Người thầy thuốc 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý
Từ một quyết định ngỡ như có phần “bốc đồng” của tuổi trẻ, chàng sinh viên Y khoa Bùi Đình Lĩnh ra đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nhận công tác.
Vị bác sĩ già với tấm lòng nhân hậu
Bác sĩ “nghìn like” và câu chuyện “sống là để cho đi”
Ông nói: “Lúc đó, nghe người ta nói ngoài đảo đang cần một bác sĩ ngoại khoa. Mà mình có tưởng tượng được đảo là như thế nào đâu. Chắc cũng giống đất liền. Tôi xung phong đi cho biết, ký giấy 3 năm sau mới được quay về. Ai mà nghĩ, mình sẽ đi một chuyến dài hơn 30 năm như thế này”.
Hai ca mổ đầu tiên trên đảo
Hồi đó, để ra Phú Quý chưa có tàu cao tốc, chàng sinh viên tên Lĩnh phải ngồi lênh đênh trên thuyền 10 tiếng đồng hồ. Lúc ra đến nơi vừa nửa đêm. Đường bị phủ toàn cát, rất khó đi. Ở đây cũng chưa có điện nên chưa tưởng tượng nổi mọi thứ như thế nào. Cho tới sáng hôm sau mới “té ngửa”, thất vọng và muốn quay về ngay.
Trung tâm Quân dân y Phú Quý chẳng khác gì Trạm Y tế xã. Khu điều trị bệnh nhân là căn nhà cấp 4 rộng 360 mét vuông, trên lợp tôn cũ, dưới nền gạch, có tường dựng bằng đá xẻ bao quanh.
Trong khi đó, máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là những thiết bị cơ bản như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng chứ không có máy siêu âm, chụp Xquang, xét nghiệm như hiện tại. Cả bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ duy nhất, 2 kĩ thuật viên gây mê, còn lại là y tá, hộ sinh. Khi tôi ra tăng cường thì bác sĩ kia cũng quay vào đất liền luôn.
Ca bệnh đầu tiên mà bác sĩ Lĩnh phụ trách là một ca đẻ khó. Một phụ nữ từ xã Long Hải được chuyển đến viện trong tình trạng đau bụng quằn quại đã mấy ngày liền, sau mấy ngày lập đàn cúng mà không thuyên giảm.
Thai phụ đó khá mập, sức yếu, lại bị hen phế quản. Cái thai quá lớn, nước ối vỡ mấy ngày rồi, nếu không mổ thì nguy hiểm tới tính mạng hai mẹ con. Nhưng trước đây, bệnh viện chưa bao giờ tiến hành ca phẫu thuật nào cả nên khi tiếp nhận một ca đẻ khó, ai cũng bối rối.
Bác sĩ Lĩnh mới ra trường, kinh nghiệm chưa có nhiều. Trong tình hình lúc khá nguy cấp ấy, với những kiến thức được học ở trường đại học, bác sĩ Lĩnh vẫn quyết định thực hiện ca mổ đẻ đầu tiên trên đảo.
Điện lúc đó chưa có, phải dùng đèn măng xông. Bàn mổ cũng chính là bàn đỡ đẻ luôn. Anh vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa phải tự tay chuẩn bị bàn mổ, hấp dụng cụ rồi hướng dẫn tỉ mỉ cho những người tham gia từng bước nhỏ của quá trình phẫu thuật, gây mê. Ca mổ đẻ thành công. Cả hai mẹ con được cứu sống trong gang tấc.
Một lần thăm khám bệnh nhân của bác sĩ Lĩnh.
Sau ca đẻ khó một thời gian, bệnh viện tiếp nhận trường hợp anh Nguyễn Mọi (30 tuổi). Khi anh Mọi được đưa tới viện, tình trạng bệnh vô cùng nghiêm trọng: sốc nhiễm khuẩn, bụng chướng. Chờ đưa vào đất liền thì e rằng không kịp, buộc bác sĩ phải đưa ra quyết định nhanh và chính xác.
