“Vua thuốc Nam” Nguyễn Kiều

02/11/2022

Một lần, tôi đến thăm nhà riêng của Đại tá, bác sĩ Hoàng Thủ, nguyên Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội ở khu tập thể Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội). Tôi ngạc nhiên thấy trên bàn thờ nhà ông, ngoài thờ cụ cố và cha mẹ, còn thấy thờ một người trên ảnh đề: “Lương y Nguyễn Kiều (1891-1974)”.
Khi được hỏi chuyện, chủ nhà kể rằng trước đây, ông là bác sĩ ở Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Đầu năm 1969, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ, lương y Nguyễn Kiều trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường mang tên đại danh y Tuệ Tĩnh, đặt ở xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Các bác sĩ của Công an nhân dân vũ trang ngày ấy được cử đến Trường Tuệ Tĩnh để học và giúp hiệu trưởng tổ chức quản lý xây dựng trường. Lương y Nguyễn Kiều đã cao tuổi và sống độc thân. Cụ từng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo với nhiều tiền bối cách mạng của Đảng ta. Cụ còn là thầy thuốc uyên thâm, giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực chẩn trị thuốc Nam…

Theo lời kể của bác sĩ Hoàng Thủ, lương y Nguyễn Kiều quê xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc, tham gia cách mạng từ năm 1927 trong tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, cụ bị địch bắt, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Trước khi đi làm cách mạng, cụ đã hành nghề Đông y, say sưa tìm hiểu các loại thuốc cây nhà lá vườn để chữa bệnh cho người nghèo. Trong tù, cụ được Bí thư chi bộ Tôn Đức Thắng trực tiếp giao nhiệm vụ tận dụng cây thuốc trên đảo chữa bệnh cho bạn tù. Ngày ngày lợi dụng những lúc đi làm ngoài trời, cụ hái lượm tất cả những cây cỏ cùng khoáng vật có công dụng về mặt dược tính, đem về phơi khô chế biến, gia giảm thành từng bài thuốc Nam khác nhau. Không những cứu chữa cho bạn tù chính trị, cụ còn chữa cả tù thường phạm và người thân gia đình cai ngục. Nổi bật là bài thuốc chữa xương khớp, một bệnh phổ biến do mọi tù nhân đều phải làm việc nặng nhọc, khí hậu khắc nghiệt, tù chính trị còn thường xuyên bị tra tấn đòn roi. Lương y Nguyễn Kiều năm 13 tuổi bị ngã, chấn thương khá nặng đã dùng bài thuốc gia truyền này để chữa trị. Ở Côn Đảo, cụ vận dụng bài thuốc cho hợp với hoàn cảnh cụ thể. Cụ thu thập những dược liệu hết sức thông thường như: Vữa vôi, phèn chua, cỏ xước, nước tiểu trẻ em, bồ hóng, rượu… Tất cả được nhào trộn, hoàn tán ngâm trong rượu, nút kín để từ 3 đến 21 ngày, rồi bỏ bã lấy nước cho người bệnh uống. Kết quả chữa bệnh rất công hiệu, nhiều người được chữa khỏi, dân trên đảo đặt tên phương thuốc là “Nguyễn Kiều tái tạo hoàn”. Còn các bài thuốc khác của cụ cũng có hiệu quả, được phổ biến rộng rãi như: Kiên cung hoàn chữa bệnh hành kinh đau bụng của nữ; Cao giải phóng chữa nổi mẩn mụn nhọt do suy giảm chức năng gan, thận…

Lương y Nguyễn Kiều (1891-1974). Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám, lương y Nguyễn Kiều cùng nhiều chiến sĩ cách mạng trở về đất liền tiếp tục hoạt động. Cụ được Đảng phân công các trọng trách: Trưởng ty Công an tỉnh Sa Đéc, Phó ban Quân dân y Nam Bộ, Trưởng ban Quân y bộ đội tình nguyện Việt Nam-Campuchia… Ngày đó, lương y Võ Tuấn Hưng cống hiến một phương thuốc gia truyền gọi là “Toa căn bản”, cụ Nguyễn Kiều cùng Trưởng ban Quân dân y Nguyễn Văn Hưởng (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế) dựa trên 3 nguyên tắc: Giải độc, kích thích, điều hòa, kết hợp thuốc Nam với phương thuốc này, chữa được nhiều loại bệnh. Toa căn bản được nhanh chóng phổ biến rộng rãi, có tác dụng giữ gìn sức khỏe bộ đội và nhân dân trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Năm 1954, lương y Nguyễn Kiều tập kết ra Bắc. Cụ không muốn ngồi bàn giấy ở cơ quan Bộ Y tế mà trực tiếp xuống các địa phương xây dựng tủ thuốc Nam tự túc tại các xã. Rồi cụ tham gia ban vận động thành lập Hội Đông y Việt Nam. Cụ còn là Chủ nhiệm Khoa Thuốc Nam, Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương. Ở đây cụ đã tổng kết, biên soạn nhiều tài liệu, giá trị nhất là bộ sách Cơ bản tính thuốc ta, đã được Nhà xuất bản Y học cho ra mắt bạn đọc rộng rãi năm 1961. Bộ Y tế giao cụ nhiệm vụ mở trường thuốc Nam tại đền Đậu, thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ tồn tại 3 khóa, trường đã đào tạo được 300 lương y, bổ túc cho nhiều bác sĩ Tây y về y học cổ truyền, góp phần tích cực vào việc giải quyết tình trạng thiếu cán bộ y tế cơ sở thời kỳ đó.

