Lương y Nguyễn Đức Dũng (TP. Đà Nẵng): Một đời y đức và trách nhiệm với bệnh nhân nghèo
Gần 50 năm gắn bó với nghề y, lương y Nguyễn Đức Dũng (tại 63 Trường Chinh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) luôn tận tụy, giúp đỡ hết lòng với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn…
Có lẽ, chính ông cũng không nhớ hết được bao nhiêu bệnh nhân đã được mình chữa khỏi bệnh. Với ông, nghề y không chỉ cần kinh nghiệm, tài năng, mà trên hết phải là cái tâm, cái đức, bởi đó mới là điều quan trọng vì tâm đức tạo nên cốt cách cao đẹp nhất của người thầy đã đi sâu vào lòng người dân Đà thành cũng như nhiều nơi khác. Ngoài sự tận tụy, ông còn luôn chia sẻ, giúp đỡ hết lòng cho người bệnh có những hoàn cảnh khó khăn.
Lương y Nguyễn Đức Dũng đang bốc thuốc cho người bệnh.
Cái duyên với nghề y
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang – nơi được xem là cái nôi của tinh thần truyền thống cách mạng, chưa đầy 15 tuổi, ông Dũng đã tham gia Đội biệt động K23 thuộc Biệt động thành Đà Nẵng trong vai trò một người làm công ở tiệm thuốc bắc của người Hoa gần khu vực chợ Mới – Đà Nẵng. Cái duyên với y đức vì thế đến với ông khá sớm, bên cạnh việc học các bài thuốc để cứu chữa bệnh cho mọi người, lương y Nguyễn Đức Dũng còn được chứng kiến những lần cán bộ cách mạng bị thương nặng may được cứu chữa kịp thời nên mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhận thức được tầm quan trọng của nghề y nên ông luôn đau đáu nuôi dưỡng ước mơ, sau khi chiến tranh kết thúc, sẽ theo nghề y chữa bệnh cứu người, nhất là những người nghèo khổ.
Đến chiến dịch năm 1968, ông bắt đầu tham gia giao liên của Đặc khu ủy Quảng Đà. Trong thời gian này, những bài thuốc học được từ khi còn hoạt động làm biệt động được ông áp dụng để cứu những chiến sỹ bị thương, quá trình hành nghề, ông đã thành công cứu nhiều người thoát bờ vực sinh tử. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, niềm mơ ước trở thành thầy thuốc ngày xưa của ông trở thành hiện thực, khi ông được tổ chức phân công về làm Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Hòa Vang. Ông tiếp tục đi học nâng cao chuyên môn tại Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc khóa học với danh hiệu thủ khoa là một điều vô cùng hãnh diện. Sau đó, ông về giữ chức Chủ tịch Hội Đông y huyện Hòa Vang. Qua nhiều năm tháng cống hiến, đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn nhận được sự tín nhiệm của các đồng môn, đồng nghiệp khi bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội dược liệu thành phố Đà Nẵng cho đến nay.
Cả cuộc đời, ông luôn đề cao trách nhiệm với Tổ quốc, trách nhiệm với dân tộc và trách nhiệm với nghề y mình đã chọn. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đã từng bị địch bắt và giam tại một số nhà lao, nhưng trong những giây phút khó khăn tôi luôn nghĩ về Tổ quốc, về những người bệnh nghèo khổ đang cần mình cứu giúp, chia sẻ. Đó là động lực to lớn giúp tôi vượt qua chặng đường vô cùng khó khăn, gian khổ ấy”.
