Y học cổ truyền hiểu về chứng đau đầu như thế nào?

14/11/2022

Cuộc sống hiện đại đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, việc đối mặt với những căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, số lượng người bị đau đầu đang ngày càng tăng lên.

Đau đầu chỉ là triệu chứng, nguyên nhân của nó không nhất thiết là ở đầu, đôi khi các bất thường ở các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể gây ra đau đầu. Vì các nguyên nhân và triệu chứng của đau đầu có thể rất khác nhau, do đó đau đầu cần được chẩn đoán và điều trị theo các trường hợp cụ thể, đặc biệt với các thể đau đầu mãn tính và tái phát như chứng đau nửa đầu, đau đầu do chấn thương hoặc do nguồn gốc từ thần kinh mạch máu. Những chứng đau đầu này không đơn giản được giảm bớt bằng thuốc giảm đau, bác sĩ điều trị cần kết nhiều loại thuốc và dựa vào các thể lâm sàng, đây là phương pháp hiệu quả nhất để chữa bệnh hoặc giảm bớt các tình trạng đau đớn.

YHCT coi đầu là “nơi hội của dương”“chỗ ở của thần minh”, nghĩa là đầu có quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác của cơ thể, và tất cả các cơ quan đều có trách nhiệm nuôi dưỡng nó. Hơn nữa, YHCT cho rằng não là bể của tủy, có nguồn gốc từ thận tinh và được nuôi dưỡng bởi chất dinh dưỡng của thực phẩm. Đầu kết nối với các cơ quan bên trong thông qua hệ thống kinh lạc mạch. Nó cũng thông qua các lỗ tự nhiên phía trên (thanh khiếu) để giao tiếp trực tiếp với bên ngoài. Khi các yếu tố gây bệnh ở bên ngoài hoặc bên trong cản trở sự vận hành của kinh mạch, làm xáo trộn nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho đầu, và làm tắc các khiếu, đau đầu sẽ xảy ra.

Vì có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu, do đó tần suất và mức độ nghiêm trọng thay đổi đáng kể giữa các thể lâm sàng. Điều này đôi khi là một thử thách để chẩn đoán và điều trị chứng đau đầu.

Thanh khiếu là các lỗ tự nhiên
ở trên đầu ví dụ như mắt, tai, mũi, miệng

Về mặt lâm sàng, thầy thuốc YHCT dựa vào các dấu hiệu đặc trưng của đau đầu để phân tích các thay đổi bệnh lý bên trong cơ thể. Những thông tin này giúp họ tìm ra các thể lâm sàng và cung cấp nguyên tắc cho các phương pháp điều trị. Dưới đây là quan điểm về chứng đau đầu theo y học cổ truyền và các nguyên tắc điều trị.

Đau nửa đầu (Migraine)

Đau đầu Migraine trong Y học hiện đại là chứng đau đầu tái phát với các nguyên nhân không rõ. Đau đầu Migraine điển hình là đau một bên đầu, đau tính chất mạch đập, cường độ từ vừa đến dữ dội, đau nặng lên khi hoạt động, và thường kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn. Các biểu hiện thường được cho là rối loạn chức năng thần kinh thường bị kích thích bởi stress, mệt mỏi, mất ngủ, kinh nguyệt và thời tiết thay đổi.

Theo quan điểm của YHCT, chứng đau nửa đầu chủ yếu là do sự xâm nhập của phong và hỏa làm bế tắc kinh lạc và làm rối loạn khí huyết trong đầu. Ngoài ra, rối loạn chức năng tạng can và đường kinh can cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bệnh. YHCT điều trị chứng đau nửa đầu với phép điều trị gồm bình can, khu tà và thông kinh lạc. Tuy nhiên, phép điều trị còn từng thể bệnh cụ thể như sau:

Thể bệnh Triệu chứng Phép điều trị
Can khí uất kết Đau căng hoặc kiểu mạch đập một bên đầu, kèm theo tinh thần uất ức, tức ngực và thỉnh thoảng ợ hơi. Sơ can, giải uất, lý khí chỉ thống.
Can dương vượng Đau căng vùng đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, tính tình dễ bị kích thích, mất ngủ, miệng khô và mặt đỏ. Bình can, tiềm dương, tư âm
Huyết ứ trở lạc Đau đầu kéo dài không đỡ, đau cố định, kiểu châm chích hoặc nhịp đập, hay quên, đánh trống ngực. Hoạt huyết, thông lạc, chỉ thống
Hàn ẩm đình tụ Đau nặng đầu, hoặc cảm giác như có một dải buộc chặt quanh đầu, tức ngực, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn ra đàm, đau dạ dày, thích ấm, tay chân lạnh, ăn không ngon miệng, mệt mỏi. Ôn trung giáng nghịch, khư thấp hóa đàm

Đau trên ổ mắt

Đau phía trên lông mày, một hoặc cả hai bên, hoặc lan rộng trên trán. YHCT cho rằng cơn đau chủ yếu là do sự xâm nhập của phong nhiệt ở bên ngoài hoặc phong tà gây ứ trệ kinh lạc. Ngoài ra, rối loạn chức năng của kinh vị và kinh đởm cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bệnh.