Lương y Nguyễn Kiều được Nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi 79, nhưng cụ không muốn ngồi một chỗ hưởng an nhàn mà ngày ngày vẫn đi các xã, phường tuyên truyền, xây dựng tủ thuốc Nam. Cụ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập trường chuyên về thuốc Nam nằm trong hệ thống đào tạo các trường trung cấp và đại học chính quy của Nhà nước. Tại đây, bác sĩ Hoàng Thủ cùng một số thầy thuốc quân đội đã cộng tác mật thiết với thầy hiệu trưởng Nguyễn Kiều. Trong công việc là tình đồng chí, đồng nghiệp, ngoài giờ làm còn là tình thầy trò, cha con. Tuy tuổi cao nhưng cụ lúc nào cũng miệt mài lên lớp và nghiên cứu, sưu tầm cây thuốc, còn cùng các đồng sự biên soạn thành công nhiều bộ tài liệu có giá trị như: Phương pháp chẩn trị thực tiễn; Cơ bản tính thuốc ta; Bản thảo thuốc Việt Nam Côn Lôn; 500 chứng, 10 nguồn bệnh, hàn nhiệt, hư thực, 31 công thức chữa bệnh bằng thuốc ta. Cụ được tôn vinh là “Vua thuốc Nam”.

Đại tá Hoàng Thủ cũng kể cho người viết bài này nghe một câu chuyện về cuộc sống riêng tư của “Vua thuốc Nam”. Ngày tập kết ra Bắc, thấy lương y Nguyễn Kiều đã “cứng” tuổi mà vẫn sống độc thân, bạn tù lúc này đều là những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, như các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh tự nguyện làm “ông mối”, song đã thử mấy lần đều không… mát tay. Các đồng chí bàn nhau, phải để bí thư chi bộ nhà tù, người anh gần gũi thân thiết với lương y Nguyễn Kiều là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tôn Đức Thắng “ra tay” xem sao. Ngày ấy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã “nhắm” được một người thích hợp là chị Bảy. Chị vốn là cán bộ Hội Phụ nữ Nam Bộ, do hoàn cảnh kháng chiến sống miết trong bưng biền mà chưa lập gia đình. Khi vừa nghe Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói, vị lương y khả kính liền chắp hai tay vái “ông mối”: “Thưa anh Hai, nhân duyên giữa tôi và “nàng thuốc Nam” vẫn còn chưa dứt được, lòng dạ nào nghĩ đến nhân duyên mới đây…”.

Ngày lương y Nguyễn Kiều nghỉ hưu, cụ vẫn sống một mình trong căn buồng nhỏ ở Trường Tuệ Tĩnh. Nghe danh tiếng ông, một hôm từ nước bạn Lào gửi sang một bệnh nhân bị bệnh thận là con trai của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cụ lại gắng sức cùng các học trò nghiên cứu kỹ bệnh án và vạch ra một phác đồ điều trị mới hoàn toàn bằng thuốc Nam. Được điều trị tích cực, sau hơn nửa năm, bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục tốt. Đến lúc đó, lương y Nguyễn Kiều do cao tuổi và di chứng những năm trong nhà tù đế quốc bị tra tấn, cực hình sức khỏe suy giảm nhanh. Ngày 19-10 năm Giáp Dần (1974), “Vua thuốc Nam” trút hơi thở cuối cùng ngay tại ngôi trường do mình sáng lập, hưởng thọ 84 tuổi. Ngày ấy, mộ cụ đã được các học trò, đồng chí xây cất cạnh vườn thuốc Nam của trường đặt tại xã Phượng Dực, nơi mà đã bao năm qua cụ thường vào đây chăm sóc, thu hái và đưa về trồng hàng trăm loại cây dược liệu quý hiếm mới.

PHẠM QUANG ĐẨU

Theo: Sknc.qdnd.vn