Nồng độ cồn trong máu: Hiểu đúng để bảo vệ sức khỏe

16/11/2022

Nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Chính vì thế, việc hiểu rõ nồng độ cồn rất quan trọng trong việc giúp bạn cân nhắc điều chỉnh lượng bia rượu nạp vào cơ thể phù hợp nhất.

1. Tìm hiểu nồng độ cồn trong máu là gì?

Nồng độ cồn trong máu (BAC – Blood Alcohol Content) là chỉ số được dùng để đo lường lượng rượu trong máu. Chẳng hạn, kết quả BAC 0,05% hay 0,50 mg/ml, nghĩa là có 0,05 gram rượu trong 100 ml máu.

Cách đo nồng độ cồn trong máu được thực hiện tương tự các xét nghiệm công thức máu khác. Cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành lấy khoảng 2ml máu (thường ở khu vực khuỷu tay) của người cần xét nghiệm, sau đó tiến hành quy trình kiểm tra nồng độ cồn ở trong máu. Kết quả của xét nghiệm này thường sẽ xuất hiện sau khoảng 1 giờ.

Tùy theo nồng độ mà cồn sẽ tác động đến cơ thể như sau (*):

Nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml: Nồng độ này được xem là không có cồn theo Quyết định 320 của Bộ Y tế. Bởi ngay cả khi không tiêu thụ rượu, bia hoặc các nước uống có cồn khác, cơ thể cơ thể vẫn sinh ra một lượng cồn nhỏ gọi là cồn sinh học (từ việc ăn uống hàng ngày).

Nồng độ cồn trong máu dưới 70 mg/ml: Nồng độ cồn trong máu vừa đủ, khiến cơ thể đi vào trạng thái hưng phấn nhẹ.

Nồng độ cồn trong máu 80 – 120 mg/ml: Sự thay đổi cảm xúc (chẳng hạn bỗng nhiên vui, buồn, giận dữ…) có thể xuất hiện ở một số cá nhân.

Nồng độ cồn trong máu 130 – 150 mg/ml: Cơ thể bắt đầu không thể đứng vững, gặp khó khăn khi nói chuyện và nhìn thẳng.

Nồng độ cồn trong máu 160 – 200 mg/ml: Thị lực và thính giác bị suy giảm nghiêm trọng, khiến chúng ta gặp khó khăn khi kiểm soát tốc độ, phản ứng chậm với các tín hiệu và tình huống khẩn cấp.

Nồng độ cồn trong máu 210 – 300 mg/ml: Cảm thấy buồn nôn (triệu chứng ngộ độc rượu/cồn)

Nồng độ cồn trong máu 310 – 400 mg/ml: Ngộ độc rượu nặng, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt.

Nồng độ cồn trong máu 410 – 500 mg/ml: Nguy cơ bị hôn mê, suy giảm chức năng hô hấp, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt, tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu, thậm chí có thể tử vong.

Nồng độ cồn trong máu trên 500 mg/ml: Nguy cơ xuất hiện tình trạng lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và có thể dẫn đến ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt và nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

* Lưu ý: Tùy theo thể trạng, giới tính, sức khỏe… mà tác động của cồn đối với mỗi người sẽ khác nhau.

2. Khi nào cần phải thực hiện đo nồng độ cồn trong máu?

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu có thể được thực hiện trong trường hợp cảnh sát giao thông nghi ngờ tài xế (người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông) có sử dụng rượu, bia để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu gây ra tai nạn).

Ngoài ra, xét nghiệm nồng độ cồn cũng có thể được tiến hành đối với những trường hợp có biểu hiện lú lẫn, hôn mê, nôn… Lúc này, xét nghiệm nồng độ cồn ở trong máu sẽ giúp các bác sĩ biết nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng này có phải do người bệnh sử dụng rượu bia hay không và đưa ra các phác đồ điều trị, chăm sóc phù hợp.

3. Quy định nồng độ cồn trong máu

Như đã đề cập, nồng độ cồn trong máu cho phép là dưới 0,5023 mg/ml bởi đây là nồng độ cồn tự nhiên của cơ thể. Trong trường hợp nồng độ cồn vượt mức cho phép thì sẽ tùy theo mức độ và phương tiện điều khiển mà cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mức phạt đối với lái xe ôtô khi vi phạm nồng độ cồn:

Nồng độ cồn ≤ 50 mg/ml máu: Phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng;

Nồng độ cồn > 50 – 80 mg/ml máu: Phạt 16 – 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16-18 tháng;

Nồng độ cồn > 80 mg/ml máu: Phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Mức phạt đối với lái xe máy khi vi phạm nồng độ cồn:

Nồng độ cồn ≤ 50 mg/ml máu: Phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Nồng độ cồn > 50 – 80 mg/ml máu: Phạt 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16-18 tháng.

Nồng độ cồn > 80 mg/ml máu: Phạt là 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Mức phạt đối với lái xe đạp khi vi phạm nồng độ cồn:

Nồng độ cồn ≤ 50 mg/ml máu: Phạt 80-100 nghìn đồng.

Nồng độ cồn > 50 – 80 mg/ml máu: Phạt 200-300 nghìn đồng.

Nồng độ cồn > 80 mg/ml máu: Phạt 400-600 nghìn đồng.

Tiêu thụ rượu, bia nồng độ là nguyên nhân hàng đầu khiến nồng cồn trong máu tăng cao, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống mà còn làm tăng nguy cơ gây tai nạn. Vì thế theo Bộ Y tế, bạn nên hạn chế rượu, bia và các thức uống có cồn nói chung. Tốt nhất, bạn không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, đồng thời không uống quá 5 ngày/tuần. Đặc biệt, khi tham gia giao thông, bạn tuyệt đối không nên tiêu thụ rượu bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh

Theo: Prudential.com.vn