Bác sĩ Lĩnh kể, lúc đó, quyết định mổ thật sự khó khăn, bởi thiếu dụng cụ trầm trọng. Tất cả chỉ dựa vào phán đoán của bác sĩ là chủ yếu. Ca mổ kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều, căng thẳng tới những phút cuối cùng. Đây là ca mổ ruột thừa đầu tiên mà bác sĩ Lĩnh trực tiếp thực hiện và cũng là ca mổ ruột thừa đầu tiên trên đảo Phú Quý.
Người dân Phú Quý trước đó vẫn xem những người bị viêm ruột thừa là bị “con trà vung nó bắt”, phải mời thầy cúng về giải thì mới hết bệnh. Giờ nghĩ lại trường hợp anh Mọi, bác sĩ Lĩnh nói đó là một ca mổ kì quặc, bởi đúng kiểu “tay không bắt giặc”.
Trong 7 ngày đêm sau đó, bác sĩ Lĩnh và hai kĩ thuật viên gây mê đã thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh để hút dịch, đảm bảo thành ruột luôn trơn, lưu thông tốt.
Sau 2 ca mổ trên, dân Phú Quý bắt đầu thay đổi nhận thức, có bệnh thì tới bệnh viện. Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh trở thành “ân nhân” của nhiều gia đình ở huyện đảo cách đất liền 56 hải lí này.
Cũng sau 2 ca mổ, bác sĩ Lĩnh kiến nghị lên UBND tỉnh và các cơ sở y tế để Bệnh viện Phú Quý được trang bị thêm thiết bị, máy móc. Năm 1989, Phú Quý có chiếc bàn mổ đúng nghĩa đầu tiên.
Nói đúng nghĩa cũng hơi hài hước vì đó là chiếc bàn mổ cũ mà bệnh viện ở Hàm Tân thải ra nhưng dù sao, có vẫn hơn không bởi trước đó, bàn đẻ và trải áo mưa lên chính là bàn mổ của bác sĩ Lĩnh và các cộng sự của mình. Kể đến đây, bác sĩ Lĩnh lại nhắc thêm ông Phạm Phước, người duy nhất trên đảo có máy phát điện.
Mỗi lần mổ, bệnh viện lại phải cho người chạy xuống nhà ông Phước mượn. 9 năm sau đó nữa, Bệnh viện Phú Quý mới được hỗ trợ các thiết bị cận lâm sàng, đèn trong phòng phẫu thuật và bàn mổ mới.
Đồng thời, bác sĩ Lĩnh cũng nghĩ ngay tới việc đào tạo tại chỗ hoặc gửi anh em đi học y sỹ hoặc bổ túc để nâng cao nghiệp vụ. Từ việc cả bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ 30 năm trước, đến nay, toàn trung tâm có 17 bác sĩ.
Người dân viết thư… “không cho về”
Hết thời gian ở đảo 3 năm, bác sĩ Lĩnh xin về đất liền. Nhà ông vốn neo người. Có 2 anh em trai thì ông anh đi bộ đội năm 18 tuổi, đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông muốn về Bắc để chăm sóc cha mẹ. Vợ con sống xa chồng, cha mấy năm rồi. Một bệnh viện ở Thái Bình cũng đồng ý nhận rồi. Gia đình ông thuộc diện gia đình liệt sỹ nên mọi thứ không khó.
Thế nhưng, người dân 3 xã trên đảo rủ nhau ký vào đơn gửi lên tỉnh xin “không cho ông đi”. Câu chuyện này sau đó một thời gian đi họp ở Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, ông mới được nghe kể lại nên mới biết.
Năm 1998, nhận thấy trang thiết bị được cải thiện đáng kể, có thêm bác sĩ ra, trình độ anh em ở đây cũng đã khá hơn, ông xin về lần nữa nhưng không được. Tới năm 2006, sau khi kết thúc chương trình học cao học tại Đại học Y Hà Nội, không cần xin mà cấp trên cũng “mở lời” cho ông về đất liền. Nhưng rồi, người dân lại làm đơn lần nữa.
