Thực phẩm chức năng là gì? Bạn cần hiểu đủ để dùng đúng
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngày càng cao. Trước khi quyết định có nên bổ sung hay không, bạn cần biết rõ thực phẩm chức năng là gì? Chúng có thực sự tốt cho sức khỏe hay không?
Không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, thị trường tiêu dùng thực phẩm chức năng đã và đang tăng trưởng đột biến. Người tiêu dùng mua và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Thực phẩm chức năng để giảm cân, làm đẹp tóc, chăm sóc sức khỏe bên trong, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, giúp trẻ hóa làn da, cải thiện sức khỏe sinh lý nam, nữ…
Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm chức năng nào cũng phù hợp với cơ thể bạn. Dưới đây là những điều bạn cần biết “nằm lòng” trước khi quyết định nên dùng các sản phẩm, thực phẩm chức năng hay không.
Thực phẩm chức năng là gì?
Thực phẩm chức năng là gì có đôi chút thay đổi tại từng quốc gia khác nhau. Ở Việt Nam, Viện Dinh dưỡng định nghĩa rằng: Thực phẩm chức năng là thực phẩm có chứa các hoạt tính sinh học cần thiết cho sức khỏe bao gồm: thực phẩm chế biến cải tiến từ các loại thảo dược, thực phẩm truyền thống, các thành phần dinh dưỡng hoặc không chứa dinh dưỡng khác nhưng có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với sức khỏe con người.
Thực phẩm chức năng là các loại thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn để cải thiện sức khỏe, vẻ đẹp từ bên trong, đồng thời làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe do thiếu chất như: loãng xương, viêm khớp, các bệnh da liễu, trí não… Ngày nay, các thực phẩm chức năng có chứa chiết xuất thảo dược được dùng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh mạn tính.
Các dạng bổ sung của thực phẩm chức năng là gì?
Bạn có thể bổ sung thực phẩm chức năng qua các dạng phổ biến: dạng viên nén sủi bọt, viên nén, viên nang, viên kẹo dẻo, dạng bột, cốm, dạng nước (chất lỏng).
Thành phần trong thực phẩm chức năng là gì?
Thông thường, trong các loại thực phẩm chức năng, chúng có chứa các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, chất xơ, axit amin, thảo mộc, thực vật hoặc enzyme.
Có nên bổ sung thực phẩm chức năng không?
Để bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính của cơ thể bao gồm: protein, lipid, carbohydrate cùng nhóm vitamin và khoáng chất, thì cách tốt nhất, bạn nên bổ sung chúng qua đường ăn uống, tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa, độ tuổi, hoặc bệnh lý mà một số người không có đủ vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống hằng ngày.
Trên thực tế, cùng với sự ra đời và sử dụng rộng rãi của thực phẩm chức năng, tỷ lệ thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Ví dụ, sau khi bột mì được bổ sung thêm chất sắt được đưa vào sử dụng ở Jordan, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em đã giảm gần một nửa.
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hoặc cơ thể không tự sản sinh được bằng thực phẩm chức năng chính là lựa chọn hợp lý, nhằm ngăn ngừa thiếu hụt dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm chức năng chứa tinh chất thảo dược, các vitamin và khoáng chất… còn có vai trò hỗ trợ cơ thể phòng ngừa nhiều bệnh tật. Chẳng hạn như:
Thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa: Các chất này giúp trung hòa các hợp chất có hại được gọi là các gốc tự do, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và một số bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
Thực phẩm chức năng chứa nhiều axit béo omega-3: Đây là một loại chất béo lành mạnh giúp giảm viêm, tăng cường chức năng não và tăng cường sức khỏe của tim.
Thực phẩm chức năng giàu chất xơ: Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, hạn chế các tình trạng như tiểu đường, béo phì, bệnh tim và đột quỵ. Chất xơ cũng có thể giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, bao gồm viêm ruột kết, loét dạ dày, trĩ và trào ngược axit.
Lưu ý: Dù không phải là thuốc chữa bệnh hay sản phẩm thuốc thay thế, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung một loại thực phẩm chức năng nào đó. Bởi một số chất bổ sung có thể phản tác dụng, tương tác với các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Thực phẩm chức năng đặc biệt cần thiết cho người trên 50 tuổi
Thực tế bạn có thể bổ sung thực phẩm chức năng ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với những người từ 50 tuổi trở đi có thể cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất từ bên ngoài hơn người trẻ tuổi.
Bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn biết cần phải bổ sung một hoặc nhiều chất bằng thực phẩm chức năng.
Dưới đây là một số khuyến nghị bổ sung vitamin, khoáng chất cho người trên 50 tuổi:
Vitamin B12: Nên bổ sung 2,4 mcg (microgram) mỗi ngày. Nếu bạn đang dùng thuốc trị trào ngược dạ dày, bạn có thể bổ sung loại vitamin này bằng một hình thức khác.
Canxi: Phụ nữ trên 50 tuổi cần 1.200 mg/ngày. Đàn ông cần 1.000 mg trong độ tuổi 51 -70 tuổi và 1.200 mg sau 70 tuổi, nhưng không quá 2.000 mg/ngày.
Vitamin D: 600 IU cho người từ 51 đến 70 tuổi, 800 IU cho những người trên 70 tuổi, nhưng không quá 4.000 IU/ngày.
