PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và hành trình giữ lửa nghề
“Không có gì tuyệt vời hơn đối với người bác sĩ là cứu được bệnh nhân thoát khỏi án tử thần” – PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã nhiều lần nhắc lại câu nói ấy trong cuộc chuyện trò với tôi vào một sớm mùa thu. Gắn bó với ngành y từ thuở đôi mươi, giờ đây khi mái tóc đã điểm bạc, niềm say mê và tình yêu với nghề của ông dường như vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu…
PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết – Ảnh: Đặng Thủy
Từ niềm mong mỏi của cha
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết sinh ra ở vùng chiêm trũng của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thuở còn thơ, trong những câu chuyện mà cậu bé Quyết nghe kể luôn có hình bóng của một người mà ông ghi dấu mãi, đó là cụ nội của ông – lương y Nguyễn Văn Lương. “Cụ tôi là một lương y nổi tiếng ở vùng Ý Yên, cụ rất giỏi về y thuật, bắt mạch và kê đơn. Có lẽ cũng bởi mong con theo nghiệp của cụ nội mà khi tôi học xong cấp III, cha tôi đã động viên tôi thi vào y khoa. Ông bảo, nghề y rất khó và khuyến khích tôi thử sức” – PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại.
Hình ảnh của cụ nội – một lương y tài đức, cùng lời động viên của cha đã tiếp thêm niềm hứng khởi cho chàng trai Nguyễn Tiến Quyết. Anh quyết định rẽ lối không theo học toán trường Đại học Tổng hợp như ý định ban đầu mà chuyển sang thi vào ngành y. Và rồi mùa quả ngọt đầu tiên đã tới, Nguyễn Tiến Quyết trở thành sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội niên khóa (1976 – 1982).
Nhắc lại những năm tháng chập chững đến với nghề, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết không thể nào quên những người thầy đã vun bồi cho ông niềm say mê với nghề và nhiệt huyết cống hiến. Ông nhớ như in hình ảnh của thầy Tôn Thất Tùng trong những lần giao ban trên hội trường khi ông còn đang là sinh viên thực tập. “Lúc ấy, cả hội trường im phăng phắc, những bài giảng, những kiến thức uyên thâm mà thầy trao truyền như một chất men say khiến ai cũng say sưa. Tôi lắng nghe, nhìn những động tác biểu cảm của thầy mà cuốn hút không rời.” – PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kể lại. Ông nhớ cả những phần thưởng nho nhỏ là cân đường, hộp sữa mà thầy Tùng dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong những năm tháng gian khó.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, ngoài thầy Tôn Thất Tùng, những người thầy mà ông ngưỡng mộ như: Bửu Triều, Đỗ Kim Sơn, Nguyễn Đình Hối, Đỗ Đức Vân, Đặng Anh Đệ… cũng là những tấm gương sáng về y thuật và y đức để ông soi chiếu, học tập và phấn đấu…
Hành trình giữ lửa nghề
Năm 1982, Nguyễn Tiến Quyết tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Với những thành tích xuất sắc trong học tập, ông được nhận vào công tác tại Bệnh viện Việt Đức. Những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời bác sĩ dẫu vất vả, gian nan nhưng với bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết đó thực sự là cuộc thử lửa rèn giũa cho ông sự kiên trì, ý chí quyết tâm và cả sự say mê với công việc. Ông dần quen với nhịp độ công việc của người bác sĩ, thấu hiểu hơn về trọng trách chữa bệnh cứu người. Có những thời điểm bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng ông phải ăn ngủ luôn tại bệnh viện. Từ những tháng ngày lăn lộn với bệnh nhân, kéo van phụ mổ cùng các thầy, chỉ sau đó không lâu ông đã có thể chủ động trong các ca mổ thoát vị bẹn, mổ ruột thừa hay viêm túi mật…
Sau này khi được lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cử đi học nội trú ngoại khoa ở Đức (1985 -1991), được làm quen với nền y học hiện đại, được các thầy trực tiếp đào tạo, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết ngày càng trưởng thành hơn. Trở về quê hương, trên các cương vị đã được tin tưởng giao phó là Trưởng phòng Tổ chức (từ năm 1994 – 1999), Phó Giám đốc (từ năm 1999 – 2004) rồi Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (từ năm 2004 đến năm 2015), bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết nỗ lực hết sức để cùng tập thể cán bộ nhân viên xây dựng Bệnh viện Việt Đức trở thành bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 430 giường bệnh và hơn 600 cán bộ nhân viên (năm 2004), đến năm 2015, Bệnh viện Việt Đức đã có 1500 giường bệnh với xấp xỉ 2000 cán bộ nhân viên.
Cùng với việc ổn định tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất, tìm các giải pháp hạn chế tình trạng quá tải, xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh… ông còn hết sức chú trọng đến hoạt động chuyên môn, đào tạo các thế hệ bác sĩ kế cận để có thể chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật y học hiện đại. Với Thủ đô, ông luôn tích cực hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện của Hà Nội như: Bệnh viện Đức Giang, Hoài Đức, Hà Đông…; đồng thời chỉ đạo chuyển giao công nghệ, xây dựng các bệnh viện của Hà Nội (Bệnh viện Xanh pôn, Bệnh viện Sơn Tây…) trở thành bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Việt Đức.
