Lý do bạn đột ngột muốn đi ngoài khi đang chạy bộ
Với nhiều vận động viên chạy bộ, các đợt tập thể dục kéo dài hoặc cường độ cao có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tiêu hóa, thậm chí muốn đi đại tiện ngay cả khi đang chạy.
Các vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy có thể xảy ra ở người chạy bộ. Ảnh: Fody foods.
Theo New York Times, các vấn đề đường ruột có thể xảy ra trong nhiều môn thể thao sức bền. Tuy nhiên, chuyên gia cho hay chúng có thể gây ra vấn đề đặc biệt cho những người chạy bộ, nguyên nhân được cho là thiếu lưu lượng máu đến ruột.
Điều này làm gián đoạn và kích thích quá trình tiêu hóa của cơ thể, khiến người chạy có cảm giác muốn đi ngoài. Nhiều tên riêng được đặt cho chứng này như runner’s trots, runner’s gut hoặc runner’s belly.
Nguyên nhân
TS Sam Wu, chuyên gia tại Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia), cho biết trong khi chạy bộ, lưu lượng máu dẫn đến hệ tiêu hóa sẽ chuyển hướng sang các cơ.
TS Lauren Borowski, bác sĩ Y học thể thao tại NYU Langone Health, Đại học New York, chỉ ra việc lưu thông máu đến cơ bắp ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa.
Cơ thể cần nhiều máu đến ruột hơn khi tiêu hóa thức ăn. Khi lưu lượng máu giảm, kết hợp với sự chen lấn vật lý khi cơ thể di chuyển có thể gây ra buồn nôn, tiêu chảy, chuột rút hoặc đột ngột muốn đi đại tiện, nhất là khi bạn đang trong tình trạng đói bụng.
Các triệu chứng trên có thể trầm trọng hơn nếu cơ thể bị mất nước hoặc trong ruột có thức ăn khó tiêu hóa như carbohydrate phức tạp, chất xơ hoặc protein. Không có đủ máu để hỗ trợ tiêu hóa, cơ thể chỉ tiêu hóa một phần hoặc không hoàn toàn các loại thức ăn.
“Những thứ không được tiêu hóa sẽ đi qua ruột già, đó là lý do bạn muốn đi ngoài khi đang chạy”, TS Wu nói.
Đối với những hoạt động bền bỉ, lâu dài như chạy marathon, máu kém lưu thông đến ruột có thể làm hỏng lớp tế bào biểu mô lót trong ruột – nơi nhận chất dinh dưỡng và kiểm soát những gì đi vào máu – khiến các tế bào này tách ra, vỡ và tràn vào máu.
Kate Edwards, nghiên cứu sinh về các triệu chứng tiêu hóa ở các vận động viên sức bền tại ĐH Tasmania (Australia), cho biết những tổn thương đường ruột nêu trên không đáng lo ngại, hầu hết chỉ thoáng qua.
Tuy nhiên, TS Wu lưu ý nhiều khả năng tổn thương đường ruột này gây ảnh hưởng đến cách các chất dinh dưỡng được hấp thụ trong cuộc đua, khiến năng lượng có sẵn ít hơn hoặc gây khó chịu chung cho đường ruột.
Theo một nghiên cứu trên 24 vận động viên marathon (công bố vào năm 2021), các nhà nghiên cứu phát hiện các vấn đề về đường ruột có khả năng khiến vận động viên bị ngã trong cuộc chạy đua cao hơn.
Tương tự, trong nghiên cứu của mình, Edwards cùng cộng sự đã chứng minh tổn thương đường ruột tương quan với cường độ tập thể dục, không nhất thiết là chạy bộ.
Theo đó, những người đạp xe có mức độ tổn thương đường ruột tương tự khi tập thể dục ở cùng cường độ, dù họ xuất hiện ít triệu chứng khó chịu hơn.
Lưu ý khi nạp thực phẩm vào cơ thể, uống đủ nước là cách phòng tránh runner’s trots. Ảnh: Runner.com.
Phòng tránh
Có nhiều cách phòng tránh chứng runner’s trots. TS Borowski chỉ ra khi chạy đường dài, bạn cần ăn đủ chất để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, tránh gây ra các vấn đề cho đường ruột.
“Ăn gì và ăn vào thời gian nào là điều thực sự khó khăn khi tập luyện marathon”, TS Borowski nhận định.
Theo bà, người chạy marathon nên ăn trước khi chạy 2-3 giờ, nạp vào cơ thể thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản như chuối. Tránh các thực phẩm chứa nhiều chất xơ hoặc carbohydrate phức tạp như quả mọng, bánh mì nguyên cám, các loại đậu…
Trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu, hãy chú ý đến cảm giác của bạn thay vì chỉ chú trọng về thời gian.
Lo lắng cũng góp phần gây ra các vấn đề về dạ dày, nhất là trước các cuộc đua. TS Borowski khuyên người chạy bộ không nên gây căng thẳng thêm cho đường ruột bằng cách ăn các thực phẩm quen thuộc thay vì thử món ăn mới. Bên cạnh đó, bạn phải cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 trên tạp chí Journal Of Strength And Conditioning Research kết luận vớ nén cũng có thể hữu ích đối với các vấn đề đường ruột.
Theo đó, các nhà nghiên cứu Australia chỉ ra vớ nén tạo áp lực lên các cơ ngoài cùng của chân, có tác dụng cải thiện tuần hoàn. Những người mang vớ nén khi chạy marathon có mức độ tổn thương đường ruột thấp hơn.
“Mang vớ nén giúp giảm thiểu tương đối các tác động, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường lưu thông đến các bộ phận sâu hơn của cơ thể. Khi đó, lưu lượng máu dẫn đến hệ tiêu hóa sẽ được cải thiện”, TS Wu nói.
Theo: Zingnews.vn