Ưu và nhược điểm khi chữa bệnh bằng thuốc nam

14/11/2022

SKĐS – Đã từ lâu, Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc là nơi nghiên cứu, gìn giữ và phát huy các bài thuốc nam dân tộc, được nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến khám và chữa bệnh.

Cơ sở khám chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc nam

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình hình thành, phát triển của Hợp tác xã (HTX) thuốc dân tộc Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội), lương y Ngô Viết Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập ngày 26/12/1959 do Sở Y tế Hà Nội cấp phép và là một trong những cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc nam đầu tiên tại Hà Nội được cấp phép, phát triển đến ngày nay.

Trong những năm kháng chiến, HTX đã đào tạo 106 lớp học cho 3 chiến trường, được hơn 3.000 cán bộ cung cấp cho 3 chiến trường thực hiện phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”. Lúc đó, thuốc nam đã phát huy tác dụng trong việc điều trị bệnh cho các chiến sĩ và nhân dân vì nguồn thuốc sẵn có ở trong vườn, rừng… Những năm sau chiến tranh, HTX là địa chỉ tin cậy của người dân đến khám, chữa bệnh bằng thuốc nam dân tộc với giá rẻ. Mỗi ngày có rất đông người bệnh xếp hàng tới khám, chữa bệnh.

Cũng theo lương y Ngô Viết Tài, trong các giai đoạn tiếp theo, HTX luôn tìm tòi và nghiên cứu chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc nam thu được kết quả tốt, thực hiện đúng lời dạy của Đại danh y Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân”. Hàng năm, nơi đây thăm khám và chữa bệnh cho đông đảo người dân gần xa, chủ yếu là chữa tê thấp và ngứa… Các bài thuốc đều được sưu tầm, kế thừa và phát huy theo truyền thống, trong đó có các bài thuốc từ kinh nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số như: Mường, Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Chăm…

HTX thuốc dân tộc Chùa Bộc hiện nay còn duy trì vườn thuốc nam có diện tích lớn tại Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) và Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Vườn thuốc của HTX đã trồng được hàng chục loài cây thuốc khác nhau, vừa tạo cảnh quan, bảo tồn giống cây thuốc, hàng năm đều cho thu hoạch dược liệu… Vườn cây thuốc nam ở đây có nguồn gốc từ đồng bằng, vùng núi. Tiêu biểu như cây cỏ xước, đơn thương quân, cây vối hạt, xạ đen… để người dân tham quan, học tập, thực nghiệm nhận biết các cây thuốc nam.

Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc được thành lập từ năm 1959.

Thuốc nam phù hợp với người Việt Nam

Là người nghiên cứu về thuốc nam, lương y Ngô Viết Tài hào hứng chia sẻ, nước ta vùng nhiệt đới nên thiên nhiên và con người rất hòa hợp, cây thuốc sinh ra ở vùng nhiệt đới dường như cũng sinh trưởng, phát triển và có các thành phần dược liệu để chữa bệnh cho con người Việt Nam mình. Dân tộc ta dựng nước và giữ nước thuốc dân tộc vẫn luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước. Nền y học dân tộc nhờ cây cỏ thảo dược để phòng chống dịch bệnh bao lâu nay. Câu nói “Nam dược trị Nam nhân”, đến bây giờ kiểm nghiệm đó vẫn đúng.

Từng sinh sống, công tác và nghiên cứu ở nhiều vùng đồng bào dân tộc, lương y Ngô Viết Tài đã tận mắt chứng kiến có rất nhiều bài thuốc nam dân tộc hay và quý, có tác dụng đối với một số loại bệnh nhất định, khiến ông bất ngờ và thán phục. Tuy nhiên, các bài thuốc nam dân tộc tử cỏ cây nào đó thường nhỏ lẻ chỉ 1 – 2 vị thuốc, mang tính bí truyền, chỉ truyền thụ gia đình. Việc sưu tầm, nghiên cứu, phân tích dược liệu của cây thuốc cũng hết sức vất vả, một số mẫu cây dược liệu phải gửi sang nước ngoài, chi phí cao mà vài tháng trời mới có kết quả.

Lương y Ngô Văn Tài giới thiệu về các loại cây thuốc nam tại vườn thuốc.

Hiện nay, nguồn dược liệu của nước ta rất dồi dào, thích hợp cho phát triển thuốc nam. Trong thiên nhiên, nguồn dược liệu là cây thuốc rất khổng lồ ở những vùng núi như: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… vẫn còn nhiều nơi chưa có con người đặt chân đến. Ví dụ như cây huyết đằng sinh sống bằng cách leo lên thân những cây to, mọc trên đá; cây thạch sương bồ mọc các kẽ đá… nhiều loại mọc trên thân cây to, vách núi thu hoạch còn khó tìm và cũng khó trồng nên việc khai thác, bảo tồn phải thật khoa học và rất kỳ công.

“Trong hơn 50 năm nghiên cứu, học tập, có kinh nghiệm trong khám chữa bệnh bằng thuốc nam của tôi cho thấy, kết quả thu được cũng rất khả quan, người bệnh đã bớt đau, bớt khổ để trở về cuộc sống bình thường lao động và sản xuất. Thuốc nam dùng lành, bớt, giảm được bệnh từ 70 – 90% (tùy loại bệnh), song có một nhược điểm là phải uống dài hơn, chứ không thể nhanh được như các loại thuốc khác. Phát triển y học cổ truyền cũng cần quan tâm đầu tư, nghiên cứu về thuốc nam, bởi dùng thuốc nam phù hợp, tự chủ về nguồn nguyên liệu, giá rẻ” – Lương y Ngô Viết Tài chia sẻ.

Hợp tác xã thuốc nam dân tộc Chùa Bộc đã trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển, hiện có 30 lương y, người lao động đang làm việc tại đây. Để trở thành cơ sở khám chữa bệnh và được cấp phép hoạt động theo quy định, HTX đã thành lập Công ty TNHH thuốc dân tộc Chùa Bộc. Từ ngày thành lập đến nay, HTX cương quyết đi theo con đường dùng thuốc nam chữa bệnh và được ghi nhận. Năm 1968, HTX được Bác Hồ kính yêu tặng Huân chương lao động hạng III. HTX cũng vinh dự được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống thăm và để lại bút tích; 3 lần được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống thăm…

Ngô Quang

Theo: Suckhoedoisong.vn