Tác dụng của cà gai leo và những lưu ý gì khi sử dụng?

27/12/2022

Cà gai leo (hay còn gọi là cà lù, cà bò, cà gai dây, cà vạnh) có tên khoa học là Solanum procumbens Lour. thuộc họ Cà (Solanaceae), được trồng phổ biến ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của cà gai leo và cách sử dụng loại dược liệu này để làm thuốc nhé!

Tác dụng của cà gai leo trong dân gian

Từ xưa, trong dân gian ông bà ta đã biết cách dùng rễ và thân của cây cà gai leo để chữa các bệnh về gan hay mẩn ngứa. Theo đông y, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm có khả năng tán phong thấp, tiêu đờm, tiêu độc, giảm đau, trừ ho, cầm máu nên thường được dùng để trị cảm cúm, chảy máu chân răng, sâu răng, phong thấp, chữa rắn cắn, dị ứng hay giải rượu,…Nhấm rễ cà gai leo trước khi uống rượu sẽ giúp bạn lâu bị say hơn. Và khi say rượu, nếu bạn uống nước sắc từ thân, lá của cây cà gai leo thì sẽ không bị mệt mỏi và tỉnh rượu nhanh.

Cà gai leo có tác dụng gì theo góc nhìn y học hiện đại?

Theo kết quả từ các nghiên cứu khoa học, rễ cây cà gai leo (còn gọi là thích gia căn) có chứa nhiều tinh bột, alkaloid, glycoalcaloid và flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và giảm các tác động gây hại cho gan.

Đặc biệt, cà gai leo có hiệu quả khi điều trị vàng da, chướng bụng, người mệt mỏi, khó tiêu. Ngoài ra, nước sắc rễ cây của nó còn được dùng chữa bệnh lậu. Một số nghiên cứu cho thấy tác dụng của cà gai leo trong việc giải độc gan và chữa trị các bệnh lý về gan khác như sau:

Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan do virus, đặc biệt là virus viêm gan B

Năm 1999, đề tài nghiên cứu của bác sĩ Trịnh Thị Xuân Hòa, Bệnh viện Quân y 103: “Một số đặc điểm lâm sàng, siêu cấu trúc gan và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân viêm gan virus B mạn hoạt động bằng thuốc Cà gai leo” cho thấy dược liệu này có tác dụng làm giảm nồng độ virus viêm gan B. Sau điều trị, người bệnh giảm triệu chứng, ăn ngủ ngon hơn, tăng cân và cải thiện chỉ số men gan.

Tác dụng của cà gai leo trong việc ngăn chặn sự phát triển của xơ gan

Công trình nghiên cứu khoa học 1987-2000 của Viện dược liệu Trung ương với đề tài “Nghiên cứu tác dụng ức chế quá trình xơ của cà gai leo trên mô hình gây xơ gan thực nghiệm” và đề tài “Nghiên cứu tác dụng trên collagenase của Cà gai leo”, đã cho thấy hiệu quả tác dụng của cây cà gai leo trên bệnh xơ gan, giúp làm ngăn chặn tiến triển của bệnh một cách rõ rệt.

Tác dụng giải độc, hạ men gan của cà gai leo

Luận án tiến sĩ y học của Nguyễn Phúc Thái do PGS.PTS. Nguyễn Khắc Hải và GS.TS Nguyễn Phúc Hưng được thực hiện vào năm 1998 đã cho thấy: “Dịch chiết từ cây Cà gai leo có tác dụng đáng kể trong việc bảo vệ gan dưới tác dụng độc của TNT”, hạn chế tổn thương tiến triển, cải thiện và bảo vệ tế bào gan.

Tác dụng chống oxy hóa và ức chế các tế bào ung thư của cây cà gai leo

Trong nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu cùng cộng sự về cà gai leo đã công bố kết quả dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo và thành phần glycoalcaloid từ dược liệu này đều có tác dụng chống oxy hóa.

Dịch chiết của cà gai leo cũng được chứng minh có tác dụng ức chế được một số dòng tế bào ung thư do virus gây ra như tế bào ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF) và ung thư cổ tử cung,…

Hiện nay, cà gai leo đang tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu, nhằm ứng dụng và phát triển những tác dụng của dược liệu này trong việc hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan, hạ men gan, ngăn ngừa xơ gan tiến triển và bảo vệ gan.

Những lưu ý khi sử dụng cây cà gai leo làm thuốc

Mặc dù tác dụng của cà gai leo với sức khỏe đặc biệt là gan là không thể chối bỏ nhưng để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Trước khi áp dụng cà gai leo vào điều trị, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn về liều lượng, cách dùng, thời gian dùng, phối hợp với các vị thuốc khác sao cho an toàn và hiệu quả nhất.
  • Chỉ nên dùng vừa đủ.
  • Không nên dùng cà gai leo cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vì cơ thể trẻ em còn yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, chức năng gan vẫn chưa hoàn thiện.
  • Phụ nữ mang thai cần thận trọng hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Không nên dùng khi đang cho con bú vì dược liệu này vì có thể ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng sữa mẹ. Nếu dùng thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ những tác dụng của cà gai leo và sử dụng dược liệu này một cách hiệu quả nhé!

Theo: Hellobacsi.com