Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

26/12/2022

Lương y “đệ nhất kim” đất Cảng

Xuất thân từ gia đình có 8 đời hành nghề y học cổ truyền, từng nổi danh tại quê hương của Hải Thượng Lãn Ông (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), Thượng tá, lương y Đỗ Huy Tố có hơn 30 năm làm nghề y trong quân đội. Năm 2012, ông được tôn vinh là một trong 12 lương y gia truyền nổi tiếng các tỉnh phía Bắc.

Khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài với cây kim châm cứu, trị bệnh cứu người. Gần 20.000 lượt bệnh nhân điều trị tại cơ sở của ông mỗi năm là con số góp phần tạo cho ông danh tiếng Lương y “đệ nhất kim” đất Cảng.

Người có duyên với ngành y

8 giờ sáng, như đã hẹn, tôi có mặt tại số 364 đường Lê Duẩn, quận Kiến An, TP Hải Phòng-cơ sở điều trị của lương y Đỗ Huy Tố. Ông mở lời thân mật: “Cậu ngồi đợi mình một chút”… Nhìn qua, tôi thấy dãy ghế đã chật người, nên đành xin phép ông đi tham quan các phòng điều trị. Tại một phòng trên tầng 3, người phụ nữ chừng 70 tuổi đang được châm cứu. Đó là bà Nguyễn Thị Nhì, ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Bà cho biết: “Tôi đau nhức nửa người gần chục năm nay, có lúc như người liệt, cứ ai mách thầy ở đâu là tôi đến. Đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, gặp thầy đông y, tây y, rồi cả ông lang người dân tộc thiểu số…, vậy mà bệnh không thuyên giảm. Cũng may có người từng chữa khỏi ở chỗ ông lang Tố mách (người dân quen gọi bác sĩ Đỗ Huy Tố là ông lang Tố-PV), vậy là tôi bảo cháu chở đến đây. Mới điều trị được mấy hôm, tôi mừng vì thấy đỡ nhiều”.

Lương y Đỗ Huy Tố châm cứu cho bệnh nhân.

Trò chuyện với bác sĩ Đinh Văn Thanh-người đang trực tại buồng bệnh nhân Nhì, tôi biết thêm câu chuyện trong quá khứ về việc chính ông Thanh đã giới thiệu bác sĩ Tố với đơn vị và đó cũng là cơ duyên để ông có mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh này. Ông Thanh kể: Khi đó, tôi đang là y tá với cấp bậc Thượng sĩ tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Tỉnh đội Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên). Lớp chiến sĩ mới nhập ngũ được khoảng một tuần thì tôi được lệnh đi thăm khám cho một chiến sĩ bị bệnh lỵ trực khuẩn, với triệu chứng đau bụng, đi ngoài ra máu tươi. Người đó chính là anh Tố. Do ngày ấy thuốc men còn hiếm, nên anh Tố đề nghị: “Anh châm cứu đi, em đau bụng lắm!”. Khá bất ngờ, tôi buột miệng: “Tôi không có kim châm”. Anh Tố bảo: “Em có kim đây. Anh châm giúp em”. Tôi gặng hỏi: “Sao cậu lại có kim?”. Anh ấy nói: “Gia đình em làm nghề thuốc đông y nên được bố mẹ truyền cho từ nhỏ”. Những thông tin trên được báo cáo cấp trên và ít ngày sau, chiến sĩ Tố có quyết định điều lên tiểu đoàn rồi được học lớp cứu thương cấp tốc. Học xong, chiến sĩ Tố được giữ lại tiểu đoàn bộ làm cứu thương và được bổ túc thêm về kiến thức tây y…

Gần trưa, lương y Đỗ Huy Tố mới tạm ngưng tay và tiếp chuyện tôi. Cuộc trò chuyện thêm tự nhiên bởi những thông tin mà bác sĩ Thanh vừa cung cấp. Bác sĩ Tố bộc bạch:

– Anh Thanh nói đúng đấy! Tôi có duyên với ngành y quân đội, khởi đầu chính nhờ anh ấy. Sau này anh Thanh chuyển ngành về công tác tại Hưng Yên, khi nghỉ hưu, tôi mời anh ấy ra đây cộng tác tại phòng mạch này. Tôi nhập ngũ ngày 28-2-1979 và trở thành y tá tiểu đoàn nhờ anh Thanh. Điều kiện ăn ở ngày ấy khó khăn lắm, nên bộ đội ta đau ốm nhiều. Ngặt một nỗi, khi còn ở nhà, tôi chỉ được tiếp xúc với dược liệu đã thành phẩm, nên không biết về cây thuốc tươi, trong khi đó, mình sống giữa rừng cây thuốc mà đành bó tay sao? Những câu hỏi đại loại như vậy xuất hiện trong đầu đã thôi thúc tôi viết thư về quê xin bố quyển sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của tác giả Đỗ Tất Lợi. Biết là khó khăn, vì với gia đình tôi, đó là cuốn sách rất quý, được xem như cẩm nang làm nghề, nên mấy đêm liền tôi thao thức viết thư, tìm cách thuyết phục gia đình. Mấy lá thư bị xé, rồi cuối cùng cũng có được lá thư ưng ý với lời lẽ thống thiết. Quả nhiên sau đó, bố tôi gửi cho tôi cuốn sách với lý do: “Thằng con say nghề và có tâm, sau này tất sẽ nối nghiệp nhà…”. Tôi mừng lắm và khi nhận được sách đã nghiền ngẫm mấy đêm liền. Cứ những vị thuốc nào liên quan đến các bệnh mà bộ đội đang gặp phải, tôi đọc trước; rồi tiếp đó lên rừng tìm lá tắm trị ghẻ, hắc lào, ngứa, dị ứng da… cho anh em. Hiệu quả đem lại tức thì và những bài thuốc ấy nhanh chóng được phổ biến rộng trong toàn tiểu đoàn.

Tiếp đó, chiến sĩ Tố tiếp tục nghiên cứu các cây thuốc chữa bệnh đường ruột, như nụ sim sao đen chữa tiêu chảy; hoàng đằng (cây lõi tiền) chữa lỵ; củ tỳ giải, rễ cỏ tranh, rau má, lá mắt nai, cam thảo đất… chữa sốt, viêm đường tiết niệu. Bệnh mụn nhọt lở ngứa thì dùng kim ngân, quả ké, bồ công anh, cam thảo nam, kinh giới, thổ phục. Những trường hợp sốt, đau lưng, đau vai gáy, đau đầu… anh thực hiện châm cứu, hầu hết sau điều trị vài ngày, anh em đều trở lại công tác. Từ những việc làm thiết thực phục vụ bộ đội như vậy, nhân dân trong vùng nhiều người ốm đau đã tìm đến Đỗ Huy Tố điều trị; khi đó đơn vị anh đóng quân tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Người thầy thuốc giỏi nghề và có tâm

Tháng 6-1979, Sư đoàn 328 (Đặc khu Quảng Ninh) mở lớp y tá đầu tiên, chiến sĩ Tố được đi học và giữ lại phục vụ ở Tiểu đoàn Quân y 18. Tại đây, cùng với những cây thuốc quý và cây kim châm gia truyền, người thầy thuốc trẻ đã chữa khỏi nhiều ca bệnh đáng lẽ phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, bộ đội ở trong rừng thường bị rắn rết và côn trùng cắn, thầy thuốc Tố có hạt đậu lào mang đi từ nhà, hút chất độc rất tốt, sử dụng hiệu quả phục vụ bộ đội…

Năm 1982, thầy thuốc trẻ Đỗ Huy Tố được kết nạp Đảng và cuối năm đó được cử đi học lớp y sĩ đa khoa tại Trường Hậu cần Đặc khu Quảng Ninh. Kết thúc khóa học, anh được phong quân hàm vượt cấp lên Thiếu úy và được cấp trên điều về Bộ tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh, trực tiếp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thủ trưởng bộ tư lệnh. Chiến tranh biên giới kết thúc, Đặc khu Quảng Ninh sáp nhập vào Quân khu 3, Đỗ Huy Tố được điều về Ban Quân y, Bộ tham mưu Quân khu 3.

