Lương y Nguyễn Văn Thắng trăn trở chuyện nghề: làm sao gìn giữ tinh hoa Đông Y Việt?
SKĐS – Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật tất yếu của tạo hóa. Thế nhưng vẫn có những người luôn đi ngược vòng xoay con tạo. Đó chính là những người thầy y dược của nước nhà, luôn dốc lòng dốc sức cứu chữa bệnh nhân, hay góp phần tạo nên sự sống kì diệu của con người. Lương y Nguyễn Văn Thắng cũng không ngoại lệ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn trăn trở chuyện nghề: làm sao gìn giữ tinh hoa Đông Y Việt?
Lương y Nguyễn Văn Thắng được sinh ra trong cái nôi thuốc Nam của dân tộc nên từ thuở thiếu thời ông đã quen với mùi thuốc. Ở làng cổ Ngọc Quỳnh (nay là thị trấn Như Quỳnh), Văn Lâm, Hưng Yên, trồng, chế biến dược liệu và hành nghề y vốn là truyền thống lâu đời. Dù ít, dù nhiều, nhà nào cũng trồng cây thuốc để kinh doanh và phục vụ nhu cầu gia đình. Thuốc Nam đã ngấm vào đời sống sinh hoạt, vào máu mủ người dân nơi đây. Có lẽ đó chính là cái duyên gắn bó ông với nghề chẩn bệnh bốc thuốc cho đến tận bây giờ.
Thầy thuốc nơi chiến trường
Năm 19 tuổi, lương y Nguyễn Văn Thắng đi bộ đội, vào sinh ra tử cùng với Tổ quốc. Những tưởng khói lửa chiến tranh, bom rơi đạn dội sẽ làm vơi đi tình yêu và lòng nhiệt huyết với nghiên cứu thuốc Nam. Nhưng chính trong những khoảnh khắc mà quê hương, đồng đội, hay chính ông cận kề cái chết, thì tình yêu với thuốc Nam càng lớn mạnh hơn. Trên đường hành quân, ông đã dùng tất cả những gì mình học được từ gia đình, dùng những cây thuốc Nam của dân tộc để trị bệnh, trị thương cho chiến hữu.
Ông chia sẻ: “Thuốc Nam với tôi nó chính là cái vị của quê nhà. Đi bộ đội từ năm 19 tuổi, trong những tháng ngày ăn gió nằm sương ấy thì nỗi nhớ nhà cũng là nỗi nhớ hương thuốc hong khô. Tố Hữu có câu:“Tôi đi tôi nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Thì thuốc Nam cũng như canh rau muống với cà của tôi vậy. Hương thuốc, hương gia đình. Vậy nên sau khi xuất ngũ, tôi chuyển ngành, quay về với nghề truyền thống của gia đình.”
Nối tiếp cơ duyên với nghề thầy thuốc
Năm 1973 , ông Nguyễn Văn Thắng giải ngũ. Ông chuyển ngành về quê tiếp tục nghiên cứu thuốc Nam. Ông Thắng học thêm 12 năm, rồi học chuẩn hóa, đi thực tập rồi học cao học. Lương y không ngừng trau dồi thêm vốn kiến thức Đông Y phong phú của dân tộc để có thể chăm sóc tốt cho bệnh nhân của mình cũng như chữa trị cho nhiều bệnh nhân hơn nữa. Hiện tại thì vị thầy thuốc này đang là lương y chẩn trị chính của Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Vạn Thọ Đường.
Theo ông, “Ngành y là môn học bên cạnh người bệnh”, ai đã học y, làm nghề y đức thì cũng chính là đi học suốt đời. Đến giờ ông vẫn còn đang học. Bởi mỗi bệnh nhân cũng chính là một môn học mới, phải hiểu thì mới trị tận gốc rễ được. Đó chính là cái khó nhất của nghề y đức, học cho tận đến lúc dừng nghề mới thôi.
Đến nay, ông Nguyễn Văn Thắng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chữa bệnh cứu người. Trong đó có hơn một nửa thời gian là điều trị vô sinh hiếm muộn. Là người bắt bệnh cho đời, ông luôn tâm niệm: “niềm vui của bệnh nhân chính là niềm hạnh phúc của bản thân. Cứu sống một người đã là kỳ diệu, góp phần tạo nên một sinh mệnh còn kỳ diệu hơn bao giờ hết.”