Thể bệnh Triệu chứng Phép điều trị
Phong nhiệt ngoại xâm Đau vùng trên lông mày hoặc căng vùng trán, kèm theo mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Cũng có thể có các triệu chứng toàn thân như: sốt, sợ gió. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày, mạch phù sác. Sơ phong thanh nhiệt
Phong ứ trở lạc Đau kiểu châm chích hoặc như dao đâm vùng trên ổ mắt, sợ ánh sáng, lúc đau hai mắt không thể mở rộng, đau tăng khi ấn vào, lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch huyền sáp. Sơ phong, hoạt huyết, chỉ thống

Căng tức vùng đầu

Vùng đầu có cảm giác căng, YHCT gọi là “đầu trướng” hoặc “não trướng”, có thể cảm thấy như đầu tách ra trong các trường hợp đau nghiêm trọng. Đây là một phàn nàn bình thường của những người bị đau đầu. Trong YHCT, đau đầu với cảm giác căng tức thường là kết quả từ việc nhiều khí và huyết đi lên vùng đầu dẫn đến sự trì trệ cục bộ, và làm tắc các khiếu, thường là biểu hiện trong các chứng: phong nhiệt ngoại xâm, can dương thượng nhiễu, can hỏa thượng viêm.

Thể bệnh Triệu chứng Phép điều trị
Phong nhiệt ngoại xâm Đau đầu với cảm giác căng tức, thậm chí tách ra. Kèm theo sốt, sợ gió, khát, mặt đỏ, mắt đỏ, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch phù sác. Sơ phong, thanh nhiệt
Can dương thượng nhiễu Cảm giác căng tức ở trong đầu, kèm theo chóng mặt, ù tai, tê và ngứa ở chân tay, mất ngủ, đau lưng mỏi gối, mặt đỏ, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác. Các triệu chứng này nặng lên khi mệt mỏi hoặc căng thẳng. Bình can, tiềm dương, tư dưỡng can thận
Can dương thượng viêm Cảm giác căng tức ở trong đầu hoặc nặng hơn cảm giác như đầu tách ra, kèm theo mắt đỏ, đắng miệng, ngực sườn đau trướng, tính tình dễ kích thích, ngủ ít, hay mơ, lưỡi đỏ rêu vàng nhờn, mạch huyền sác. Thanh can, tả hỏa, thanh nhiệt, lợi thấp.

Nặng đầu

YHCT gọi là “đầu trọng”. Những người bị đau đầu đôi khi mô tả rằng họ có cảm giác nặng ở đầu, như đầu bị đặt lên vật nặng. Cảm giác này thường thấy trong đau đầu do căng thẳng, đau đầu nguồn gốc cột sống cổ hoặc đau đầu do rối loạn cơ năng. YHCT cho rằng thấp là yếu tố gây bệnh phổ biến nhất cho cảm giác đầu nặng. Đặc tính của thấp là nặng nề, làm khí vận hành trở trệ, khiến kinh mạch không thông. Những nguyên nhân khác như Can khí uất trệ, trung khí hư suy, thanh dương bất thăng cũng có thể gây nặng đầu.

Thể bệnh Triệu chứng Phép điều trị
Phong thấp thượng nhiễu

(phong thấp quấy nhiễu trên đầu)

Cảm giác nặng đầu, mệt mỏi, tay chân nặng, tức ngực, ăn không ngon miệng. Tiểu khó, đại tiện phân lỏng. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.

Lúc trời mưa hoặc môi trường ẩm ướt thì bệnh tăng.

Khu phong, thắng thấp
Thấp nhiệt thượng chưng

(thấp nhiệt bốc lên trên đầu)

Cảm giác nặng đầu, thậm chí đau căng đầu, mặt đỏ, nóng trong người, dễ tức giận, ăn không ngon miệng, tức ngực, bụng chướng, nước tiểu ngắn vàng, đại tiên thấy phân nhớt, hoặc táo bón, lưỡi đỏ, rêu vàng nhờn, mạch hoạt sác hoặc nhu sác.