Tháng 8-1992, Đỗ Huy Tố được giao phụ trách cơ sở đông y, thuộc Phòng Quân y, Cục Hậu cần Quân khu 3, tiếp nhận hai dãy nhà cấp 4 đã qua nhiều năm sử dụng (nay ở đường Lê Duẩn, quận Kiến An, TP Hải Phòng). Được sự quan tâm của thủ trưởng các cấp, cơ sở dần được cải tạo, nâng cấp khang trang, có giường nằm điều trị nội trú, nên đã nhận các ca đau thần kinh nặng, không đi lại được và các ca di chứng liệt do tai biến mạch máu não… Qua điều trị, các bệnh nhân nặng thường sau một tuần thì nhẹ dần, một tháng sau bệnh nhân đã cơ bản hết đau thần kinh, bệnh nhân liệt thì cử động, đi lại được. “Tiếng lành đồn xa”, cơ sở đông y do lương y Đỗ Huy Tố phụ trách được đón những bệnh nhân từ xa đến, như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh…

Tháng 3-2000, cơ sở đông y được nâng cấp thành Trung tâm Đông y, Đại úy Đỗ Huy Tố được bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm; được đầu tư thêm các trang thiết bị như: Máy mát-xa, máy siêu âm, máy sóng ngắn, đèn hồng ngoại, tử ngoại, máy điện châm… Hằng ngày, trung tâm khám, chữa bệnh cho gần 100 lượt người; bệnh nhân đến điều trị, cắt thuốc đông y, châm cứu… ngày một đông. Từ hiệu quả khám, chữa bệnh, đội ngũ nhân viên nhiệt tình, trách nhiệm, trung tâm đã được đón nhiều đoàn khách về tham quan, trong đó có đoàn của Hội Châm cứu thế giới (năm 2001), đoàn Hội Đông y và các bệnh viện đông y toàn quân (năm 2002). Đơn vị cũng thường xuyên đón các đoàn sinh viên đông y của thành phố Cảng về thực hành chuyên môn.

Năm 2000, trung tâm tham gia Hội Đông y, Hội Châm cứu TP Hải Phòng và năm nào cũng là lá cờ đầu của hội với nhiều bằng khen, giấy khen của thành phố và Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam. Trong đó, bác sĩ Tố được nhận nhiều phần thưởng cao quý.

Tháng 8-2011, bác sĩ Tố về nghỉ hưu và quyết định mở cơ sở khám, chữa bệnh đông y, điều trị hiệu quả các căn bệnh như: Liệt do di chứng tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7, đau thần kinh hông to, sỏi thận, sỏi mật, các chứng suy nhược thần kinh… Bình quân mỗi năm, cơ sở của ông khám và điều trị khỏi bệnh cho hơn 20.000 lượt người trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Người bệnh đến với phòng khám đều được ông khám bệnh miễn phí. Trong 3 năm gần đây, giá thuốc và dịch vụ ở cơ sở của ông không thay đổi. Lương y Đỗ Huy Tố tâm niệm, đa số bệnh nhân điều trị bằng thuốc nam thuộc diện nghèo, miễn giảm được phần nào cho họ thì nên làm. Có những người bệnh mắc sỏi thận định đi mổ, nhưng nghe mọi người mách đến lấy thuốc của ông uống và đã khỏi; nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, rất đau đớn cũng được ông chữa khỏi.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, lương y Đỗ Huy Tố còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), Ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), cơ sở của ông thường tổ chức khám bệnh, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, người già neo đơn…, với số tiền từ 20-100 triệu đồng, được nhân dân, chính quyền địa phương khen ngợi, đánh giá cao. Lương y Đỗ Huy Tố đã vinh dự được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y Việt Nam, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Đông y và Hội Châm cứu Việt Nam.

Đàm Tuấn Đạt

Theo: Qdnd.vn