Trong hơn chục năm làm người mang hạnh phúc đến với các cặp vợ chồng hiếm muộn thì lương y cũng không ít lần gặp ca bệnh khó. Lương y đã trở thành người chắp duyên, gửi gắm bệnh nhân đến những người thầy giỏi để chữa trị. Ông chia sẻ: “Đừng ngại người khác giỏi hơn, hãy giữ lấy cái tâm, cái đức sáng trong mà làm nghề. Hãy nghĩ cho bệnh nhân trước khi nghĩ cho chính mình. Làm nghề y đức là phải thế”.
Chính bởi cái tâm – cái tầm của lương y trong điều trị vô sinh hiếm muộn nên ông đã đồng hành cùng biết bao gia đình đi tìm hạnh phúc. Gần đây khi nhắc đến ông, người ta hay nghĩ đến biệt danh “bàn tay vàng chữa bệnh vô sinh”.
Bàn tay vàng chữa bệnh vô sinh
Con cái chính là cái vốn quý giá nhất của cha mẹ, là phước lộc trời ban. Trên thực tế hiện nay, không ít gia đình muộn đường con cái. Trong những bệnh nan y, thì vô sinh chính là bài toán khó cho không chỉ đối với riêng những người nghiên cứu mà là đối với toàn xã hội. Lương y Nguyễn Văn Thắng cùng sự tận tụy với nghề đã giúp rất nhiều gia đình có được hạnh phúc trọn vẹn.
Ông chia sẻ: “ Đông Y chữa trị vô sinh theo quy luật cân bằng âm dương, thiếu âm phạt dương, thiếu dương thì bổ dương. Đó chính là đường lối chữa bệnh của thánh y Trương Trọng Cảnh cách đây hàng ngàn năm. Chính vì trong cơ thể âm dương không hài hòa, tạo điều kiện cho các độc tố bên ngoài xâm nhập nên mới dưỡng thành bệnh.
Đông y chữa trị tốt vô sinh do nội tiết, còn y học hiện đại chữa trị tốt vô sinh do thực thể, nhưng dù vậy, vô sinh do thực thể cũng nên phối hợp trị liệu bằng đông y và tây y để tạo ra môi trường tốt nhất thích hợp cho quá trình thụ thai. Điển hình là rất nhiều trường hợp như tắc 2 vòi trứng, dù đã tiến hành phẫu thuật thông tắc vẫn không thể có con, là bởi môi trường trong cơ thế quá nóng hoặc lạnh, không phù hợp để mang thai.
Về bản chất, tây y chữa ngọn, còn đông y trị cái gốc. Nên tất nhiên, tây y sẽ nhanh hơn đông y. Mỗi phương pháp chữa bệnh thì đều có điểm mạnh điểm yếu riêng, nên làm sao mà kết hợp được cả đông tây y cùng chữa, đó mới là tốt nhất. Đông y hay tây y thì đó cũng đều là thành tựu của khoa học con người, đều vì con người cả”
Trước thực trạng phát triển của đông y và tây y, ông Nguyễn Văn Thắng luôn mang trong mình điều trăn trở: “đông y Việt Nam rất phong phú, rất cao siêu. Nhưng tôi chỉ tiếc rằng, nó chưa được nghiên cứu và ứng dụng thật sự rộng rãi vào đời sống. Tôi chỉ mong rằng, sẽ có thật nhiều người nghiên cứu tìm tòi, tập trung lại những tinh hoa ấy để phát triển, để giúp cho nhân dân. Sức khỏe chính là vốn quý nhất của con người. Muốn phát triển đất nước, phải phát triển con người. Để phát triển con người thì đừng quên thuốc Nam – 1 trong những nền tảng cho cái vốn quý giá ấy.”
Thông tin phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Vạn Thọ Đường:
PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỂN VẠN THỌ ĐƯỜNG
Địa chỉ: B18, lô 20, Đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội .
Điện thoại: 04 6654 2975
Website: chuavosinhbangdongy.net
Phụ trách phòng khám: lương y Nguyễn Văn Thắng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn