Phân biệt cảm mạo, cảm cúm và thuốc chữa

11/11/2022

SKĐS – Cảm mạo và cảm cúm xuất hiện với bệnh cảnh hắt hơi, sổ mũi, sốt, ho, viêm họng… nhưng cúm hay phát thành dịch

1.Nguyên nhân sinh bệnh

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây cảm mạo và cúm là khi yếu tố gây bệnh (hàn tà) nhiều và chính khí (sức đề kháng) kém.

-Cảm mạo do phong hàn.

-Cảm cúm do phong nhiệt.

Phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào phần da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị trở ngại phát sinh các chứng: Ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, mạch phù khẩn (cảm mạo); ho sốt, sợ gió, không sợ lạnh, mũi khô, mạch phù sác (cảm cúm).

Kim ngân hoa thanh nhiệt trị cảm cúm

2. Điều trị cảm cúm

Biểu hiện: Sốt, sợ gió nhưng không sợ lạnh, ra mồ hôi nhiều, nặng đầu, miệng khô, mũi khô, ho có đờm, có thể chảy máu cam, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Tân lương giải biểu (phát tán phong nhiệt).

Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: Bột thanh hao địa liền

Thành phần: Thanh hao 80g, kinh giới 80g, kim ngân hoa 80g, địa liền, cà gai 40g, gừng 20g, tía tô 40g.

Cách dùng: Tán bột, mỗi ngày sắc uống 16-20g.

Bài 2: Bột kinh giới thạch cao

Thành phần: Kinh giới 60g, thạch cao 60g, phác tiêu 15g, bạc hà 60g, phèn chua phi 30g.

Cách dùng: Tán bột, mỗi ngày uống 4g-8g chia làm 2 lần uống.

Liên kiều bổ phế, giảm ho trị cảm cúm

Bài 3: Tang cúc ẩm

Thành phần: Lá dâu 10g, cúc hoa 4g, liên kiều 6g, bạc hà 4g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, cam thảo 8g, rễ sậy 6g.

Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày có thể uống 2 thang.

Bài 4: Ngân kiều tán

Thành phần: Kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, lá tre 4g, cam thảo 20g, đậu xị 20g, hoa kinh giới 16g, ngưu bàng tử 24g.

Cách dùng: Tán bột, lấy 24g sắc uống nước. Ngày uống 3 lần.

Lương y Hoài Vũ

Theo: Suckhoedoisong.vn