Nỗi buồn có thể khiến con người già nhanh hơn hút thuốc
Các tác động tâm lý có thể thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn so với việc hút thuốc.
Buồn bã, không hạnh phúc có thể làm con người già đi nhanh chóng. Ảnh: iStock.
Các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một loại “đồng hồ” mới có thể đo tuổi sinh học thực sự của con người.
Gần đây, các yếu tố tâm lý đã được đưa vào đánh giá và nó tạo ra một số dự đoán hấp dẫn. Thử nghiệm ban đầu cho thấy tác động của sức khỏe tâm thần đôi khi có thể lớn hơn tác động của các vấn đề thể chất và thói quen, bao gồm cả hút thuốc.
Hai người có cùng số lần sinh nhật không có nghĩa là họ khỏe mạnh như nhau.
Bằng cách đo lường các khía cạnh nhất định của sức khỏe thể chất như hệ vi sinh vật trong ruột hoặc các dấu hiệu viêm nhiễm trong máu, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ dự đoán được con người “trẻ” hay “già” theo tuổi sinh học.
Nếu dự đoán chính xác, nó có thể giúp các chuyên gia hiểu tại sao một số người già đi nhanh hơn và những yếu tố nào trong lối sống góp phần vào quá trình lão hóa đó.
Nhưng có một yếu tố quan trọng của sức khỏe mà họ quên đánh giá trước đó: Trạng thái tinh thần và cảm xúc của con người.
Yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Ảnh: Freepik.
Vào năm 2021, một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ với 2,3 triệu người New Zealand đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn tâm thần với sự khởi phát của bệnh tật và tử vong.
Một nghiên cứu khác cùng năm cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến quá trình lão hóa nhanh ở tuổi trung niên. Hơn nữa, dấu hiệu lão hóa này xảy ra nhiều năm trước khi các bệnh khác liên quan đến tuổi tác xuất hiện.
Với những phát hiện này, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) đã thiết kế thuật toán máy tính để tạo ra một đồng hồ lão hóa mới kết hợp một số yếu tố sức khỏe tâm lý và dấu ấn sinh học trong máu.
Họ tạo thuật toán dựa trên dữ liệu của gần 5.000 người trưởng thành khỏe mạnh (từ 45 tuổi trở lên) trong bộ dữ liệu của China Health and Retirement Longitudinal Study (CHARLS), sau đó thử nghiệm nó trên dữ liệu từ 7.000 người khác.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu thiết kế đồng hồ lão hóa độc quyền trên nhóm người Trung Quốc với quy mô lớn như vậy (hầu hết nghiên cứu được thực hiện với người phương Tây) và đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên kết hợp các yếu tố gây căng thẳng cho sức khỏe tinh thần.
Cuối cùng, các tác giả đã tìm thấy các yếu tố tâm lý, như cảm thấy không hạnh phúc hoặc cô đơn, làm con người già đi 1,65 tuổi theo tuổi sinh học. Tác động này vượt qua các đặc điểm nhân khẩu học khác, bao gồm giới tính sinh học, khu vực sinh sống, tình trạng hôn nhân và mức độ hút thuốc.
Các tác giả viết: “Chúng tôi kết luận rằng yếu tố tâm lý không nên bị bỏ qua trong các nghiên cứu về lão hóa do tác động đáng kể của nó đến tuổi sinh học”.
Nghiên cứu mới nhất này kết hợp thêm thông tin vật lý về 16 yếu tố trong máu, bao gồm mức cholesterol cũng như chỉ số BMI, vòng eo và huyết áp.
Dữ liệu về sức khỏe tâm lý của những người tham gia dựa trên 8 trạng thái: Buồn bực, cô đơn, không hạnh phúc, không tập trung, bồn chồn, chán nản, tuyệt vọng hoặc sợ hãi.
Mặc dù đây chỉ là một phiên bản đơn giản hóa của sức khỏe tinh thần, nó sẽ giúp các dự đoán của đồng hồ sinh học trở nên chính xác hơn.
Khi đồng hồ được thử nghiệm với những bệnh nhân, bao gồm bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc các bệnh về tim, gan, phổi hoặc bị đột quỵ, nó đã dự đoán chính xác họ già hơn những người khỏe mạnh khác.
Nhưng ảnh hưởng của những yếu tố này không vượt quá 1,5 tuổi. Theo thuật toán, con số này thấp hơn một chút so với tác động tổng hợp của tất cả yếu tố tâm lý, vốn đẩy nhanh quá trình lão hóa thêm 1,65 năm. Trong khi đó, hút thuốc làm tăng thêm 1,25 tuổi.
Điều này không có nghĩa là thuật toán cho thấy hút thuốc ít có nguy cơ đối với sức khỏe hơn là trầm cảm hoặc cô đơn. Hút thuốc vẫn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư và bệnh tim.
Các tác giả cho biết kết quả của họ chứng minh “tác hại của sức khỏe tâm lý thấp có mức độ tương đương với tác động của các bệnh nghiêm trọng và hút thuốc”.
Do đó, họ kết luận “thúc đẩy sức khỏe tinh thần có thể được coi là một can thiệp chống lão hóa tiềm năng với những lợi ích có thể ngang bằng với các phương pháp trị liệu vật lý”.
Theo: Zingnews.vn