Người bệnh đái tháo đường có nên ăn miến thay cơm?

16/11/2022

Miến dong là thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết. Đây cũng là một trong những loại thực phẩm chống ngán mà người Việt vô cùng yêu thích. Đặc biệt, với quan điểm cho rằng miến ít đường, ít calo hơn cơm nên nhiều người thậm chí còn lựa chọn ăn miến mỗi ngày.

Với suy nghĩ miến chứa ít đường, ít năng lượng nên nhiều người chon miến với hy vọng cắt giảm tinh bột để “nhẹ bụng”, người muốn giảm cân thì hy vọng giảm cân, người với bị đái tháo đường thì mong muốn hạ đường huyết. Tuy nhiên, đây là một sai lầm cơ bản. Việc ăn miến thay cơm là một thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ béo phì, đái tháo đường cho người Việt.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, BV Nội tiết Trung ương, có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường vào viện cấp cứu vì đường huyết tăng chỉ vì ăn miến thay cơm.

Thực chất, miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ. Chỉ số đường huyết của miến là GI=95, hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, chỉ số đường huyết của gạo tẻ là 83, hàm lượng đường trong 100g gạo tẻ là 76,1g.

Nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm. Nếu ăn 100g miến thì tải lượng đường huyết của miến là GL = 78; còn gạo tẻ là 63. Trước đó, người bệnh đái tháo đường thường ăn miến vì nghĩ ăn miến tốt, hạ đường huyết nhưng thực chất đường huyết của miến rất cao.

Nếu đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến việc hình thành nhiều bệnh nguy hiểm như đột quỵ, mù lòa, suy thận, tiểu đường, hoại tử chi…, thậm chí tử vong.

Bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo, nên ăn miến ở một lượng vừa phải và kết hợp với thực phẩm khác. Không dùng để thay thế tuyệt đối các thực phẩm bột đường khác.

Ăn miến đúng cách: Ăn bao nhiêu là đủ?

Ảnh minh họa

Đặc điểm của miến dong thật là khi đun lên, miến dong sẽ nở rất to và chỉ cần 1 nắm nhỏ cũng đã đủ cho một khẩu phần ăn. Chỉ trong 100g miến dong có chứa tới 332 calo, một lương calo không hề nhỏ, nếu ăn nhiều, thường xuyên đây cũng chính là lý do khiến bạn bị tăng cân.

Vì vậy, mỗi tuần bạn chỉ nên ăn 3 – 4 bữa miến với lượng ăn vừa phải và tùy vào nhu cầu năng lượng khác nhau của cơ thể.

Tránh nguy cơ nấm mốc

Miến dong cũng như bất cứ loại thực phẩm khô nào khi mua để ăn Tết đừng nên mua tích trữ vì để lâu dễ bị hỏng. Khi mua miến dong về cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp. Sau khi lấy miến ra dùng xong cần gói cẩn thận, bọc kín lại, có thể để vào ngăn mát tủ lạnh để dùng những dịp sau, tránh nguy cơ nấm mốc vì miến là thực phẩm rất dễ gặp tình trạng này.

Kết hợp cùng thực phẩm khác

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất kể người cần ăn kiêng hay không cũng nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm nhóm đạm, chất béo, chất xơ và vitamin, vì vậy khi ăn miến bạn cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất đó để tránh nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, không đủ năng lượng để hoạt động.

Với người bị đái tháo đường, để tránh đường huyết tăng cao, khi ăn miến nên ăn trước rau xanh để làm tốc độ hấp thu đường từ miến vào cơ thể

Theo: SKĐS