Tấm lòng của lương y người Thái
Bằng những bài thuốc nam do cha ông truyền lại, lương y Lô Quốc Hợi (SN 1952, người Thái, ở buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người dân trong vùng.
Ông Hợi là đời thứ 4 được kế thừa nghề bốc thuốc trị bệnh gia truyền của dòng họ Lô (quê Nghệ An). Năm lên 10 tuổi, ông được cha cho theo vào rừng hái thuốc, chỉ cách sơ chế, kết hợp các vị thuốc khác nhau để chữa nhiều bệnh như viêm gan, sỏi thận, đường tiêu hóa, rắn cắn… Năm 1992, ông vào Đắk Lắk lập nghiệp.
Thời gian đầu, ông bận chuyện nương rẫy nên không hành nghề chuyên nghiệp song ai có bệnh tìm đến hoặc những trường hợp khẩn cấp như bị rắn cắn, gãy tay, chân… ông đều nhiệt tình cứu chữa. Trường hợp ông nhớ nhất là lần cứu anh Vi Văn Phước (người cùng buôn) vào năm 1998. “Lúc ấy là chập tối, cậu ta vừa sang nhà hàng xóm thì bị rắn cắn rất nguy cấp không kịp đi trạm xá. Tôi liền vệ sinh, ga-rô cầm máu tạm thời, xử lý vết thương, đắp thuốc gia truyền mới cứu được cậu ấy”, ông Hợi kể.
Lương y Lô Quốc Hợi bắt mạch khám cho bệnh nhân.
Ông Hợi chỉ giúp người chứ không lấy tiền bởi theo tục thừa kế gia truyền của gia đình và tộc họ người Thái làm thuốc, ai hành nghề có thu tiền thì phải giao hết việc nhà cho người thân đảm nhận. Có như vậy, thầy thuốc mới dồn toàn tâm, toàn sức cho nghề y. Năm 2000, khi các con đã lớn, ông Hợi giao hết công việc cho vợ, con để theo nghề đông y chuyên nghiệp. Khắc ghi lời dạy cha ông, trong suốt 20 năm hành nghề, lương y Hợi luôn làm việc bằng cái tâm. Người bệnh nào tìm đến, ông đều khám, hướng dẫn tỉ mỉ cách sắc thuốc, giờ uống và những điều cần kiêng cữ trong thời gian dùng thuốc. Ông Lục Bá Kính (ở cùng buôn) người từng được lương y Hợi trị khỏi bệnh sỏi thận kể, năm 1997, ông thường xuyên bị đau bụng khó chịu liền sang nhà bác Hợi khám mới biết bị sỏi thận. Ông uống thuốc được một thời gian thì thải ra 6 viên sỏi to bằng hạt đậu xanh. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, bệnh không tái phát, lâu lâu ông Kính lại ghé lấy thuốc bổ.
Ngoài thời gian chữa bệnh, ông Hợi lặn lội vào rừng sâu tìm cây thuốc, chuyến đi gần trong tỉnh thì 1 – 2 ngày, chuyến xa kéo dài cả tuần. Lương y Hợi cho biết, trong cây thuốc có cả thành phần dược tính lẫn độc tính. Thầy thuốc phải biết khử độc tính bằng cách chọn thời gian thu hái phù hợp. Nên đi hái thuốc vào cuối mùa thu, đầu đông, tránh lấy vào giờ ngọ hoặc hái cây thuốc hướng về phía mặt trời lặn… Cây thuốc hái về phải rửa sạch, rồi tùy từng bài thuốc mà có cách sơ chế, tinh chế, bào chế khác nhau. Ông cũng di thực một số cây thuốc về trồng trong vườn nhà.
Cây thuốc được lương y sơ chế, phơi khô.
Không chỉ kế thừa bài thuốc gia truyền, lương y Hợi còn học thêm phương pháp bắt mạch bấm và nghiên cứu thêm nhiều bài thuốc đông y hay khác. Gia tài lớn nhất của ông là hơn 200 cuốn sách về nghề thuốc, cùng hàng trăm vị thuốc quý mà ông cất công lặn lội khắp nơi sưu tầm. Lương y cũng nhiệt tình chia sẻ những bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh cho đồng nghiệp. Hiện ông đã chia sẻ 4 – 5 bài thuốc gia truyền cho các thành viên trong Hội Đông y huyện Cư M’gar, Hội Đông y tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên. Ông quan niệm với nghề đông y, sự học là suốt đời, việc kế thừa, chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh là cần thiết để vừa bảo tồn bài thuốc không bị thất truyền vừa được ứng dụng rộng rãi để cứu người.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y huyện Cư M’gar Trần Bá Thích nhận xét, lương y Lô Quốc Hợi là người có nhiều bài thuốc gia truyền của dân tộc Thái. Ông là hội viên năng nổ, ngoài thời gian chữa bệnh, ông dành nhiều thời gian sưu tầm cây thuốc chữa bệnh cho người dân. Lương y Hợi cũng rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm bài thuốc gia truyền, mới đây ông ấy vừa chia sẻ bài “Thạch Lâm” (trị bệnh sỏi thận) rất hữu ích.
Thanh Thủy
Nguồn: baodaklak.vn