Vitamin B6: 1,7 mg cho nam và 1,5 mg cho nữ mỗi ngày.
7 nhóm phổ biến của thực phẩm chức năng là gì?
Thực tế, thực phẩm chức năng vô cùng đa dạng, phong phú, nhưng để dễ hiểu và có cái nhìn tổng quát, các loại thực phẩm chức năng được chia làm 7 nhóm chính sau:
1. Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin
Vitamin là các vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Do đó, vitamin hay vitamin tổng hợp là những loại chất thường thấy trong các loại thực phẩm chức năng.
Các loại vitamin có mặt phổ biến trong thực phẩm chức năng là: vitamin A, vitamin B (bao gồm thiamine B1, riboflavin B2, niacin B3, pantothenic acid B5, vitamin B6, biotin B7, folate B9, vitamin B12), C, D, E, K…
2. Thực phẩm chức năng bổ sung khoáng chất
Khoáng chất là các yếu tố hóa học mà cơ thể cần nhưng lại không tự sản xuất được. Chẳng hạn như kẽm, canxi, sắt, kali, đồng, magie, mangan,… là những khoáng chất thiết yếu và có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm ăn uống hằng ngày. Ngoài ra, lưu huỳnh cũng là một khoáng chất thiết yếu khác cần thiết cho cơ thể. Do đó, thông thường, bạn chỉ cần bổ sung các khoáng chất trên qua những bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày là đủ.
Tuy nhiên, các trường hợp cần bổ sung khoáng chất qua thực phẩm chức năng là gì? Đó là người do cơ địa, bệnh mạn tính, mang thai hay bệnh lý hoặc chế độ sinh hoạt không hợp lý mà bạn thiếu hụt các khoáng chất kể trên.
3. Thực phẩm chức năng bổ sung protein và axit amin
Protein là chuỗi các axit amin thực hiện chức năng cấu tạo nên tế bào, enzym, hormone,… Nhờ đó, cơ thể người bệnh hay bị chấn thương có thể tự hồi phục. Ngoài ra, protein còn được dùng để kiểm soát năng lượng, giảm cân.
Cơ thể người cần hơn 20 loại acid amin khác nhau, và mỗi nguồn thực phẩm lại chỉ chứa vài acid amin nhất định. Vì vậy, nếu dinh dưỡng kém cân bằng (ăn kiêng, ăn chay, thói quen chỉ ăn một vài loại thực phẩm…) hay người cần lượng protein lớn như người tập gym cũng lựa chọn bổ sung acid amin từ thực phẩm chức năng.
Một số sản phẩm bổ sung protein thường thấy là whey protein, protein shake, protein casein, protein trứng, protein đậu, protein gạo lứt…
4. Thực phẩm chức năng bổ sung axit béo
Các loại axit béo đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống và sức khỏe. Trong đó, nhóm axit béo cần thiết bao gồm: omega-3, omega-6, omega-9. Riêng omega-9 cơ thể con người có thể tự sản xuất được.
Do đó, một số loại thực phẩm chức năng thường thấy bổ sung omega-3 (axit alpha-linolenic) và omega-6 (axit linoleic) bởi vì các loại axit béo này không thể tự tổng hợp bởi cơ thể, bạn cần bổ sung chúng trực tiếp từ bên ngoài.
5. Thực phẩm chức năng bổ sung lợi khuẩn probiotic
Probiotic bao gồm hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và sức khỏe của đường tiêu hóa. Chúng làm giảm nguy cơ bệnh táo bón, cải thiện sức khỏe miễn dịch.
Một số loại thực phẩm chức năng thường thấy: probiotic hoặc prebiotic.
6. Thực phẩm chức năng bổ sung cho người tập luyện thể thao
Thực phẩm chức năng cho người tập thể thao được dùng để hỗ trợ quá trình tập luyện thể hình, cử tạ, điền kinh, vì chúng giúp làm tăng khối lượng cơ nạc, giảm mỡ thừa.
Một số sản phẩm bổ sung thường thấy: Đồ uống giàu protein, BCAA, glutamine, arginine, axit béo thiết yếu, creatine, HMB…
7. Thực phẩm chức năng chiết xuất, cô đặc từ thiên nhiên
Các loại cây thuốc, thảo dược chính là chiết xuất chính có trong các loại thực phẩm này. Thông thường chúng sẽ giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề như: Đẹp da, chống lão hóa, điều hòa, cân bằng nội tiết, giải độc gan, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ trí não…
Một số sản phẩm bổ sung thường thấy: tinh dầu hoa anh thảo, tinh dầu oải hương, tía tô, collagen thực vật…
Việc hiểu rõ thực phẩm chức năng là gì và các nhóm chất thường thấy trong thực phẩm chức năng giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về các “sản phẩm mới nổi” này trên thị trường chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù việc bổ sung các chất dinh dưỡng bằng thực phẩm chức năng là cần thiết đối với nhiều người. Tuy nhiên cần đảm bảo liều lượng được khuyên dùng vì quá liều có thể dẫn đến một số tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Để đảm bảo an toàn và chất lượng tối đa, bạn hãy chọn các chất bổ sung được kiểm nghiệm, phê duyệt, cấp phép bởi một cơ quan chứng nhận uy tín. Tốt nhất, luôn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu muốn bổ sung bất kỳ thực phẩm chức năng nào.
Theo: Hellobacsi.com