc đầu tiên có bố mẹ chăm sóc, thứ hai là có vợ để thương yêu, hạnh phúc thứ ba có con cháu để dạy dỗ và thứ tư là có nghề nghiệp để phục vụ gia đình, phục vụ xã hội.
Điều hạnh phúc của ông là, sau những tháng năm làm quản lý, ông vẫn cảm nhận được tình cảm của các lứa đàn em, các học trò dành cho mình và dù được rất nhiều nơi mời đến làm việc, thậm chí là giữ chức quản lý, nhưng ông vẫn chọn nơi đã gắn bó cả cuộc đời làm khoa học, làm bác sĩ chữa bệnh cứu người là Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục những đêm thức trắng trên bàn mổ. Bởi vì nơi đây tình thầy trò vẫn ấm áp, tình cảm sẻ chia như những ngày xưa.
Họ cần ông, và ngược lại, ông cần họ để có thể biết rằng, mình đã sống những tháng ngày tuổi trẻ đầy nhiệt tâm, “lương y như từ mẫu”.
Có một bài thơ “Chúng ta sống có lâu gì lắm” của nhà thơ người Nga Stanislav Kunyaev mà ông coi như lẽ sống của đời mình, để mỗi lần ông đọc lên lại cảm thấy được là chính mình: “Chúng ta sống có gì lâu lắm/ Hãy yêu nhau, bằng hữu sưởi lòng nhau/ Tim xin chớ bắt tim cóng lạnh/ Có ít gì băng giá giữa đời đâu!/ Vay thì trả, luôn luôn sòng phẳng/ Lập dị ư? Đừng cố chấp gì ai!/ Hãy rộng lượng, đừng nên nghiệt ngã/ Trước tài năng và cả sự bất tài/ Sẽ có ngày tất cả giống nhau thôi/ Trên giường bệnh, tiếc nuối trời xanh thế!/ Biết làm sao! Nào phải ai có lỗi/ Khi nhân gian đều sống gửi, thác về?“…
Trần Hoàng Thiên Kim
Theo: Cand.com.vn