“Trước khi tôi ra nhận công tác, ở Phú Quý không phải không có bác sĩ ra tăng cường. Thế nhưng, họ làm một thời gian, không chịu được nên xin vào hết. 3 lần đó, thực ra, nếu tôi quyết về cho bằng được thì cũng được thôi. Nhưng nghĩ thương bà con. Họ sống tình cảm lắm. Họ coi mình như người nhà. Người ta không nỡ “cho” mình về. Mà mình cũng không nỡ đi”, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh chia sẻ.
Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh.
Hỏi ông, trong đời làm bác sĩ ở đây, ông nhớ nhất bệnh nhân nào? Có nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. 30 năm chứ có ít gì? Nhưng có một chuyện mà bác sĩ Lĩnh nhớ nhất. Đó là một bà cụ sống gần Cảng Phú Quý, 64 tuổi, bị u sau lưng.
Sau khi mổ, tuần nào bà cũng “cõng” 3 trái dừa lên thăm. Bảo bà không phải vất vả như thế, nhưng bà cứ một mực bảo đó là tình cảm. Cứ thế suốt 10 năm trời cho tới khi bà ấy mất. Bác sĩ nói, cũng vì những tình cảm như thế nên ông không nỡ phụ lòng người dân, mới không về.
Còn gia đình, vợ con thì sao? Nhắc đến đây, ông bảo rằng, đó là điều mà ông day dứt, khổ tâm nhất. Ông ở Phú Quý cứu sống, chữa bệnh cho không biết bao nhiêu người, nhưng ở quê nhà, người thân của mình bệnh lại phải nhờ người khác chữa.
Rồi lần mẹ ông mất, ông cũng không về kịp để gặp bà lần cuối vì muốn về cũng không có tàu mà về. Ngày đó, tàu không ra vào thường xuyên như bây giờ. Đến lượt người cha bệnh, thu xếp mãi mới về thăm ông được, sau đó ra lại Phú Quý được một ngày, lại nghe tin ông mất. Hoàn cảnh trớ trêu vô cùng.
Còn vợ ông, người đàn bà gần 30 năm qua đã thay ông làm nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ ông và con cái, quán xuyến mọi việc trong nhà, khi cha mẹ mất đi rồi và 2 cô con gái đã trưởng thành, bà mới có thời gian ra thăm chồng lần đầu tiên cách đây 3 năm.
Trong 2 cô con gái của ông, có một cô yêu văn chương và rất hay làm thơ tặng bố. Năm cô học lớp 3, cô tặng ông bài thơ có nội dung mà bây giờ kể lại, khóe mắt ông vẫn đỏ: “Bố em ở xa lắm/ Tận miền đảo xa xôi/ Bố là bác sĩ đó/ Cứu chữa cho bệnh nhân/ Ngày đêm bố tất bật/ Vì bệnh nhân mong chờ/ Thương bố lắm phải cố/ Phải học chăm thật chăm”.
Rồi năm cô học lớp 5, khi hai bố con tạm biệt nhau, cô ôm chặt không cho bố đi. Khi biết không thể giữ, cô tặng ông chiếc khăn mùi xoa viết mấy câu thơ mà bây giờ ông vẫn giữ: “Khăn cho ngày xa cách/ Bố và con đó đây/ Khăn để thấm nước mắt/ Mỗi khi bố nhớ con”…
Bác sĩ Lĩnh sắp có quyết định nghỉ hưu. Ông sắp được về đoàn tụ với gia đình và quê nhà sau hơn 30 năm cống hiến ở đảo xa. Nhưng có lẽ, khi về rồi, ông sẽ nhớ Phú Quý nhiều lắm. Còn tôi, tôi sẽ nhớ nụ cười của ông mãi. Ông là bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Quân dân y Phú Quý, nay chính là Bệnh viện Quân dân y Phú Quý.
Đậu Dung
Nguồn: cand.com.vn