Các triệu chứng thường nặng lên vào buổi chiều.

Thanh nhiệt, hóa thấp

※ Nếu đau nặng đầu do dùng bia rượu, phần nhiều có thấp nhiệt bên trong, có thể dùng bài thuốc Cát hoa giải trình thang để chữa.

Đàm thấp cản trở bên trong Cảm giác nặng đầu, hoặc thậm chí đau đầu kèm hoa mắt, tối tăm mặt mũi, tức ngực, đầy bụng, nôn ra đàm dãi, mệt mỏi, lưỡi to bệu có dấu răng, rêu lưỡi rắng nhờn, mạch trầm huyền hoặc trầm hoạt. Táo thấp kiện tỳ, hóa đàm giáng trọc
Can khí uất trệ Cảm giác nặng đầu và chóng mặt, tức ngực, bụng đầy, ợ hơi, mệt mỏi, ít ngủ hay mơ, hay quên, ăn không ngon miệng, phân lỏng.

Các triệu chứng thường nặng lên khi căng thẳng

Sơ can, lý khí, thông trung.
Trung khí bất túc Nặng đầu dai dẳng, hoặc chóng mặt, nặng đầu và cảm giác trống rỗng trong đầu. kèm sắc mặt nhợt, mệt mỏi, thở ngắn, ăn kém, đại tiện lỏng, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế nhược vô lực. Bổ trung ích khí, thăng cử thanh dương.

Đau đầu trong chu kỳ kinh nguyệt

Đau đầu ở phụ nữ có liên quan đến sự thay đổi về lượng hoocmon nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Đau đầu một hoặc hai bên và trong những khoảng thời gian khác nhau, có thể kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và xanh xao.

YHCT cho rằng trong suốt chu kỳ kinh nguyệt hay quanh thời gian hành kinh, nếu có xuất hiện đau đầu thì gọi là “hành kinh đầu thống”, có thể do khí huyết hư, hoặc khí trệ huyết ứ hoặc âm hư can vượng. Trước và trong kỳ hành kinh, khí huyết trong cơ thể đổ vào 2 mạch Xung Nhâm, sau đó tràn vào tử cung sinh ra kinh nguyệt. Lúc đó, khí và huyết cung cấp cho vùng đầu giảm đi, dẫn đến thiếu hụt tạm thời ở đây, lúc này bệnh tà có thể thừa hư mà xâm nhập vào, làm cho các khiếu bị tắc trở mà gây nên đau đầu.

Những phụ nữ đã có vấn đề về khí huyết, can hỏa, hoặc huyết hư sẽ dễ bị đau đầu trong thời gian kinh nguyệt. Điều trị theo YHCT luôn nhằm mục đích điều hòa khí huyết, và thông kinh lạc. Hơn nữa, thầy thuốc YHCT sẽ xem xét các giai đoạn kinh nguyệt để lựa chọn thuốc phù hợp.

Đau đầu trong thai kỳ

Đau đầu thường xảy ra trong suốt thai kỳ. Hầu hết các trường hợp này không đáng ngại, thường do sự thay đổi sinh lý của lượng hormone, và sự tăng lên tăng của khối lượng và lưu lượng máu. Tuy nhiên, nếu đau đầu của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài, bạn nên gặp bác sĩ để loại trừ các vấn đề nghiêm trọng.

Theo quan điểm của YHCT, vì có nhiều máu đi xuống tử cung và được sử dụng để nuôi dưỡng bào thai, cơ thể có khuynh hướng bị thiếu âm huyết. Lúc đó, đầu cũng bị kém nuôi dưỡng hoặc bị rối loạn bởi sự dư thừa tương đối của dương (do thiếu âm huyết), dẫn đến chứng đau đầu. Dưới đây là các thể thường gặp của đầu trong thời kỳ mang thai.

Thể bệnh Triệu chứng Phép điều trị
Huyết hư can vượng Đau đầu âm ỉ dai dẳng, chóng mặt, nhìn mờ, đánh trống ngực, ngực sườn đầy tức, da xanh xao, lưỡi nhạt, mạch huyền tế. Dưỡng huyết thanh can
Âm hư Dương kháng Đau đầu thường xuyên với cảm giác căng tức, chón mặt, ù tai, dễ tưc giận, lưỡi đỏ khô, mạch huyền tế sác Tư âm tiềm dương

Theo: Yhoccongdong.com