Năm 2013, ý tưởng thành lập Trung tâm ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trở thành hiện thực đã đánh dấu một bước chuyển mới trong kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống với nguồn kinh phí thấp hơn nhiều lần so với chi phí ghép tạng ở các nước trên thế giới. Cho đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện gần 1000 ca ghép thận, 90 ca ghép gan, 30 ca ghép tim và 5 ca ghép phổi, trở thành bệnh viện đi đầu trong kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Thành công này có một phần đóng góp của bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ, khi được giao trọng trách lãnh đạo bệnh viện ông đã trăn trở rất nhiều để có thể tiếp nối thành quả mà các bậc lãnh đạo tiền nhiệm đã gây dựng. “Tôi quan điểm là lãnh đạo thì phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, còn cán bộ nhân viên thì luôn phải trong sáng, nêu gương”- cũng chính bởi suy nghĩ này mà PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã hết sức chú trọng đến việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trong bệnh viện, đề cao y đức hết lòng vì bệnh nhân đưa Bệnh viện Việt Đức trở thành địa chỉ tin cậy của các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Với những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động; được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều giải thưởng cao quý khác. Nhiều năm liền ông được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
Hạnh phúc là được chữa bệnh cứu người
Mặc dù đảm trách công việc quản lý trong suốt hơn 20 năm nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn chuyên tâm với công việc chuyên môn. Ông bảo, việc quản lý ông chủ yếu làm ngoài giờ và phân công trách nhiệm cho các cán bộ, khoa, phòng thực hiện còn ông vẫn duy trì thường xuyên lịch trực tham vấn, rồi trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhất là những ca khó.
Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm gắn bó với ngành y, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ dẫu vất vả, dẫu phải lăn lộn tối ngày ở bệnh viện, cùng bệnh nhân nhưng ông luôn cảm thấy hạnh phúc và say mê với công việc. Cho đến bây giờ, ông chẳng nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ, cứu sống bao nhiêu bệnh nhân, chỉ biết mỗi lần cứu được một người từ cõi chết trở về là niềm vui của ông lại nhân lên gấp bội. Như ca mổ cắt gan cho em bé 13 tuổi ở Kiến Thụy, Hải Phòng năm nào. Em bị tai nạn vỡ gan, bệnh viện tuyến dưới đã phải trả em về nhà chờ chết, nhưng rồi dưới bàn tay của ông, em đã được hồi sinh. Đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm bác sĩ của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết. Hay như ca ghép gan đầu tiên lấy từ người cho chết não mà ông cùng kíp mổ thực hiện từ 10 năm trước cũng là những kỷ niệm khó phai mờ. Hơn 6 tiếng trong phòng mổ, ông đã rất căng thẳng lo lắng vì lúc đó kinh nghiệm chưa nhiều, nếu chỉ một thoáng mất tỉnh táo là sẽ mất đi cơ hội sống cho bệnh nhân. Nhưng rồi sự lo sợ đã nhường chỗ cho niềm vui khôn tả khi ca mổ thành công…
Say sưa với công việc đến độ không có một ngày nghỉ phép, cũng không có những giây phút đón giao thừa dịp Tết cùng gia đình trong suốt hơn 20 năm, những tưởng khi về hưu ông sẽ cho phép mình thư thái bằng việc giảm tải công việc. Nhưng không, nhiều năm qua trong căn phòng nhỏ cuối hành lang của Bệnh viện Việt Đức luôn có bóng dáng thân quen của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết. Ông vẫn làm việc với vai trò là cố vấn chuyên môn cho bệnh viện, vẫn chỉ bảo trao truyền những kinh nghiệm lâm sàng và kinh nghiệm đào tạo cho các thế hệ bác sĩ kế cận. Và biết bao bệnh nhân vẫn đang được chữa bệnh cứu sống dưới bàn tay “vàng” của ông.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết tâm sự, cho đến bây giờ ông luôn cảm thấy mỹ mãn với ước mơ được làm nghề, luôn say mê tận tâm trong công việc và cũng thật tự hào vì có một hậu phương là điểm tựa vững chắc với người vợ hiền thảo và những người con ngoan.
“Chừng nào tôi không còn sức thì tôi mới thôi làm việc” – ông nói trong ánh cười lấp lánh và cũng không quên chia sẻ niềm tự hào về sự tiến bộ của nền y học Việt Nam, niềm trăn trở về thực trạng bảo hiểm y tế của nước ta hiện nay, về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện… Những canh cánh mà ông bộc bạch càng khiến tôi thấu hiểu hơn tấm lòng của một lương y luôn tận tâm, hết mình với công việc, với bệnh nhân.
Đặng Thủy
Theo: Nguoihanoi.com.vn