Tâm đức dành cho người bệnh nghèo
Trong gần 50 năm hành nghề y, lương y Nguyễn Đức Dũng luôn tâm niệm phải đem hết sức lực, hiểu biết của mình để chữa bệnh cứu người, không phân biệt giàu nghèo. Niềm vui và hạnh phúc của ông chính là chữa khỏi bệnh cho những người bệnh lặn lội vất vả tìm đến ông. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ thêm: “Khi bệnh nhân tới chữa bệnh, tôi thường hỏi thăm thân thế, gia cảnh của họ như thế nào, vừa để cho người bệnh giảm căng thẳng, vừa biết thêm về hoàn cảnh của họ, có những người là nông dân, công nhân, xe ôm, thợ hồ… Khi biết về hoàn cảnh gia đình của họ, tôi thường giảm tiền khám chữa bệnh cho họ từ 20 – 50%, thậm chí có người nghèo khổ quá, tôi tặng luôn thuốc cho họ, chỉ mong họ hết bệnh là tôi đã tích được phúc đức cho con cháu mai sau rồi”.
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nhân đạo” do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng lương y Nguyễn Đức Dũng vào tháng 10/2014.
Không dừng lại ở những nghĩa cử cao đẹp đó, ông còn xây thêm nhiều phòng lưu trú cho người bệnh ở xa tới, cho ở miễn phí, giúp bệnh nhân giảm chi phí ở trọ trong quá trình điều trị bệnh. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha đi tập kết, khi ông chưa đầy 5 tuổi, mẹ một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ, đứa con út chưa đầy một tháng tuổi, miếng cơm no, manh áo ấm là ước mơ xa xỉ của ông lúc bấy giờ. Vì thế, ông thấu hiểu nỗi khổ của những người nghèo, hơn nữa tâm đức nghề y không cho ông làm ngơ trước những điều đó.
Hàng năm, ông vẫn chuẩn bị chu đáo hàng trăm phần thuốc để hỗ trợ cho các đoàn thiện nguyện thăm khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại các huyện vùng miền núi xa xôi, hỗ trợ các trụ trì của những ngôi chùa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng làm việc thiện giúp người bệnh.
Quan niệm của ông là bên cạnh những phương thuốc hay thì cần thấu hiểu người bệnh, lấy chữ tâm, chữ đức làm đầu, sống với phương châm “vi thiện tối lạc, vi ác nang đào” (làm việc thiện thì được cái vui, cái sung sướng lớn, còn làm việc ác, việc xấu thì khó tránh khỏi kết cục đau khổ), chủ trương không kinh doanh trên người bệnh. Đó chính là phương thuốc đặc trị nhất cho mọi phương thuốc khác. Ông nổi tiếng với nhiều bài thuốc bí truyền hay như chữa bệnh nam, nữ yếu sinh lý, suy nhược thần kinh, các bệnh về xương khớp, amidan…
Việc khiến lương y Nguyễn Đức Dũng trăn trở hiện nay chính là nguồn dược liệu, bởi trên thị trường hiện nay có nhiều loại dược liệu không đảm bảo chất lượng. Nếu không tinh tường về dược liệu, sẽ ảnh hưởng xấu cho người bệnh, khiến họ “tiền mất tật mang”. Vì vậy, ông rất cẩn thận trong việc lựa chọn các loại cây thuốc để chữa trị bệnh hiệu quả nhất. Ông đích thân thử và tìm hiểu cặn kẽ các loại thảo dược Đông y, chứ không mua những loại trôi nổi ngoài thị trường không có nguồn gốc và kém chất lượng.
Với những đóng góp, cống hiến không ngừng nghỉ của lương y Nguyễn Đức Dũng cho nghề y, trong nhiều năm qua ông vinh dự đón nhận nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý từ các tổ chức, các ban ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương như: Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y, do Ban chấp hành Trung ương Hội Đông y tặng; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, do Bộ Y tế tặng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nhân đạo, do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng vào tháng 10/2014. Đó là những ghi nhận, phần thưởng tinh thần vô giá dành cho những cống hiến trong sự nghiệp y học và nhân đạo của lương y Nguyễn Đức Dũng, tạo nguồn động lực to lớn để ông tiếp tục cống hiến, chữa bệnh cứu người.
Theo: Hữu Văn – baonhandao